Ericsson AB, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển, cho biết đã đình chỉ sản xuất tại Trung Quốc. Một phát ngôn viên nói công ty có 11.000 nhân viên ở Trung Quốc và 450 ở Vũ Hán.
"Chúng tôi có một chuỗi cung ứng toàn cầu và trong khi Trung Quốc là một thị trường lớn", phát ngôn viên của hãng nói chuỗi cung ứng này rất linh hoạt và quy mô sản xuất tại Trung Quốc thay đổi qua từng năm.
Trong khi đó, Airbus cũng đã tạm đóng cửa một nhà máy quan trọng ở Thiên Tân, Trung Quốc. Đây là nhà máy sản xuất mẫu máy bay thân hẹp bán chạy nhất của hãng - A320neo, đối thủ của Boeing 737 MAX. Mỗi tháng, tất cả nhà máy trên toàn cầu của Airbus chỉ sản xuất được hơn 60 chiếc loại này và nhà máy Thiên Tân có sản lượng 6 chiếc. Điều đó có nghĩa, hãng cắt giảm gần 10% sản lượng của A320neo.
Việc đóng cửa có thể gây ra một số chậm trễ giao hàng cho các hãng vận tải châu Á. Nếu được gia hạn, nó có thể ảnh hưởng đến dòng tiền của Airbus, vì khách hàng thường trả tiền cho máy bay khi nhận hàng.
"Airbus liên tục đánh giá tình hình và giám sát mọi tác động tiềm tàng với sản xuất và giao hàng và sẽ cố gắng giảm thiểu thông qua các kế hoạch thay thế khi cần thiết", công ty cho biết.
Động thái này diễn ra sau quyết định của Hyundai Motor. Hôm thứ ba, hãng bắt đầu ngừng sản xuất tại tất cả 7 nhà máy tại Hàn Quốc, do thiếu các bộ phận được sản xuất bởi các nhà cung cấp ở Trung Quốc. Đây là nhà sản xuất ôtô lớn đầu tiên đóng cửa nhà máy bên ngoài Trung Quốc, do chuỗi cung ứng gián đoạn.
Trong khi đó, Tesla cảnh báo về chậm trễ trong giao hàng tại Trung Quốc. Tao Lin, Phó chủ tịch Tesla, nói rằng đợt xe dự kiến xuất xưởng trong tháng 2/2020 sẽ bị ảnh hưởng. Nhà máy Tesla tại Thượng Hải cũng đã đóng cửa do nCoV.
Nhiều công ty toàn cầu đã đình chỉ sản xuất, đóng cửa các nhà máy và cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc. Một số cố gắng kéo dài kỷ nghỉ Tết Nguyên đán cho công nhân. Cùng với đó, chính phủ Trung Quốc cũng có lệnh đóng cửa hầu hết nhà máy lớn cho đến ngày 10/2.
Danh sách các công ty bị ngừng sản xuất tại Trung Quốc bao gồm các nhà sản xuất ôtô lớn của nước ngoài cũng như các đại gia công nghệ như Apple và Foxconn Technologies. Các nhà phân tích dự báo Apple sẽ xuất xưởng ít hơn từ 5% đến 10% lượng iPhone trong quý này vì sự gián đoạn.
Nhiều công ty khác đang chuẩn bị cho những cú sốc nguồn cung. Gã khổng lồ công nghiệp Siemens AG đã thành lập một nhóm nghiên cứu khủng hoảng để đảm bảo có thể tiếp tục hoạt động qua mùa dịch.
Giám đốc điều hành Joe Kaeser nói hôm thứ tư rằng nhóm đang theo dõi các nút thắt có nguy cơ trong chuỗi cung ứng. Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của Siemens, chiếm khoảng 10% tổng doanh số. Ông Kaeser nói công ty chưa gặp vấn đề gì về mua linh kiện. Đội ngũ nghiên cứu khủng hoảng có mặt để đảm bảo hiện trạng trơn tru đang có.
Hiroki Totoki, Giám đốc tài chính của Sony cho biết sự gián đoạn có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho hoạt động kinh doanh cảm biến hình ảnh, phân khúc có lợi nhuận cao nhất trong năm tài chính này. "Chúng tôi vẫn tiến lên phía trước trong khi theo dõi cẩn thận tình hình của virus", ông nói hồi đầu tuần.