Ngay cả khi đặt mục tiêu bán hàng 2 triệu xe trong năm nay, thì HVN vẫn phải đối mặt với thực tế năng lực sản xuất hiện có vượt xa khả năng bán hàng. Hiện tại, HVN có thể sản xuất tới 2,5 triệu xe. Ngoài 2 nhà máy tại Vĩnh Phúc cùng có công suất 1 triệu xe/năm đã có từ lâu, Nhà máy số 3 của HVN tại Hà Nam nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 8/2011 với quy mô vốn 120 triệu USD và năng lực sản xuất 500.000 xe/năm, có thể mở rộng lên đạt 1 triệu xe/năm.
Không khó để nhận thấy, việc đầu tư thêm Nhà máy số 3 của nhãn hiệu nổi tiếng này tại Việt Nam là do những thông tin khả quan của thị trường tiêu thụ xe máy. Trước khi HVN nhận giấy chứng nhận đầu tư nhà máy số 3, thị trường xe máy chỉ có tăng trưởng. Thậm chí, năm 2011 còn trở thành năm bán hàng lịch sử của HVN khi đạt doanh số 2,03 triệu chiếc, cao hơn năng lực sản xuất khi đó và cao nhất trong lịch sử hoạt động của Honda tại Việt Nam từ năm 1996 đến nay.
Tuy nhiên, năm 2012, thị trường xe máy đã chững lại và doanh số bán hàng của HVN đã giảm sút so với đỉnh cao năm 2011. Tình hình hoạt động của năm 2013 cũng không khả quan, khiến Nhà máy số 3 của HVN phải trì hoãn vận hành. Mốc đầu tiên để đưa Nhà máy 3 vào hoạt động được đặt ra là cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Ở thời điểm hiện tại, Nhà máy số 3 đã bắt đầu hoạt động sản xuất phụ tùng và sẽ đi vào sản xuất xe máy hoàn chỉnh trong tháng 10/2014.
Việt Nam hiện được xem là một trong 4 thị trường xe máy lớn nhất thế giới và cũng là một trung tâm sản xuất trọng điểm của Công ty Honda Motor Nhật Bản. Bởi vậy, trong 55.000 tỷ đồng doanh thu mà HVN đạt được trong năm tài chính vừa qua, đóng góp của xe máy chiếm tới 95%, còn ô tô chỉ chiếm 5%.
Mặc dù Tổng giám đốc mới của Honda Việt Nam, ông Minoru Kato cho biết, “không bi quan trong tương lai” khi nói về khả năng phát triển xe máy tại thị trường Việt Nam, bởi nhìn thấy nhu cầu đổi xe máy cũ lấy xe máy mới, hay dần coi xe máy là sở thích và sưu tập, thay vì là phương tiện giao thông thuần túy ở người tiêu dùng, nhưng HVN nói riêng cũng như các nhà sản xuất xe máy khác vẫn phải đối mặt với thực tế tình hình bán hàng chưa khả quan.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, đại diện kinh doanh của HVN cho hay, do kinh tế khó khăn, nên tiêu thụ xe máy sau khi bùng nổ vào năm 2010-2011 đã giảm mạnh và hy vọng thời gian tới, kinh tế phát triển, thị trường sẽ khả quan hơn. Dẫu vậy, chính đại diện này cũng thừa nhận, từ đầu năm tới nay, các yếu tố kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa, còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu của khách hàng vẫn tương tự năm trước.
Để tăng sản lượng bán hàng, HVN đang tính toán đến việc hướng mạnh vào đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn. Ông Minoru Kato cho hay, với kinh nghiệm phát triển xe máy của Honda 60 năm qua ở khu vực đô thị, thì việc phổ cập xe máy ở nông thôn lại chưa đạt mức độ tương tự, nên cơ hội phát triển vẫn còn.
Trước đó, việc hướng về thị trường nông thôn cũng đã được người tiền nhiệm là ông Masayuki Igarashi đề cập với báo chí. Tuy nhiên, để phát triển sản lượng bán hàng tại khu vực nông thôn, HVN sẽ phải đối diện với việc thay đổi cơ cấu mặt hàng theo hướng giảm sản lượng các dòng xe ga đắt tiền để tăng sản lượng dòng xe số có giá rẻ hơn cho phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.
Dẫu vậy, cơ cấu giữa dòng xe số và xe ga trong năm tài chính sắp tới của doanh nghiệp này vẫn là 51/49, nghĩa là chưa có nhiều thay đổi so với kết quả đạt được của năm 2013.
Bởi vậy, mục tiêu tăng tiếp sản lượng xe bán ra để các đầu tư đã được thực hiện không bị lãng phí và tăng hiệu quả kinh doanh hơn nữa sẽ vẫn là những thách thức không nhỏ với ông Minoru Kato, dù trở thành Tổng giám đốc của Honda Việt Nam là “lên chức và rất vui mừng” đối với ông.