Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng các nền kinh tế châu Á vì dịch Covid-19

(ĐTCK) Khối nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered vừa công bố báo cáo với tiêu đề “Châu Á - Đo lường phơi nhiễm do sự gián đoạn của dịch Covid-19 gây ra” đánh giá tác động của dịch Covid-19 (mới được WHO đổi tên thành SARS-CoV-2) đến các nền kinh tế châu Á.
Du lịch là một trong 2 lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất vì dịch Covid-19

Báo cáo cho rằng, dịch Covid-19 sẽ có tác động với mức độ khác nhau đối với các nền kinh tế châu Á. Lĩnh vực chịu ảnh hướng mạnh nhất là ngành sản xuất, tiếp sau là du lịch.

Về tổng thể, dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực giảm khá mạnh.

Cụ thể, Báo cáo cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc xuống còn 5,5%, từ 5,8% trước đó, do sự chậm trễ và gián đoạn trong sản xuất vào quý I, với kịch bản cơ sở dựa trên giả định sự lây lan của dịch có thể dừng lại từ giữa tháng 3 và được ngăn chặn vào cuối tháng 3 tới. Nhưng tình hình dịch bệnh không đúng như giả định trên mà xấu hơn thì Nngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ xem xét cắt giảm lãi suất tiền gửi chuẩn.

Báo cáo dự báo tăng trưởng GDP 2020 ở Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ  suy giảm -2,4% thay vì -1,5% trước đó. Trong khi còn đang gặp phải nhiều vấn đề khác từ trước đó như các cuộc biểu tình, Hồng Kông được cho rằng là một trong những nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của dịch Covid-19.

Với Indonesia - là một trong những nền kinh tế ít chịu tác động, Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế giảm từ mức 5,1% theo dự báo trước đây xuống 5% vì các tác động của dịch đến chuỗi cung ứng, thương mại, du lịch và tâm lý.

Tăng trưởng kinh tế của Malaysia được nhận định đã có dấu hiệu chậm lại từ trước khi dịch dịch Covid-19 xuất hiện. Theo đó, mức điều chỉnh giảm xuống còn 4,2% từ dự báo 4,5% do những lĩnh vực như tiêu dùng cá nhân, du lịch, sản xuất sẽ bị tác động do dịch.

Bên cạnh quyết định cắt giảm lãi suất chính sách 0,25% vào tháng 1, Standard Chartered dự báo cuối tháng 2, các giải pháp về tài khóa cũng sẽ được Chính phủ đưa ra và Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ tiếp tục có một đợt cắt giảm lãi suất nữa vào tháng 3 tới.

Trong bối cảnh Chính phủ Singapore vừa qua cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống mức từ -0,5% đến 1,5% thay vì từ 0,5% đến 2,5% trước đó, Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Quốc đảo có thể chỉ đạt 0,8% từ mức dự báo 1,4% trước.

Standard Chartered đưa ra dự báo Ngân hàng Trung ương Singapore sẽ nới lỏng chính sách vào tháng 4 tới để hỗ trợ nền kinh tế.

Với Hàn Quốc, tăng trưởng GDP xuống còn 2% từ 2,1%. Trong đó, GDP của Hàn Quốc được dự báo sẽ suy giảm 0,8% trong quý I nhưng sau đó là sự phục hồi tương đối nhanh chóng lên 1,4% trong quý II.

Dựa trên mô hình VAR, báo cáo ước tính, nếu tăng trưởng của Trung Quốc giảm 1% sẽ kéo theo mức giảm 0,25% trong tăng trưởng của Hàn Quốc. Kênh chịu tác động lớn nhất là ngành sản xuất.

Tuy nhiên, thời điểm báo cáo này được công bố chưa ghi nhận mức độ số ca lây nhiễm Covid-19 tăng rất nhanh tại quốc gia này trong 2 ngày vừa qua. Vì vậy, tác động thực tế của dịch bệnh đến kinh tế Hàn Quốc có thể còn lớn hơn.

Mức điều chỉnh được Standard Chartered giảm mạnh từ dự báo 3% trước đây xuống 1,8% cho năm 2020 đối với Thái Lan, kèm theo đó là nhiều khả năng một đợt giảm lãi suất 0,25% nữa sẽ diễn ra trong tháng 3. Báo cáo nhận định, dịch Covid-19 tác động đặc biệt mạnh đến du lịch và ngành sản xuất - càng làm trầm trọng thêm tình hình hiện tại.

Tăng trưởng 2020 của Nhật Bản được dự báo giảm xuống 0,4% từ mức 0,7%. Dịch Covid-19 được cho rằng không chỉ tác động đến du lịch và còn có thể làm khó khăn hơn cho khả năng hồi phục của lĩnh vực tiêu dùng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục