Chưa thể đoán định được dịch Covid-19

Đây là quan ngại được các quan chức y tế thế giới đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 lan nhanh ở nhiều nước, dù số ca nhiễm mới và tử vong do virus này đều giảm mạnh ở Trung Quốc.
Trung Quốc tự tin có nhiều công cụ hỗ trợ nền kinh tế chống chọi lại dịch Covid-19. Ảnh: AFP Trung Quốc tự tin có nhiều công cụ hỗ trợ nền kinh tế chống chọi lại dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Dịch lan rộng ngoài Trung Quốc

Trung Quốc cho biết số ca nhiễm Covid-19 tăng thêm 397 người trong ngày 21/2, giảm mạnh so với con số 889 ca một ngày trước đó. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang lan rộng với số ca nhiễm virus tăng mạnh ở Hàn Quốc, Iran, Ý và Lebanon.

Giới chức Hàn Quốc hôm 22/2 xác nhận số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã tăng gấp đôi lên 433 và dự báo con số này có thể tăng mạnh bởi hơn 1.000 người có mặt tại một nhà thờ ở giữa vùng dịch đã có các triệu chứng giống cúm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc khi số ca nhiễm Covid-19 mới của nước này sụt giảm. Tuy nhiên, WHO lo ngại số ca nhiễm mới ở các quốc gia khác đang tăng nhanh khi chưa xác định được lịch sử di chuyển của những bệnh nhân này có liên quan tới Trung Quốc không.

“Mối quan ngại lớn nhất của chúng tôi là việc Covid-19 có thể tiếp tục lan rộng ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

WHO kêu gọi khoản hỗ trợ 675 triệu USD cho các quốc gia yếu thế, trong đó 13 quốc gia ở châu Phi sẽ được ưu tiên hỗ trợ vì có nhiều liên quan tới Trung Quốc.

Trung Quốc xác nhận với WHO có 75.569 ca nhiễm Covid-19 và 2.239 trường hợp tử vong do virus, Tổng giám đốc WHO cho biết. Theo dữ liệu được cung cấp, số ca bệnh nhẹ chiếm tới 80%, còn lại là các ca bệnh nặng. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 2%.

Theo thống kê của Reuters, dịch Covid-19 đã lan sang 26 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc đại lục, khiến hơn chục người tử vong.

Trung Quốc tự tin thắng dịch

Dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của hàng loạt doanh nghiệp ở Trung Quốc bị gián đoạn. Dịch bệnh cũng phủ mây đen lên cuộc họp các bộ trưởng tài chính G20 ở Saudi Arabia.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng dịch bệnh có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc còn 5,6% trong năm 2020, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1. Dịch bệnh có thể cũng khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,1 điểm phần trăm.

Các nhà hoạch định chính sách châu Á đã tìm cách trấn an nỗi sợ của các nhà đầu tư trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết đồng yên gần đây trượt giá mạnh so với đô la Mỹ. Điều này khiến thị trường lo ngại dòng tiền tháo chạy khỏi châu Á.

Trong khi đó, các quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã trấn áp những lo ngại dịch Covid-19 tác động xấu tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bằng việc khẳng định hệ thống tài chính và tiền tệ của Trung Quốc vẫn rất “kiên cường”.

Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chen Yulu cho biết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có nhiều công cụ để hỗ trợ nền kinh tế và tự tin chiến thắng được dịch bệnh.

“Chúng tôi tin rằng sau khi hết dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư bị dồn nén do dịch sẽ được giải phóng hoàn toàn và nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục nhanh chóng”, ông Chen khẳng định.

Lê Quân (Reuters)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục