Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HCM, SAS và SHB

CTCK Agriseco (AGR)

Cổ phiếu của CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX: HCM) đang trong xu hướng tăng mạnh và vừa trải qua nhịp tích lũy ngắn quanh vùng đỉnh cũ 25.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu vẫn đang nằm trên đường MA10 cho thấy xu hướng tăng vẫn được duy trì. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao trong các phiên gần đây, đồng thời chỉ báo MACD tiếp tục duy trì trạng thái phân kỳ dương tích cực và nằm trên đường Signal cho thấy dư địa tăng ngắn hạn vẫn còn. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu HCM với giá mục tiêu 27.500 đồng/cổ phiếu, cắt lỗ nếu giá giảm dưới 23.500 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của CTCP DVHK Sân bay Tân Sơn Nhất (Upcom: SAS) hiện đang giao dịch tích lũy bám sát các đường MA5 và MA10 cùng khối lượng giao dịch duy trì ổn định. RSI (14) đang ở ngưỡng 63,91, chưa vào vùng quá mua và thể hiện động lực tăng giá vẫn còn. Chỉ báo MACD đang mở rộng phân kỳ dương hỗ trợ đà tăng trong ngắn hạn. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu SAS với giá mục tiêu 51.000 đồng/cổ phiếu, cắt lỗ nếu giá xuống dưới 43.500 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HSX: SHB) duy trì trạng thái tích cực với xu hướng tăng trong cả ngắn trung và dài hạn được duy trì. Hiện cổ phiếu SHB đang trong giai đoạn tái tích lũy sau nhịp tăng vừa qua ở vùng giá 14.000 – 14.500 đồng/CP. Kỳ vọng cổ phiếu có thể sớm tiếp tục bứt phá và hướng đến các mốc cao hơn với thanh khoản tiếp tục cải thiện. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu SHB ở vùng giá hiện tại và hướng đến giá mục tiêu 15.500 đồng/CP, mức sinh lời kỳ vọng 9,2%, cắt lỗ vị thế ở mức 5% (cổ phiếu bứt phá không thành công và giảm xuống dưới vùng tích lũy ngắn hạn hiện tại).

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VGT, TNG, TCM

CTCK Asean

Ngành may mặc dẫn dắt đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2025, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tích cực (tăng 12,3% so với cùng kỳ), nhờ sức mua toàn cầu phục hồi và các thương hiệu thời trang đẩy mạnh nhập khẩu để phòng ngừa rủi ro chính sách. Thị trường Mỹ giữ vai trò dẫn dắt (tăng trưởng 17,5%, chiếm tỷ trọng 44,7%).

Ngành sợi tự nhiên: Kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam chưa hồi phục (giảm 3,9%) do nhu cầu của Trung Quốc vẫn yếu. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ giá bông giảm sâu (giảm 14%) hơn giá sợi (giảm 7%).

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp Dệt may nhìn chung tăng trưởng tích cực, đặc biệt là các công ty có quy mô lớn và tỷ trọng xuất khẩu cao.

Năm 2025, cơ hội đan xen thách thức, cụ thể với ngành may mặc: Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 dự báo đạt 8,4% phản ánh sự đan xen giữa cơ hội và thách thức. Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ do dự kiến chịu mức thuế thấp hơn Trung Quốc (20 - 40% so với 55%). Tuy nhiên, thuế tăng cao có thể khiến giá bán lẻ tại Mỹ kém hấp dẫn, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc.

Ngành sợi tự nhiên: Xuất khẩu sợi năm 2025 dự kiến giảm nhẹ (giảm 1,3%), do cầu yếu từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, biên lợi nhuận gộp ngành kỳ vọng hồi phục so với trung bình năm 2024 nhờ giá bông dự phóng duy trì ở mức thấp trong năm tới.

Trong báo cáo này, chúng tôi tập trung phân tích các doanh nghiệp dệt may niêm yết có lợi thế cạnh tranh đầu ngành và hoạt động kinh doanh ổn định. Trong đó, chúng tôi đánh giá khả quan với 3 cổ phiếu: VGT, TNG, TCM. Hai cổ phiếu còn lại, gồm MSH và STK được đưa vào danh mục theo dõi.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục