
Dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm ngành dẫn dắt
Có thời điểm, VN-Index lùi về vùng 1.450 - 1.460 điểm, trước khi bật tăng trở lại vào cuối tuần nhờ lực cầu luân chuyển hiệu quả giữa các nhóm ngành dẫn dắt. Đóng cửa tuần, chỉ số tiến sát mốc 1.500 điểm, tiệm cận vùng đỉnh lịch sử.
Tâm điểm thị trường tiếp tục là nhóm bất động sản, với VIC và VHM đóng góp hơn 16 điểm tăng cho chỉ số. Bên cạnh đó, các mã như HDC, SCR, DXG, DXS... cũng ghi nhận mức tăng mạnh. Nhóm chứng khoán giữ nhịp hưng phấn tốt với dòng tiền lan tỏa tích cực. Ngành ngân hàng dù có sự phân hóa nhưng đã tăng đáng kể trong phiên cuối tuần, nổi bật với VPB, TCB, STB, LPB. Ở chiều ngược lại, dầu khí và một số ngành nhỏ điều chỉnh nhẹ nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến xu hướng chung.
![]() |
Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 1.310 tỷ đồng riêng trên HOSE, tập trung tại SSI, VPB, DXG, FUEVFVND, FPT, VIC...
Thị trường đang duy trì xu hướng tăng tích cực, nhờ dòng tiền nội luân chuyển linh hoạt giữa các nhóm ngành dẫn dắt. VN-Index tiếp tục áp sát vùng kháng cự mạnh 1.500 - 1.550 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá lạc quan. Tuy nhiên, việc chỉ số tiệm cận vùng kháng cự mạnh trong trạng thái quá mua kỹ thuật cũng đồng nghĩa với khả năng xuất hiện các phiên điều chỉnh ngắn hạn khi lực cầu suy yếu tạm thời hoặc dòng tiền luân chuyển chậm lại, nhằm củng cố nền giá trước khi tăng tiếp.
Với bối cảnh đó, nhà đầu tư vẫn có thể giữ quan điểm tích cực, nhưng nên cẩn trọng hơn trong các quyết định giải ngân mới. Việc mua đuổi ở vùng giá cao không được khuyến khích; thay vào đó, nên chờ các nhịp điều chỉnh kỹ thuật để giải ngân thăm dò vào những cổ phiếu cơ bản, thanh khoản tốt và đang thu hút dòng tiền. Với danh mục đang nắm giữ, nên tiếp tục giữ các mã dẫn dắt trong rổ VN30 và cân nhắc chốt lời một phần đối với những cổ phiếu đã tăng mạnh để bảo toàn lợi nhuận. Trong ngắn hạn, 1.475 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ của VN-Index.
Ngân hàng: Luồng gió mới từ chính sách
Ngành ngân hàng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn quan trọng với những thay đổi lớn từ chính sách và môi trường kinh tế vĩ mô. Ba yếu tố nổi bật gồm luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, đề xuất bỏ trần tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) và sự phục hồi của thị trường bất động sản - đang định hình triển vọng tích cực cho ngành này trong trung và dài hạn.
Thứ nhất, việc luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý bền vững hơn cho việc xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản. Trong giai đoạn 2017 - 2022, nghị quyết này đã giúp toàn ngành thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, do chỉ có hiệu lực tạm thời, việc chuyển hóa thành luật sẽ giúp các ngân hàng giảm rủi ro pháp lý, tăng tính chủ động trong xử lý nợ và cải thiện chất lượng tài sản. Đây là yếu tố mang tính nền tảng, đặc biệt trong bối cảnh một phần nợ xấu hình thành từ chu kỳ suy yếu của bất động sản giai đoạn 2022 - 2023.
Thứ hai, đề xuất bỏ trần room tín dụng nếu được thực thi sẽ là một sự chuyển mình mạnh về dài hạn. Khi đó, thay vì phụ thuộc vào hạn mức cấp phát hàng năm từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ được phân bổ tín dụng dựa trên khả năng quản trị rủi ro, năng lực tài chính và mức độ tuân thủ chuẩn mực quốc tế như Basel III. Điều này tạo ra sân chơi cạnh tranh hơn, thúc đẩy phân hóa giữa các ngân hàng có năng lực cao (CAR tốt, thanh khoản mạnh, tỷ lệ nợ xấu thấp) và các ngân hàng yếu kém. Về ngắn hạn, việc bỏ room tín dụng sẽ gỡ bỏ nút thắt tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cần dòng vốn phục hồi.
Cuối cùng, sự hồi phục của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2025 - được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp, cải cách pháp lý (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản) và niềm tin cải thiện - sẽ giúp giảm áp lực nợ xấu bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thế chấp và tài trợ dự án. Ngành ngân hàng vốn có tỷ trọng lớn cho vay bất động sản (trực tiếp và gián tiếp qua trái phiếu) sẽ được hưởng lợi rõ nét.