Giải mã sức ỳ cổ phiếu ngành dược

(ĐTCK) Được đánh giá là ngành có nhiều dư địa phát triển, hiệu quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, nhưng cổ phiếu ngành dược hiện chỉ được định giá ở mức P/E 13 lần, thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường (15 - 16 lần).
Giải mã sức ỳ cổ phiếu ngành dược

Nhìn lại kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, có thể thấy, nhìn chung không có sự đột phá, nhưng lại tăng trưởng khá ổn định. Quý I vừa qua, các doanh nghiệp ngành này ghi nhận kết quả sụt giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn bám khá sát kế hoạch đề ra.

Với mức định giá P/E trung bình 13 lần, cổ phiếu ngành dược được các chuyên gia chứng khoán, đánh giá là khá rẻ.

Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán được phát hành trong thời gian gần đây đều cho rằng, dư địa phát triển của ngành dược phẩm Việt Nam vẫn còn rất lớn, do tình trạng dân số đang già hóa nhanh, mức thu nhập tăng lên nên mức chi tiêu bình quân đầu người cho chăm sóc sức khỏe cũng tăng.

Con số này năm 2015 là 38 USD, năm 2017 tăng lên 56 USD, nhưng vẫn còn rất thấp so với mức trung bình trên thế giới. Dự báo, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì mức tăng trưởng hàng năm ít nhất là 14% cho tới năm 2025.

Dư địa phát triển của ngành dược còn rất tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, nhưng vì sao cổ phiếu dược vẫn được định giá thấp?

Nhận xét được ông Nguyễn Đăng Thiện, Công ty Chứng khoán MBS đưa ra tại Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành dược” là thị phần của doanh nghiệp sản xuất dược nội địa vẫn còn quá nhỏ nên đà tăng trưởng dài hạn chưa vững vàng.

Hiện nay, ngành sản xuất dược nội địa là mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường trong nước, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu thuốc năm 2018 gần 2,8 tỷ USD. Quý I vừa qua, khoảng 570 triệu USD, tương đương hơn 13.000 tỷ đồng được chi ra để nhập khẩu dược phẩm.

Trong khi đó, với hàng trăm doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tại Việt Nam, chỉ có khoảng 20 dây chuyền sản xuất đạt được các tiêu chuẩn như PIC/S-GMP, EU-GMP, Japan - GMP (Nhật Bản)… Đây là những hàng rào kỹ thuật cao cấp để hàng dược phẩm Việt Nam có thể “thông hành” vào các thị trường quốc tế, trong đó đa phần thuộc doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh những yếu tố trên, doanh nghiệp dược Việt Nam còn đối mặt với những thách thức về phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và chi phí đầu vào ngày càng tăng cao, sự giảm sút ở kênh OTC, giá đấu có khả năng bị siết chặt hơn và cả tình trạng chiếm dụng vốn từ các khách hàng trong kênh ETC…

Ngoài ra, một nhược điểm khác của cổ phiếu ngành dược là tính thanh khoản thấp. Theo ông Thiện, hiện chỉ có 3 cổ phiếu đảm bảo được tính thanh khoản là Dược Bình Định (DBD), Dược Cửu Long (DCL), Dược Hậu Giang (DHG).

“Ngay cả các cổ phiếu lớn như Traphaco (TRA), thanh khoản cũng rất thấp, trung bình một vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên thì các nhà đầu tư muốn tham gia thì cũng rất khó”, ông Thiện nói.

Thừa nhận tính thanh khoản của cổ phiếu TRA thấp, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Traphaco giải thích, do tiềm năng lớn của cổ phiếu nên cổ đông chủ yếu là các nhà đầu tư nắm giữ dài hạn.

“Khi cổ phần hóa, có những công nhân nắm giữ cổ phiếu giá trị chỉ chục triệu đồng, nhưng giờ đây số cổ phiếu này có giá trị 4 - 5 tỷ đồng”, bà Thuận nói.

Theo bà Thuận, lợi ích của nhà đầu tư đến từ 2 phần là cổ tức (do kết quả kinh doanh hàng năm mang lại) hoặc từ giá trị vốn hóa của cổ phiếu trên thị trường. Với doanh nghiệp làm ăn bài bản thì giá trị vô hình còn nhiều hơn cả hữu hình.     

Theo MBS, một số doanh nghiệp dược phẩm đang được đánh giá cao về hàm lượng kỹ thuật khi đạt được những chứng nhận quốc tế như CTCP Pymepharco (PME), CTCP Imexpharm (IMP).

Chẳng hạn, PME dẫn đầu về công nghệ khi sở hữu hai nhà máy đạt chuẩn GMP-EU tại Việt Nam, bao gồm Nhà máy sản xuất kháng sinh Cephalosporin dạng viên và Nhà máy sản xuất thuốc bột pha tiêm Cephalosporin. Ðồng thời, Công ty đang triển khai dự án Non-betalactam theo tiêu chuẩn GMP-EU, dự kiến vận hành chạy thử vào tháng 7/2019. Đây là điểm nhấn trong bức tranh tăng trưởng cho PME cho giai đoạn sau năm 2019.

Hoặc với IMP, đầu năm 2019, Nhà máy Kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc đã được Bộ Y tế Bồ Đào Nha cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Đồng thời, Bộ Y tế Tây Ban Nha đã tái xét duyệt Nhà máy Công nghệ cao Betalactam Bình Dương thành công thuận lợi với 5 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU - GMP trong đó có 2 dây chuyền mới. Chưa dừng lại ở đó, đầu tháng 3/2019, IMP lại được cấp thêm gần 20 số đăng ký sản phẩm, tăng số đăng ký sản phẩm cho các nhà máy EU-GMP lên tổng cộng hơn 50 số đăng ký tính đến thời điểm hiện tại.

Còn với DHG, chưa có nhà máy nào đạt GMP-EU, nhưng ngược lại, DHG đạt chứng nhận PIC/s - GMP (Malaysia) cho dây chuyền viên nén sủi và thuốc bột sủi bọt và Japan - GMP (Nhật Bản) cho dây chuyền viên nén xưởng Non - Betalactam. 

Với việc sở hữu chứng nhận này, DHG sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các dòng sản phẩm chiến lược đạt Japan - GMP vào thị trường Nhật Bản, sau đó là Đông Nam Á thông qua mạng lưới phân phối toàn cầu sẵn có của đối tác Taisho (cổ đông lớn của DHG).

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục