Song song với những nỗ lực nhằm khống chế sự lây lan của virus nCoV gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau nhiều tuần bị đình trệ, nhiều địa phương tại Trung Quốc đã từng bước khôi phục hoạt động giao thông và kinh tế thường ngày.
Các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế, khi các công ty không thể tiếp tục sản xuất hay khôi phục sản lượng về mức bình thường do thiếu nhân công.
Nhiều doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận các nguyên liệu thô hay gửi hàng cho khách do những trở ngại về logistic.
Trong bối cảnh đó, các thành phố vốn là những trung tâm sản xuất lớn dọc vùng duyên hải đã bắt đầu nới lỏng việc hạn chế đi lại, trong khi chính quyền địa phương khuyến khích các nhà máy nối lại hoạt động sản xuất sau nhiều ngày gián đoạn.
Ngày 18/2, chính quyền thành phố Phật Sơn, một trung tâm sản xuất điện tử và thiết bị gia dụng lớn ở phía Nam tỉnh Quảng Đông, cho biết các doanh nghiệp giờ đây đã có thể nối lại hoạt động sản xuất mà không cần xin phép nhà chức trách và họ cũng không cần yêu cầu công nhân quay trở lại làm việc xuất trình chứng nhận sức khỏe.
Tương tự, thành phố Trung Sơn cũng nới lỏng các rào cản hành chính như trên.
Trong khi đó, cuối tuần qua, tại tỉnh Chiết Giang, các thành phố Hàng Châu và Ninh Ba cũng giảm bớt quy trình phê duyệt cho các công ty muốn hoạt động trở lại.
Trong tuần này, một số thành phố ở Quảng Đông và Chiết Giang cũng đã tổ chức các chuyến xe buýt và tàu để đưa công nhân lên làm việc trở lại.
Nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc cũng đã triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất.
Theo đó, nhằm thúc đẩy niềm tin thị trường và giảm nhẹ những tác động của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các thành phố gồm Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm, Đồng Lăng ở tỉnh An Huy và Tương Đàm ở tỉnh Hồ Nam sẽ cắt giảm lãi suất.
Thành phố Lâu Đề ở Hồ Nam đã giải ngân hơn 1 tỷ Nhân dân tệ (NDT-khoảng 142,8 triệu USD) cho hệ thống ngân hàng để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các SME.
Giới chức địa phương cũng nỗ lực hỗ trợ các công ty giảm chi tiêu, trong đó thành phố Thiều Quan ở Quảng Đông đã tạm hủy thuế bất động sản và thuế sử dụng đất đô thị.
Các biện pháp khác bao gồm trợ cấp chi phí điện lực và logistic, cũng như hỗ trợ các công ty khởi nghiệp.
Trong ngày 18/2, tỉnh Giang Tô đã công bố một gói biện pháp, bao gồm giảm thuế và hỗ trợ tài chính, nhằm giúp các công ty kinh doanh phim ảnh chống chọi vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
Theo đó, tỉnh này sẽ cho phép các công ty phim hoãn trả thuế và áp dụng các biện pháp giảm thuế trong bối cảnh ngành giải trí này chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.
Chính sách mới cũng khuyến khích các thể chế tài chính cho vay, gia hạn các khoản nợ và giảm lãi suất cho vay đối với các công ty phim ảnh.
Một quỹ 10 triệu NDT (khoảng 1,43 triệu USD) sẽ được lập ra để hỗ trợ chi phí cho vay.
Trong khi đó, các dữ liệu của nền tảng thanh toán kỹ thuật số Alipay cho thấy ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nhỏ đã mở cửa kinh doanh trở lại trong thời gian gần đây.
Cụ thể, trong một tuần qua, các cửa hàng nhỏ lẻ hoạt động trở lại tăng 25%, trong khi con số này ở các cửa hàng kinh doanh mặt hàng tiêu dùng là 35%.
Bất chấp dịch bệnh, 88% trong số 20.000 cửa hàng cho biết sẽ không cắt giảm nhân viên trong năm nay và 38% nói rằng có thể sẽ tuyển dụng thêm.
Một nghiên cứu của ngân hàng Morgan Stanley nhận định các dữ liệu vĩ mô và vi mô cho thấy hoạt động sản xuất đang dần được nối lại tại Trung Quốc, có thể đạt 60-80% so với mức bình thường vào cuối tháng này và khôi phục hoàn toàn vào tầm giữa hoặc cuối tháng 3 tới.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn không được khống chế trong 2 tuần tới, tình trạng gián đoạn sản xuất có thể kéo dài sang quý II.