Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 23/8 đến 27/8, VN-Index giảm 16,23 điểm, tương đương 1,22%, xuống 1.313,2 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 26,9% xuống 103.361 tỷ đồng, khối lượng giảm 24,5% xuống 3.186 triệu cổ phiếu.
Ngược lại, HNX-Index tăng 0,73 điểm, tương đương 0,22%, lên 338,79 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 27,6% xuống 18.149 tỷ đồng tương ứng, khối lượng giảm 23,3% xuống 745 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có một tuần giao dịch tiêu cực khi những cổ phiếu lớn như CTG hay MBB đều giảm sâu 4,74% và 6,35%. Trong khi đó, nhóm vận tải, logistic tiếp tục được kỳ vọng vào diễn biến có lợi trên thị trường.
Đặc biệt, cổ phiếu ngành dược cũng trở thành tâm điểm sau những ngờ vực về khả năng tăng trưởng của nhóm này.
Cổ phiếu ngành dược vụt sáng
Mã chứng khoán |
Niêm yết |
Giá đóng cửa ngày 20/8 (VNĐ) |
Giá đóng cửa ngày 27/8 (VNĐ) |
Chênh lệch (%) |
VMD |
HOSE |
48.150 |
67.400 |
39,98 |
SPM |
HOSE |
17.700 |
24.700 |
39,55 |
CDP |
UPCoM |
19.800 |
26.800 |
35,35 |
BCP |
UPCoM |
12.500 |
16.500 |
32,00 |
DDN |
UPCoM |
18.800 |
22.400 |
19,15 |
TRA |
HOSE |
78.400 |
91.800 |
17,09 |
DPP |
UPCoM |
18.800 |
21.200 |
12,77 |
DMC |
HOSE |
52.500 |
56.700 |
8,00 |
DHG |
HOSE |
95.600 |
101.500 |
6,17 |
IMP |
HOSE |
69.100 |
73.300 |
6,08 |
Trong tuần qua, nhà đầu tư không thể bỏ qua đà tăng 39,98% của cổ phiếu VMD của CTCP Y dược phẩm Vimedimex. Thực tế, mức tăng khủng này đã kéo dài suốt từ ngày 9/8 đến nay khi VMD bất ngờ lội ngược dòng với hàng loạt phiên tăng sát và chạm trần. Suốt 3 tuần qua, cổ phiếu chỉ tăng, không giảm, do đó, giá cổ phiếu đã leo từ 24.700 đồng/CP lên 67.400 đồng/CP, tương đương 172,9%.
Tuy nhiên, khác với kỳ vọng từ giá cổ phiếu, khả năng thanh khoản trong tuần của VMD vẫn ở ngưỡng thấp với trung bình chỉ đạt 19.580 đơn vị/phiên.
Vào ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ VMD nhập khẩu vaccine Sputnik V về Việt Nam. Trước đó, Vimedimex cũng trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners (thuộc UAE). VMD được ủy quyền là đơn vị nhập khẩu, phân phối, đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt vaccine Covid-19 Hayat-Vax đủ điều kiện sử dụng trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Đây được cho là nguyên nhân đã kéo cổ phiếu của VMD đi lên trong thời gian qua.
Ngoài ra, mã SPM thuộc Công ty cổ phần S.P.M cũng là cái tên đang nhận được nhiều chú ý. Trước đó, cổ phiếu SPM không có nhiều biến động và thường giao dịch trong vùng giá 13.000 - 14.000 đồng/CP. SPM bắt đầu bứt phá từ phiên 16/8, đến nay, cổ phiếu đã tăng 75,18%, đạt 24.700 đồng/CP. Riêng tuần qua, SPM tăng 39,55%.
Nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của SPM đạt hơn 354 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt gần 8,7 tỷ đồng, tăng 185%. SPM cho biết, Công ty đã có kế hoạch sản xuất dự phòng từ cuối năm trước như dự trữ nguyên vật liệu và thành phẩm, nên kịp cung ứng để duy trì kết quả kinh doanh ổn định.
Mã CDP của CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha cũng tăng 35,35% với 1 phiên tăng trần và 3 phiên tăng mạnh trong tuần. Ngay khi cổ phiếu tăng giá, người nhà của lãnh đạo CDP đã liên tục đăng ký bán cổ phiếu từ ngày 19/8 đến ngày 15/9.
Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của CDP đạt 1.265,2 tỷ đồng, giảm 9,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Song nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 43,4% do khoản lãi chậm thanh toán phải thu khách hàng và lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng, nên Công ty báo lãi gần 10,3 tỷ đồng, tăng 18,4%.
So với các công ty sản xuất dược phẩm khác, Dược Becamex (mã BCP) là một đơn vị trẻ và chiếm thị phần rất khiêm tốn trên thị trường. Trong tuần qua, BCP cũng tăng tới 32% trong khi trước đó, cổ phiếu chỉ đứng tại mốc 11.500 đồng/CP và dường như mất thanh khoản. Dù khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp, song những tín hiệu tích cực gần đây cũng cho thấy dấu hiệu hồi phục tương đối khả quan của BCP.
Bên cạnh các mã tăng mạnh, nhiều cổ phiếu dược cũng ghi nhận mức tăng tốt như DDN (+19,15%), TRA (+17,09%), DPP (+12,77%)...
Kịch bản cũ có lặp lại?
Vào giai đoạn đầu của “năm Covid-19 thứ nhất”, cổ phiếu ngành dược được kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng vô cùng lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân sẽ làm tăng chi phí cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, thuốc men.
Thực tế đúng như vậy, hầu hết các doanh nghiệp dược đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2020. Đồng thời, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến sự bứt phá của cổ phiếu dược, ngay cả những cổ phiếu ngủ quên nhiều năm cũng được đánh thức. Tuy nhiên, sóng tăng không kéo dài và nhóm cổ phiếu này đã nhanh chóng quay đầu giảm.
Chẳng hạn, vào cuối tháng 1/2020, cổ phiếu DHT của Dược phẩm Hà Tây đã vượt ngưỡng 53.000 đồng/CP, nhưng không lâu sau, DHT phải giảm về mức dưới 49.000 đồng/CP như trước khi cổ phiếu dược được coi là hiện tượng.
Mã DHG của Dược Hậu Giang cũng có diễn biến tương tự khi chỉ một vài phiên đầu, cổ phiếu giữ được mức trên 100.000 đồng/CP. Đến giữa tháng 3/2020, DHG đã lùi về dưới 80.000 đồng/CP, giảm 28% trong hơn một tháng. Thanh khoản của DHG cũng không giữ được nhịp sôi động như trước đó.
Gần đây, vào tháng 6/2021, cổ phiếu dược lại được dịp làm nóng thị trường do nhiều đơn vị như Dược phẩm Bến Tre, Dược phẩm Trung ương CPC1, Y Dược phẩm Vimedimex, Dược phẩm Trung ương Codupha,… công bố được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine.
Tuy nhiên đến nay, nhiều đơn vị sản xuất vaccine như Pfizer, Moderma, AstraZeneca,… đã cam kết chỉ bán vaccine cho Chính phủ, không bán cho tư nhân. Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong nước dù được hợp thức hóa kinh doanh nhưng trên thực tế, đây vẫn là câu chuyện khó và phải thông qua nhiều thủ tục phức tạp.
Dĩ nhiên, kịch bản cũ đã lặp lại. Sau một vài phiên tăng mạnh cho đến kịch trần, nhóm cổ phiếu dược đều lũ lượt lao dốc.
Theo dự báo từ công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, trong giai đoạn 2021 - 2026, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11%, từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD năm 2026.
Tuy nhiên, nguyên vật liệu sản xuất dược phẩm ở Việt Nam vẫn phụ thuộc từ 80 - 90% vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, dịch bệnh khiến các nhà máy sản xuất thành phần hoạt chất dược phẩm ở Trung Quốc, Ấn Độ bị chững lại và hạn chế xuất khẩu, còn các doanh nghiệp trong nước bị thiếu nguồn cung đầu vào.
Mặt khác, dịch bệnh làm nhu cầu khám bệnh của người dân suy giảm do tâm lý sợ lây nhiễm từ các bệnh viện đông người, tác động tiêu cực đến doanh thu kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) - động lực tăng trưởng chính, chiếm 70% thị phần của ngành dược.
Song cũng chính vào giai đoạn này, kênh OTC (kênh bán thuốc không cần kê đơn) lại trở thành bệ đỡ cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Đợt sóng mới có thể chỉ là một nhịp tăng trong ngắn hạn và thiếu bền vững, nhất là khi ngành dược còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ dịch bệnh. Đồng nghĩa sóng không tạo ra tiềm năng trong dài hạn của cổ phiếu dược, mà động lực tăng trưởng của ngành cũng như nội lực, khả năng thích nghi của doanh nghiệp mới là mấu chốt.