Sản xuất xe tải bị làm khó

Doanh nghiệp sản xuất ô tô tải đầu tư bài bản sẽ bị làm khó, nếu thuế suất thuế nhập khẩu đối với chassis đã gắn động cơ, có buồng lái với tổng trọng lượng có tải từ trên 20 tấn đến dưới 45 tấn giảm trở lại mức trước đây.
Sản xuất xe tải bị làm khó

Gần đây, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ ô tô Nam Việt đã “khóc ròng” về việc thuế nhập khẩu các loại xe chassis có buồng lái với tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn, nhưng không quá 45 tấn (áp mã HS là 87042329 và 87042369) được nâng thuế lên 20%, thay vì mức thuế 15% trước năm 2014 theo Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm Thông tư 164/2013/TT-BTC.

Theo Công ty Nam Việt, đây là những loại ô tô trong nước chưa sản xuất được, nên được Công ty nhập khẩu vào Việt Nam và sau đó đóng mới thành xe ô tô tải hoặc xe chuyên dùng các loại. Năm 2012, Công ty Nam Việt đã nộp thuế nhập khẩu 89,3 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng 73,2 tỷ đồng; năm 2013 là 97,9 tỷ đồng thuế nhập khẩu và 112,6 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng.

Để bán hàng trong năm 2014, Công ty Nam Việt đã nhanh chân ký hợp đồng mua hàng của đối tác và bán cho các đại lý mà không tính tới việc thuế thay đổi. Cụ thể, Công ty đã ký hợp đồng mua 1.070 loại xe chassis có buồng lái với Công ty Hyundai Motor khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Công ty cũng đã ký hợp đồng mua bán hàng với 6 đại lý khác và cam kết “giá cả và số lượng đơn hàng không thay đổi, trừ hai trường hợp là biến động tỷ giá VND/USD trên 2% và bên Hyundai Motor thay đổi giá bán”, nghĩa là không tính tới yếu tố thuế thay đổi để điều chỉnh hợp đồng.

Chính vì vậy, khi thuế nhập khẩu đối với các mã HS 87042329 và 87042369 thay đổi, Công ty có nguy cơ bị thiệt 74 tỷ đồng (do giá bán đã cố định theo hợp đồng) và phá sản.

Để gỡ khó cho tình huống của Công ty Nam Việt, trong phương án được Bộ Tài chính lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam có dự tính bổ sung khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái với tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn đến dưới 45 tấn vào mặt hàng có  thuế suất thuế nhập khẩu 15%.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, ngoài Công ty Nam Việt sản xuất, lắp ráp xe tải hạng trung từ 20 tấn trở lên trên nền cơ sở là xe ô tô chassis có buồng lái, một số công ty khác cũng lắp ráp xe trên nền nhập khẩu xe chassis có buồng lái. Cụ thể, Công ty Hino Motor Việt Nam lắp ráp xe trên 26 tấn từ bộ linh kiện ô tô với năng lực tối đa 4.000 - 5.000 xe/năm, nhưng chỉ sản xuất được 1.000 xe/năm. Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng sản xuất, lắp ráp xe tự đổ có tổng trọng lượng trên 24 tấn trên nền nhập khẩu xe chassis có buồng lái, nhưng chỉ phục vụ trong Tập đoàn với số lượng 100 xe/năm.

Bình luận về hướng xử lý trên của Bộ Tài chính, ông Trương Bình Nguyên, Trưởng phòng Marketing của Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) cho hay, từ năm 2011, Thaco đã có văn bản đóng góp ý kiến lên Bộ Tài chính, Bộ Công thương về việc tăng thuế nhập khẩu và tới tháng 11/2013 mới có biểu thuế mới với mức thuế suất 20%.

“Các doanh nghiệp (DN) chỉ nhập chassis có buồng lái khác nào nhập xe nguyên chiếc và chỉ thêm mỗi thùng xe. Trong khi đó, các xe tải của Thaco được sản xuất từ linh phụ kiện và có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%. Vì vậy, việc tăng thuế nhập khẩu với các loại xe tải có động cơ dùng để vận chuyển hàng hóa theo quy định của Thông tư 164/2013/TT-BTC cũng nhằm khuyến khích các DN đã có đầu tư sản xuất trong nước và phải kiến nghị nhiều năm mới đạt được. Nếu giờ giảm xuống như cũ thì không DN sản xuất ô tô có đầu tư bài bản nào mặn mà làm xe từ linh phụ kiện và nội địa hóa cao”, ông Nguyên nói.

Trước đây, một số DN nhập khẩu loại xe tải thông thường 24 - 45 tấn và khai báo dưới dạng xe chuyên dùng hầm mỏ để hưởng thuế suất ưu đãi, khiến các DN có đầu tư sản xuất loại xe này ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Hiện nay, các DN Việt Nam đang sản xuất mạnh dòng xe tải tổng trọng lượng có tải dưới 10 tấn với tỷ lệ nội địa hóa cao, chiếm lĩnh tới 90% thị trường xe tải nhẹ trong nước với giá thành cạnh tranh nhờ vào sự chênh lệch mức thuế suất hợp lý giữa xe nguyên chiếc và linh kiện.

Về kỹ thuật, công nghệ, các dòng xe tải hạng nặng, xe chuyên dùng hoàn toàn có khả năng sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao và giá cả rất cạnh tranh. Nguyên nhân là ở nước ngoài, các sản phẩm này cũng được sản xuất với điều kiện thủ công hoặc bán thủ công, tương tự Việt Nam, do số lượng không nhiều. Việc này sẽ kích thích công nghiệp hỗ trợ trong nước, giảm nhập siêu rất lớn cho nền kinh tế.

Bởi vậy, Thaco đề nghị cơ quan hữu trách nên cẩn trọng trong việc giảm thuế như đang dự tính.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục