Doanh nghiệp dược “nương” theo Covid

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cũng như nhiều ngành, lĩnh vực khác, ngành dược cũng chịu tác động của Covid-19, buộc các doanh nghiệp ngành này phải thích nghi nhanh với “bình thường mới” để duy trì đà tăng trưởng.
Ngành dược tiếp tục được đánh giá cao trong năm nay. Ảnh: Dũng Minh. Ngành dược tiếp tục được đánh giá cao trong năm nay. Ảnh: Dũng Minh.

Kênh ETC thất thế, kênh OTC lên hương

Ngành dược lâu nay được đánh giá là ngành tăng trưởng ổn định, nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy đến cũng hụt hơi, trong đó kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sỹ (thị trường ETC) ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng kênh ETC từ quý I đến quý III năm 2020 giảm 10-15% so với cùng kỳ năm trước. Tâm lý lo ngại lây nhiễm dịch bệnh tại bệnh viện khiến người dân ngại đi viện.

Quy trình thăm khám tại bệnh viện cũng nghiêm ngặt hơn trong mùa dịch và việc hạn chế số lượng bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe định kỳ đã ảnh hưởng nhiều đến lượng người tới khám và mua thuốc.

Nhiều năm qua, kênh ETC là động lực tăng trưởng chính của ngành dược, nhưng bắt đầu giảm tốc nhanh khi Covid xuất hiện. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của kênh này đạt 5%, thấp hơn đáng kể so với con số hơn 10% của năm trước đó.

Sự phục hồi của kênh ETC trong năm 2021 phụ thuộc chủ yếu vào việc kiểm soát dịch. Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tại TP.HCM - trung tâm kinh tế của cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố năm trước không có ca nhiễm nhưng năm nay đã có như Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định…

Trong bối cảnh kênh ETC đi xuống, kênh phân phối thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc (thị trường OTC) ghi nhận sự khởi sắc, tập trung ở các sản phẩm giảm đau, hạ sốt, thuốc sát trùng, thuốc tăng sức đề kháng, nước rửa tay…

Công tư Chứng khoán Phú Hưng nhận định, kênh ETC tăng trưởng chậm lại do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện tạo cơ hội cho kênh OTC bứt phá. Mặt khác, việc giá thuốc OTC không bị ràng buộc bởi Luật Đấu thầu cũng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dược đẩy mạnh khai thác kênh này.

Theo khảo sát của Vietnam Report, có khoảng 71,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn phát triển, mở rộng kênh OTC như là giải pháp ưu tiên hàng đầu để bù đắp sự thiếu hụt của kênh ETC, từ đó duy trì đà tăng trưởng.

Trên thực tế, những doanh nghiệp có thế mạnh về kênh OTC đều ghi nhận kết quả khả quan trong quý đầu năm nay, chẳng hạn Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco (mã TRA) ghi nhận 55,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2021, tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngược lại, không ít doanh nghiệp báo lỗ do không có nhiều lợi thế ở kênh này, đơn cử Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (mã DBT) ghi nhận lỗ 328 triệu đồng trong quý đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 6 tỷ đồng.

Sóng ngắn nhập khẩu vắc-xin

Đầu tháng 6/2021, Bộ Y tế công bố danh sách 36 cơ sở y tế đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vắc xin Covid-19, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty cổ phần Dược phẩm Vimedimex Bình Dương (mã VMD); Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (mã DBT), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 (mã DP1); Công ty cổ phần Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng (mã DDN), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha (mã CDP), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM (mã YTC)…

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu ngành dược đồng loạt khởi sắc, trong đó không ít mã tăng kịch biên độ nhiều phiên liên tiếp. Đơn cử, cổ phiếu VMD tăng một mạch từ mức 23.700 đồng/cổ phiếu ngày 1/6/2021 lên mức 34.130 đồng/cổ phiếu ngày 9/6/2021 (tương đương tăng 44%), trong đó có 5 phiên tăng trần liên tục, trước khi điều chỉnh giảm trở lại mức 26.500 đồng/cổ phiếu hiện nay (ngày 25/6/2021).

Tương tự, cổ phiếu DDN ghi nhận 5 phiên tăng trần liên tục từ ngày 2/6 đến 8/6, tương đương tăng 35%, từ mức giá 13.200 đồng/cổ phiếu lên 22.000 đồng/cổ phiếu, rồi giảm trở lại. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/6/2021, cổ phiếu DDN đứng ở mức 14.700 đồng, tăng gần 28% so với mức giá 11.500 đồng/cổ phiếu ngày 1/6/2021.

