Năm tài chính 2014 (từ tháng 4/2013 đến 31/3/2014) khép lại với nhiều biến động và khó khăn đối với toàn thị trường ô tô, xe máy nói chung và HVN nói riêng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, HVN vẫn gặt hái được những thành công trên các lĩnh vực kinh doanh ô tô, xe máy.
Mặc dù tổng dung lượng thị trường xe máy tại Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 2,71 triệu xe, bằng 87% so với kỳ trước, doanh số bán hàng của riêng HVN vẫn đạt 1,85 triệu xe, chiếm tới 68% thị phần - tăng 5,5% so với năm trước. Không chỉ đạt được những thành tích cao trong hoạt động kinh doanh, nỗ lực của HVN nhằm đạt được con số mơ ước về tỷ lệ nội địa hóa và thành quả của việc đưa xe máy Việt ghi dấu trên bản đồ thế giới là rất ngoạn mục. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho HVN, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với ngành công nghiệp sản xuất xe máy của Việt Nam.
93% và giấc mơ nội địa hóa
Khi các mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ô tô không có nhiều kết quả như mong đợi, người dân Việt Nam chuyển sang kỳ vọng được sử dụng các dòng xe 2 bánh gắn máy đúng nghĩa “Made in Việt Nam”. Khi đó, giá thành xe sẽ vừa với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam; kích thích ngành sản xuất phụ tùng xe máy trong nước, tạo công ăn việc làm và xa hơn là mục tiêu xuất khẩu. Chiếm hơn một nửa số xe máy bán ra trên thị trường, HVN vừa công bố con số tỷ lệ nội địa hóa trung bình đạt là 93%, một số mẫu xe số thậm chí còn lên đến 99%.
Thành tích này được Chính phủ Việt Nam ghi nhận khi đã từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa từ 10% năm 1998 lên 93% như hiện nay. Nguyên do tỷ lệ nội địa hóa cao là minh chứng cho khả năng thành công của các dự án đầu tư có liên quan đến phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.
Hiện tại, HVN đã có thể chủ động sản xuất các chi tiết quan trọng nhờ vào việc đầu tư nhà xưởng. Ngoài xưởng đúc được đầu tư năm 2001 với công suất 2 triệu sản phẩm/năm, vào tháng 1/2013, nhà máy bánh răng được hoàn thiện với số vốn đầu tư lên tới 457 tỷ đồng, năng lực sản xuất 2,3 triệu sản phẩm/năm. Năm tháng sau đó, trung tâm phụ tùng mới cũng chính thức đi vào hoạt động với vốn đầu tư 180 tỷ đồng, đáp ứng dung lượng thị trường. Gần đây nhất, vào tháng 4/2014, phân xưởng Piston có công suất lớn nhất trong Tập đoàn Honda với tổng số vốn đầu tư 231 tỷ đồng cũng chính thức đi vào sản xuất với tổng sản lượng lên đến 2,4 triệu sản phẩm/năm.
Củng cố năng lực sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng là chuẩn bị nền tảng vững chắc để HVN hiện thức hóa mục tiêu xuất khẩu.
Giấc mơ trung tâm xuất khẩu
Trong năm tài chính vừa qua, sản lượng xuất khẩu xe nguyên chiếc (CBU) của HVN đạt 32.600 xe và tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 163 triệu đô la Mỹ, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Minoru Kato - Tổng giám đốc của HVN nhấn mạnh, một trong những mục tiêu trong năm tới là “đẩy mạnh xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu xe máy trong khu vực”.
Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xe máy giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Công thương, đến năm 2020, xuất khẩu xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy đạt 500 - 800 triệu USD. Nếu HVN đạt được mục tiêu 247 triệu USD giá trị xuất khẩu năm nay, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm về mục tiêu năm 2020. Cũng có ý kiến cho rằng việc xuất khẩu xe máy không hề dễ dàng bởi hiện Việt Nam không có thương hiệu xe máy nội 100% vốn đầu tư trong nước, nếu xuất khẩu thì cũng chỉ là với sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các liên doanh xe máy Việt Nam đều là công ty con của các Tập đoàn lớn. Tuy nhiên, người Việt Nam có lý do để tự hào khi các sản phẩm xe máy sản xuất trong nước được xuất khẩu đến các thị trường có ngành công nghiệp xe máy phát triển như Nhật Bản, Italia, Mỹ…và với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa xe máy của HVN cao hơn 93%, khó có thể phủ định những đóng góp của HVN cho ngành công nghiệp xe máy Việt Nam.