Được biết, hiện tại, GDP Trung Quốc đang chiếm 17% toàn thế giới và là quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng là điều khó tránh khỏi. Các chuyên gia tài chính trên thế giới lo lắng về ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau cho bức tranh tăng trưởng 2020.
Cụ thể, Moody’s ước tính kinh tế thế giới giảm 0,3% trong năm 2020; Oxford Economics dự báo giảm 0,2%. Đối với tăng trưởng quý đầu năm của Mỹ, JPMorgan dự báo cắt giảm tăng trưởng 0,25%; Goldman Sachs là 0,4%; Moody’s giảm 0,45%. Theo nghiên cứu của World Bank, một đại dịch nghiêm trọng có thể gây thiệt hại lên tới 5% GDP toàn cầu, hơn 3.000 tỷ USD, trong khi một đại dịch yếu hơn, cũng ảnh hưởng 0,5% GDP toàn cầu.
Trong khu vực châu Á, nhiều nền kinh tế có thương mại liên quan mật thiết tới Trung Quốc, đặc biệt là các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, tài chính như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan… Thủ tướng Singapore từng chia sẻ, tác động dịch lần này lớn hơn nhiều so với SARS và các nền kinh tế trong khu vực vốn liên kết với nhau. Ông thừa nhận, Singapore không chắc có bị suy thoái hay không, nhưng nền kinh tế nước này sẽ bị tổn thất.
Singapore là trung tâm tài chính khu vực sẽ chịu tác động tiêu cực ngay khi kinh tế thế giới có diễn biến xấu.
Trong khi đó, với nền kinh tế Thái Lan, du lịch chiếm 1/5 GDP, được dự báo chứng kiến đà giảm tốc trong quý I năm nay. Năm 2019, quốc gia này đón tới 11 triệu khách Trung Quốc đến Thái Lan, đứng đầu trong các quốc gia, tổng số chi của khách du lịch Trung Quốc tại Thái Lan ước tính 18 tỷ USD, chiếm 1/4 chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tại quốc gia này.
Các nhà phân tích CitiGroup dự báo, kinh tế Thái Lan giảm 0,5% từ mức 6,5% trong năm 2020; Kinh tế Hồng Kông chịu ảnh hưởng kép, nếu như năm 2019 áp lực biểu tình nhiều tháng liên tục đã làm kinh tế Hồng Kông suy thoái lần đầu tiên sau 10 năm, thì bước sang năm 2020, chịu thêm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế Hồng Kông rất khó hồi phục trong ngắn hạn.
Các nền kinh tế lớn khác trong chuỗi cung ứng đều phát đi thông điệp khó khăn, tuy nhiên vẫn chưa có thể dự báo chính xác con số thiệt hại. Lý do là Trung Quốc ngoài là nơi giao thương hàng hóa chính khu vực châu Á, cũng đồng thời là quốc gia có dân số đông, tiêu thụ hàng hóa lớn trong khu vực.
Khi nền kinh tế khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung đang cho thấy dấu hiệu gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng dự báo giảm xuống trong và sau dịch cúm, câu hỏi giới đầu tư quan tâm nhất hiện nay là các chính phủ sẽ thực hiện chính sách kích cầu như thế nào để chống suy thoái, hỗ trợ đà tăng trưởng? Mỗi quốc gia sẽ có mỗi chính sách cụ thể khác nhau, tuy nhiên gói kích cầu được chờ đợi là động lực, là điều giới đầu tư đang kỳ vọng giai đoạn hậu dịch để có thể sẽ có để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu nhiều quốc gia đồng thời thực hiện chính sách kích cầu sẽ tạo nên tính hai mặt của vấn đề.
Chính sách kích cầu không phải “phép màu” đối với mọi nền kinh tế bởi vì trong ngắn hạn có thể hỗ trợ bằng cách tăng chi tiêu của chính phủ; hạ lãi suất cho vay để khuyến kích doanh nghiệp mở rộng sản xuất tạo công ăn việc làm; cắt giảm thuế đối với doanh nghiệp… Về dài hạn nó sẽ tạo ra những vấn đề lớn hơn như thâm hụt ngân sách, lực cầu yếu khó duy trì hậu kích cầu. Và nguy hiểm nhất chính là vòng xoáy kích cầu, khi chủ doanh nghiệp nhận thấy khó khăn, khả năng chính phủ vẫn tiếp tục kích cầu và chưa biết thời điểm dừng, họ sẽ trì hoãn việc đầu tư, đợi tới khi chính sách vĩ mô ổn định mới thực hiện giải ngân, theo đó hiệu ứng chính sách sẽ là dấu hỏi lớn.
Đối với giới đầu tư tài chính, gói kích cầu tung ra là đủ để kỳ vọng. Tiền giá rẻ sẽ được bơm vào thị trường, từ đó tạo ra sóng ngắn hạn. Tuy nhiên, hiệu quả doanh nghiệp và nền kinh tế mới là yếu tố giữ cho thị trường tài chính tăng trưởng bền theo thời gian. Giới đầu tư hiện tại đang đặt ra kịch bản các chính phủ châu Á sẽ bơm các gói kích thích kinh tế để cứu trợ cho nền kinh tế khu vực vượt qua giai đoạn khó khăn. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Thái Lan công bố hạ lãi suất cơ bản từ 1,25% về 1%, mức thấp kỷ lục và là lần cắt giảm thứ ba trong năm cuộc họp gần nhất. Đây có thể coi là gói cứu trợ cấp bách để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia này.
Tuy nhiên, nếu tất cả các quốc gia đều kích cầu như vậy, chính sách đó vô hình chung bị trung hòa, không còn lợi thế, hay cơ hội chênh lệch nào quá lớn ở quốc gia cụ thể. Chính vì vậy làn sóng kích cầu sắp tới nếu được thực hiện đồng loạt, khả năng sẽ mang hiệu ứng tâm lý hơn là tác động thực sự thay đổi cục diện tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.