Cổ phiếu DBT cũng tăng kịch biên độ 6 phiên liên tiếp từ ngày 2/6 đến 9/6, tương đương tăng 42%, từ mức giá 13.150 đồng/cổ phiếu lên 18.350 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/6/2021, cổ phiếu DBT đứng ở mức 14.650 đồng, tăng 19% so với mức giá 12.300 đồng/cổ phiếu ngày 1/6/2021.

Mới đây, DBT đã bán thành công toàn bộ 4,4 triệu cổ phiếu BIO của Công ty cổ phần Vắc-xin và Sinh phẩm Nha Trang đang nắm giữ, tương đương 51% vốn điều lệ của BIO, qua đó hoàn tất việc thoái vốn tại doanh nghiệp này.

Với BIO, mặc dù không nằm trong danh sách được nhập khẩu vắc-xin của Bộ Y tế, nhưng cổ phiếu này lại là cái tên nổi bật nhất trong nhóm cổ phiếu dược.

Thực tế, BIO được xem là cổ phiếu “chết” bởi từ khi lên UPCoM vào tháng 8/2018, cổ phiếu này không có giao dịch.

Tuy nhiên, điều bất ngờ bắt đầu diễn ra khi cổ phiếu này bật tăng trần vào ngày 22/4/2021 và đà tăng đạt cực điểm vào ngày 27/5/2021, ở mức 152.450 đồng/cổ phiếu, tức tăng tới 1.594% so với mức giá 9.500 đồng/cổ phiếu tại ngày 20/4/2021. Hiện tại, cổ phiếu BIO đã hạ nhiệt đáng kể, đóng cửa phiên 25/6/2021 ở mức 41.000 đồng/cổ phiếu.

Khi kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng lợi nhuận của 16 doanh nghiệp dược niêm yết quý I/2021 đạt chưa đầy 2%, M&A được cho là yếu tố tác động đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

Đơn cử, ngày 7/6/2021, Công ty cổ phần Pymepharco (mã PME) phát đi thông báo Stada Service Holding B.V của Đức chào mua công khai gần 356.000 cổ phiếu PME, tương đương 0,47% vốn điều lệ Công ty, nhằm nâng sở hữu lên mức tối đa 100%. Tính đến ngày 26/3/2021, nhóm cổ đông Stada Service Holding B.V đang nắm giữ 99,53% vốn tại PME.

Thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD với 22.000 loại thuốc. Theo dự báo của Fitch Solution, tăng trưởng ngành dược Việt Nam ở mức 8,7% trong năm 2021, còn Công ty Chứng khoán SSI dự báo đạt khoảng 15% - cao hơn tăng trưởng trung bình ngành giai đoạn 201-2019 (ở mức 11,8%).

Trước đó, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) chuyên về thuốc điều trị ung thư, thần kinh và tim mạch đã chi ra 920 tỷ đồng để mua 25% cổ phần của Công ty Dược phẩm Imexpharm (mã IMP).

Tương tự, Tập đoàn Aska của Nhật Bản chuyên về thuốc tiêu hóa, hóc môn và sản phụ khoa cũng chi 350 tỷ đồng để sở hữu 25% cổ phần của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (mã DHT)…

Tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG), một tập đoàn dược phẩm khác của Nhật là Taisho đã nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 51,01% vốn điều lệ công ty này.

Tập đoàn Abbott của Mỹ cũng nắm giữ gần 52% cổ phần Công ty cổ phần Dược phẩm Domesco (mã DMC). Tại Công ty cổ phần Traphaco (TRA) có 2 cổ đông lớn nước ngoài là Magbi Fund Limited (nắm giữ 25% vốn) và Super Delta Pte Ltd (nắm giữ 15,12% vốn).

Thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD với 22.000 loại thuốc. Theo dự báo của Fitch Solution, tăng trưởng ngành dược Việt Nam ở mức 8,7% trong năm 2021, còn Công ty Chứng khoán SSI dự báo đạt khoảng 15% - cao hơn tăng trưởng trung bình ngành giai đoạn 201-2019 (ở mức 11,8%) khi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và nhu cầu khám bệnh của người tăng trở lại. Bên cạnh đó, việc dân số Việt Nam già hóa nhanh và thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh cũng là yếu tố hỗ trợ đà tăng trưởng của ngành dược phẩm.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục