Lợi nhuận nửa đầu năm phân hoá
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đầu ngành dược giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận, nhưng nhiều doanh nghiệp khác ghi nhận lợi nhuận đi ngang, thậm chí sụt giảm.
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Traphaco (TRA), Công ty cổ phần Pymepharco (PME) là những điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp dược.
Cụ thể, DHG tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong nửa đầu năm 2021, với doanh thu thuần 1.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 405 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.
Tương tự, Pymepharco ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận sau 6 tháng, chủ yếu nhờ trong quý II có thêm thương hiệu sản phẩm mới (doanh thu quý II tăng gần 46%).
Đối với TRA, chính sách bán hàng được khách hàng ủng hộ và Công ty triển khai các chương trình thúc đẩy bán các sản phẩm truyền thống có biên lợi nhuận tốt dẫn đến tỷ lệ chi phí giá vốn bán hàng giảm. Kết quả, TRA đạt 1.028 tỷ đồng doanh thu, 124 tỷ đồng lãi ròng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng lần lượt 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I (PBC) có doanh thu 6 tháng bằng 47% kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận tăng vọt so với cùng kỳ và gấp 2,7 lần mục tiêu năm 2021.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) được kỳ vọng tăng trưởng đến từ kênh thuốc điều trị (ETC) chỉ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 tăng nhẹ, lần lượt 4% và 3% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành khoảng 40% kế hoạch cả năm.
Lãnh đạo IMP cho biết, có nhiều khó khăn đến với các doanh nghiệp dược trong quý II/2021. Một trong những nước cung cấp nguyên liệu dược hàng đầu là Ấn Độ đang trong đợt bùng phát dịch Covid-19, làm chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu bị gián đoạn, các doanh nghiệp phải đương đầu với rủi ro giá nguyên liệu tăng.
Ở trong nước, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 liên quan nhiều đến các bệnh viện, vì thế kênh ETC bị ảnh hưởng nghiêm trọng do người dân hạn chế đến khám chữa bệnh.
Không ít doanh nghiệp dược ghi nhận lợi nhuận giảm sút như Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (OPC), Công ty cổ phần Dược Hà Tây (DHT), Công ty cổ phần Dược Trung ương Mediplantex (MED), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (DP3)...
Tính riêng quý II/2021, OPC đạt lợi nhuận sau thuế 16,9 tỷ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do chi phí phát sinh tăng vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tại Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây (DHT), nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Công ty giảm 20% so với cùng kỳ.
“Những tháng đầu năm 2021, hàng loạt nguyên vật liệu đầu vào tăng giá. Các nhà cung cấp bao bì như PVC, vỏ hộp giấy tăng giá 20%. Nguyên liệu nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước đồng loạt tăng giá từ 20 - 70% như Vitamin B1, đường kính, Paracetamol. Nguyên liệu tăng giá mạnh gây ra tình trạng thiếu nguyên phụ liệu cho sản xuất, tăng giá thành sản phẩm”, lãnh đạo DHT cho hay.
Quý III dự kiến khó khăn hơn
Việc phong tỏa, hạn chế đi lại ở không ít tỉnh, thành phố bắt đầu từ đầu tháng 7 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số của các doanh nghiệp dược trong quý III/2021.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng đánh giá, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân, tác động đến doanh thu kênh ETC. Do đó, sự phục hồi của kênh ETC sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư hiện nay ở Việt Nam liên quan nhiều đến các bệnh viện, kênh ETC bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng điều này sẽ góp phần làm cho kênh bán lẻ tại các nhà thuốc (OTC) phát triển. Mặt khác, giá thuốc kênh OTC không bị ràng buộc về Luật Đấu thầu nên đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Mặc dù vậy, nguồn cung thuốc thành phẩm nhập khẩu vẫn bị hạn chế, gây áp lực đến giá thuốc trên thị trường. Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm tỷ trọng 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu.
Hiện Ấn Độ đang đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, do đó, chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ đứt gãy nếu nước này tái áp dụng các lệnh giãn cách và giá thuốc sẽ có xu hướng tăng do giá nguyên liệu tăng.
Nguyên liệu đầu vào tăng giá, khó khăn trong khâu nhập khẩu, vận chuyển vì dịch Covid-19… khiến ngành dược đang đối mặt với thách thức duy trì đà tăng trưởng.
Hơn nữa, tiến độ hợp tác giữa các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam và đối tác nước ngoài tiếp tục bị trì hoãn bởi các quy định hạn chế di chuyển. Điều này cản trở tiến độ đánh giá nhà máy đạt tiêu chuẩn cao và xét duyệt quá trình chuyển giao công nghệ.
Công ty Chứng khoán Vietcombank nhìn nhận, sự tăng giá và khan hiếm của nhiều loại nguyên vật liệu, bên cạnh đó là khó khăn trong khâu nhập khẩu và vận chuyển, tiêu thụ tiếp tục đối mặt với tình hình ngưng trệ của thị trường, các hồ sơ đăng ký sản phẩm mới, kế hoạch xét duyệt và tái xét duyệt nhà máy từ chuyên gia nước ngoài tiếp tục trong tình trạng chờ đợi sẽ làm gia tăng khó khăn của các doanh nghiệp ngành dược.
Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo IMP chia sẻ, tác động của dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã ảnh hưởng đến doanh số của Công ty trong thời gian qua. Tỷ trọng tiêu thụ qua kênh OTC/ETC khoảng 60%/40%. Dự kiến, doanh thu trong quý III/2021 của IMP sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các lệnh giãn cách, hạn chế đi lại…
Các doanh nghiệp dược đang phải đối phó với thách thức kép là vừa phải đảm bảo an toàn sản xuất - kinh doanh trong mùa dịch, vừa phải có chiến lược tồn kho hợp lý khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều biến động.