Nhà đầu tư dễ “bỏng tay” với nhóm cổ phiếu dược

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc xin, hàng loạt cổ phiếu dược đồng loạt tăng điểm mạnh.
Nhà đầu tư dễ “bỏng tay” với nhóm cổ phiếu dược

Cổ phiếu dược nổi sóng sau thông tin nhập khẩu vắc xin

Ngày 1/6, Bộ Y tế công bố 36 đơn vị được nhập khẩu vắc xin, trong đó có hàng loạt doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn như CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (Mã chứng khoán YTC - UPCoM), CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (Mã chứng khoán CDP - UPCoM), CTCP Dược và Thiết bị Y tế Đà Nẵng (Mã chứng khoán DDN - UPCoM), CTCP Dược phẩm Bến Tre (Mã chứng khoán DBT - UPCoM), CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (Mã chứng khoán DP1 - UPCoM) và các đơn vị khác.

Biến động cổ phiếu dược từ 31/5-7/6
Biến động cổ phiếu dược từ 31/5-7/6

Thông tin trên giúp nhiều cổ phiếu dược trong danh sách được nhập khẩu vắc xin nổi sóng. Cụ thể, theo thống kê từ ngày 31/5-7/6, các cổ phiếu DP1 tăng 78,5%, DDN tăng 64,1%, CDP tăng 55,6%, DVN tăng 35,9%, YTC tăng 32,2%, DBT tăng 29,4%… và vẫn tiếp tục dư mua trần số lượng lớn trong phiên giao dịch ngày 7/6.

Ngược lại, những cổ phiếu không nằm trong danh sách đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc xin thì giá cổ phiếu biến động không đáng kể. Như vậy, nhiều khả năng giới đầu tư đang đặt kỳ vọng về việc khi doanh nghiệp được nhập khẩu vắc xin sẽ có thể hưởng lợi nhuận trực tiếp.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một vị lãnh đạo công ty dược phẩm nằm trong Top 10 của ngành Dược Việt nam có cổ phiếu đang niêm yết trên sàn cho biết: “Những công ty được phép nhập khẩu vắc xin, thực chất đây là hoạt động nhằm đa dạng hoá nguồn cung cấp vắc xin, không phải là hoạt động có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp”.

Được biết, ngày 31/5/2021, Bộ Y tế ban hành công văn về việc tăng cường tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 nhằm khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 để gia tăng cơ hội tiếp cận các nguồn vắc xin Covid-19.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện tại nhiều đơn vị sản xuất vắc xin như Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson… cam kết chỉ bán cho chính phủ. Ngoài ra, do lượng cung đang còn hạn chế, việc nhập khẩu vắc xin Covid-19 phải cần thời gian. Do vậy, hầu hết trong giai đoạn vắc xin đang còn khan hiếm như hiện nay, nguồn tiếp cận chủ yếu vẫn do Chính phủ, các doanh nghiệp chưa có cơ hội tiếp cận được các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới.

Với những khó khăn về tiếp cận vắc xin Covid khi nguồn cung còn giới hạn, cũng như nhiều đơn vị sản xuất vắc xin chỉ bán cho các chính phủ, điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận vắc xin trực tiếp. Đặc biệt, hoạt động nhập khẩu vắc xin của các công ty dược phẩm, vắc xin và sinh phẩm y tế chủ yếu với mục đích đa dạng nguồn tiếp cận vắc xin và không mang lại lợi nhuận cho nhóm doanh nghiệp.

Điều này cho thấy, câu chuyện của cổ phiếu dược phẩm chủ yếu dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư thay vì lợi nhuận thực sự mà kỳ vọng này mang lại cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, kể từ ngày 26/4 - 31/5/2021, chỉ số VN-Index tăng 9,2% lên 1.328,05 điểm, chỉ số VN30 tăng 15,7% lên 1.474,78 điểm. Trong đó, dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu thép, ngân hàng, chứng khoán… và một số cổ phiếu riêng lẻ.

Câu chuyện của cổ phiếu dược phẩm chủ yếu dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư thay vì lợi nhuận thực sự mà kỳ vọng này mang lại cho doanh nghiệp

Chính vì thị trường trải qua chuỗi tăng điểm mạnh trước đó nhờ kỳ vọng riêng, dòng tiền nhà đầu tư chốt lời dễ dãi từ những cổ phiếu tăng nóng trước đó đã đi tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở những cổ phiếu có câu chuyện. Trong đó, dòng tiền đã dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu dầu khí khi giá dầu tăng mạnh, kỳ vọng hưởng lợi; dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu dược kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc được phép nhập khẩu vắc xin, cũng như có thể có thêm lợi nhuận.

Câu chuyện của nhóm dầu khí là tương đối rõ và nhóm này có thể hưởng lợi. Tuy nhiên, với nhóm cổ phiếu ngành dược lại là câu chuyện hoàn toàn khác, bởi ở đây chủ yếu mang yếu tố kỳ vọng, thay vì thực sự hưởng lợi.

Khó khăn vẫn bủa vây nhóm cổ phiếu ngành dược

Theo lý thuyết tâm lý nhà đầu tư, trong giai đoạn đầu sóng, nhà đầu tư chủ yếu sử dụng tiền mặt và hạn chế vay nợ, giai đoạn này nhà đầu tư ưu tiên cổ phiếu cơ bản định giá rẻ để đầu tư. Bước sang giai đoạn thị trường tăng điểm mạnh, nhà đầu tư khi có lợi nhuận sẽ gia tăng tự tin và tăng vay nợ để đẩy mạnh đầu tư, quyết định đầu tư cũng dễ dãi hơn. Trong đó, nhà đầu tư có thể phớt lờ đi yếu tố cơ bản, định giá và bắt đầu tham gia vào những cổ phiếu nóng của thị trường miễn là cổ phiếu tăng giá. Bước sang giai đoạn cuối sóng, khi dòng tiền nóng bị rút ra, nếu nhà đầu tư không nhanh tay thoát hàng có thể dễ dẫn tới tình trạng “kẹp hàng”.

Ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu dược tăng chủ yếu dựa trên kỳ vọng và thực tế doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý I/2021, đối với nhóm doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc xin Covid-19, hầu hết tình hình kinh doanh đều có dấu hiệu đi xuống. Trong đó, Dược phẩm Bến Tre là công ty có lợi nhuận giảm tới 105% và lỗ 0,3 tỷ đồng; Dược phẩm Trung ương Codupha, lợi nhuận giảm tới 81,4% về còn 0,8 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh quý I/2021 của nhóm doanh nghiệp dược

Tình hình kinh doanh quý I/2021 của nhóm doanh nghiệp dược

Trong danh sách, có Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP (Mã chứng khoán DVN - UPCoM) mặc dù doanh thu giảm 24% về 1.004,6 tỷ đồng, nhưng có lợi nhuận tăng 62,6% lên 45,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận tăng đột biến của DVN là do trong kỳ, Công ty có ghi nhận lãi hoạt động tài chính là 14,7 tỷ đồng so với cùng kỳ là âm 38,8 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận tăng chủ yếu đến từ hoạt động tài chính.

Nếu như loại bỏ đi hoạt động tài chính, chỉ tính riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi (Doanh thu - giá vốn hàng bán - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong kỳ lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính của DVN đã giảm 62,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 18,8 tỷ đồng về chỉ còn 11,3 tỷ đồng.

DVN có thuyết minh trong quý I/2021 doanh thu tài chính tăng chủ yếu do cổ tức được chia, lãi chênh lệch tỷ giá; chi phí tài chính giảm do doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính thay vì trích lập dự phòng so với cùng kỳ năm trước.

Điều đó cho thấy, nếu loại bỏ đi các hoạt động khác và chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính thì các doanh nghiệp nằm trong danh sách đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc xin Covid-19 đều có kết quả kinh doanh đi xuống, thậm chí tiếp tục gặp thách thức trong thời gian tới.

Được biết, hiện nay một số công ty dược đang phải đối mặt với những khó khăn của ngành về thời gian xét duyệt hồ sơ đăng ký thực tế dài hơn nhiều với quy định. Cụ thể, theo Thông tư 32/2018/TT-BYT, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý Dược gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, trường hợp không gia hạn hoặc chưa gia hạn, cục có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, từ 10/2019-9/2020, Bộ Y tế mới chỉ cấp hai đợt số đăng ký trong nước, nhiều doanh nghiệp đã nộp hồ sơ gia hạn số đăng ký 5 năm cho các sản phẩm hết số đăng ký trước và sau ngày 30/6/2020, nhưng đến nay chưa được thông tin trả lời, gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Đối với việc đấu thầu, theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp khi tham gia đàm phán/đấu thầu thuốc phải cam kết, chuẩn bị đầy đủ thuốc để cung cấp, tuy nhiên khi đàm phán/đấu thầu thành công có nhiều bệnh viện chỉ mua với tỷ lệ 30%-35% số thuốc doanh nghiệp đã chuẩn bị. Công nợ bệnh viên lớn và kéo dài (từ 120 ngày đến 180 ngày) trong khi thời gian thanh toán theo quy định khi đấu thầu thường là 90 ngày; ngoài ra trường hợp nhập hàng của đối tác nước ngoài phải thanh toán ngay hoặc chậm thanh toán không quá 60 ngày. Thời gian chậm trả kéo dài là một khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp dược.

Có thể thấy, khi dòng tiền nóng đang lan rộng trên thị trường, dòng tiền nóng vừa chốt lời nhóm cổ phiếu tăng mạnh như ngân hàng, chứng khoán, thép… đang đi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các nhóm cổ phiếu mới với câu chuyện kỳ vọng. Tuy nhiên, do tâm lý kiếm lời dễ dãi đã khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu mua vào chỉ dựa trên câu chuyện kỳ vọng, mặc dù doanh nghiệp thực sự không hưởng lợi từ câu chuyện kỳ vọng của doanh nghiệp.

Thông thường đà tăng của cổ phiếu chỉ bền khi tăng kèm theo tình hình doanh nghiệp cải thiện, nếu như tình hình doanh nghiệp không cải thiện, giá cổ phiếu sẽ sớm quay trở lại vùng trước khi tăng do dòng tiền đầu cơ rút ra và những nhà đầu tư mua đuổi vùng giá cao nếu không sớm cắt lỗ có thể dễ dẫn tới lỗ nặng. Đây cũng là điều thường xuyên lặp đi lặp lại trên thị trường trong mỗi chu kỳ sóng.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục