Lấn cấn mô hình tổ chức
“Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của các bộ, ngành để hoàn thiện mô hình tổ chức theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, nhưng về bản chất, hiện hoạt động của VIDIFI cũng là doanh nghiệp dự án rồi”, ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc VIDIFI cho biết.
Liên quan nội dung trên, vào cuối tháng 8/2021, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 9264/BGTVT-CĐCTVN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về thành lập, tổ chức và hoạt động theo mô hình Doanh nghiệp Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
“Để có cơ sở trả lời VIDIFI về nội dung kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến đối với kiến nghị, đề xuất của VIDIFI”, Công văn số 9264 do Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Sở dĩ Bộ GTVT phải “nhờ cậy” Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn là bởi, ngày 18/7/2023, Bộ GTVT nhận được Văn bản số 230718.03/TCT-TCKT của VIDIFI đề nghị việc hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động theo mô hình Doanh nghiệp Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Thông báo số 108/TB-KTNN ngày 2/2/2018.
Tại Thông báo số 108/TB-KTNN, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu VIDIFI báo cáo, đề xuất Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan xem xét hướng dẫn cách thức thành lập, tổ chức và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp dự án.
Theo ông Trần Anh Tú, đây là một trong số rất ít kiến nghị Kiểm toán Nhà nước về Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án vẫn còn đang “nợ”.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, giao Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư thực hiện theo cơ chế thí điểm tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 và là nhà đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư dự án do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp.
Dự án được ký kết giữa Bộ GTVT và VIDIFI tại Hợp đồng số 7976/2008/HĐ.BOT-HN-HP ngày 30/10/2008 về việc xây dựng - kinh doanh - chuyển giao công trình xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và thực hiện trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm thực hiện.
Trước đó, vào đầu năm 2007, khi có chủ trương đầu tư Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì, cùng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là nhà đầu tư, huy động vốn để thực hiện Dự án. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VDB đã quyết định góp vốn điều lệ để thành lập VIDIFI - Doanh nghiệp BOT Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
“Như vậy, VIDIFI đã được thành lập và hoạt động như một doanh nghiệp dự án - doanh nghiệp BOT phù hợp với quy định của Nghị định 78/2007/CP-NĐ ngày 11/5/2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT”, lãnh đạo VIDIFI nhấn mạnh.
Được biết, theo quy định tại khoản 10, Điều 2, Nghị định số 78/2007/NĐ-CP, “doanh nghiệp BOT, doanh nghiệp BTO, doanh nghiệp BT là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tổ chức quản lý kinh doanh dự án. Doanh nghiệp BOT, doanh nghiệp BTO có thể trực tiếp quản lý, kinh doanh công trình dự án hoặc thuê tổ chức quản lý, với điều kiện doanh nghiệp chịu toàn bộ trách nhiệm của tổ chức quản lý”.
Theo VIDIFI, tại thời điểm ký kết hợp đồng, quy định của pháp luật có liên quan là doanh nghiệp dự án được thành lập để quản lý kinh doanh dự án, không quy định việc doanh nghiệp này có được kinh doanh hoạt động các lĩnh vực khác.
Nguy cơ xáo trộn lớn
Được biết, sau khi ra đời, ngoài các hoạt động liên quan đến dự án BOT, VIDIFI thành lập và góp vốn vào các công ty để cung cấp vật liệu cho Dự án, thực hiện công tác quản lý, vận hành và thu phí Dự án (công ty TNHH một thành viên 100% vốn của VIDIFI), thực hiện chuẩn bị đầu tư các khu công nghiệp, khu đô thị theo Quyết định số 1621/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Đến nay, việc cung cấp vật liệu cho Dự án đã hoàn thành, nên tạm dừng hoạt động, đang thực hiện thoái vốn, giải thể trong năm 2023.
Các khu công nghiệp, khu đô thị từng được giao VIDIFI triển khai để hoàn vốn cho Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đã được Chính phủ quyết định thu hồi để giao các địa phương triển khai.
Ngoài ra, VIDIFI còn tham gia góp vốn đầu tư một số công ty, dự án khác, nhưng để tập trung mọi nguồn lực cho việc quản lý, đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đơn vị này đã thoái vốn không tiếp tục thực hiện, đến nay chỉ còn khoản đầu tư tài chính tại 2 công ty liên kết về lĩnh vực thủy điện và đang được hạch toán theo dõi riêng.
Hiện tại, hoạt động kinh doanh chính của VIDIFI là quản lý thu phí, khai thác vận hành và bảo trì đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Các hoạt động tài chính khác chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng nguồn thu của VIDIFI hàng năm và sẽ được hạch toán tách bạch, không liên quan đến hoạt động BOT.
Đặc biệt, doanh thu - chi phí của hoạt động BOT sẽ được hạch toán, theo dõi riêng, sử dụng tài khoản riêng, phản ánh kết quả kinh doanh riêng, khi thành lập VIDIFI đã hoạt động như một doanh nghiệp dự án.
Lãnh đạo VIDIFI nhận thấy, việc thành lập doanh nghiệp dự án BOT như kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, nếu triển khai, sẽ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là vướng mắc về mặt pháp lý khi chuyển giao quyền lợi, nghĩa vụ liên quan từ VIDIFI sang pháp nhân mới.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là Hợp đồng BOT, Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 và các văn bản, quyết định liên quan sau đó cũng phải sửa đổi ghi nhận tên pháp nhân mới để pháp nhân mới này đủ điều kiện được xác định là doanh nghiệp dự án theo khoản 8, Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức PPP năm 2020.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Dự án, VIDIFI có giao dịch với rất nhiều chủ thể khác (ngân hàng cho vay, các nhà thầu, đối tác cung cấp dịch vụ... trong nước và quốc tế), nếu Tổng công ty chuyển giao cho pháp nhân mới sẽ gây ra nhiều xáo trộn và việc các bên liên quan có thể không chấp thuận cũng là một vấn đề lớn cần cân nhắc và xử lý.
Tại Văn bản số 230718.03/TCT-TCKT, VIDIFI cho biết, nếu các đối tác không chấp nhận chuyển giao cho doanh nghiệp dự án mới (do VIDIFI lập ra), thì việc chuyển giao sẽ phải mất thời gian đàm phán, làm việc lâu dài, phức tạp và có thể không thực hiện được.
“Để tiếp tục thực hiện theo các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định; hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT, các hợp đồng tín dụng đã ký với các ngân hàng, các đơn vị, cơ quan liên quan... và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động, ổn định về cơ cấu tổ chức, VIDIFI kiến nghị không thành lập doanh nghiệp dự án mới, mà tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức, hoạt động như hiện tại”, lãnh đạo VIDIFI đề xuất.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do VIDIFI đầu tư theo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài 105,5 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng 32,5 - 35 m.
Theo Quyết định số 1621/QĐ-TTg, để đảm bảo tính khả thi Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Chính phủ tiếp tục cam kết hỗ trợ tối đa 39% tổng mức đầu tư, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (khoảng 4.069 tỷ đồng); đồng thời chuyển khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức được Chính phủ bảo lãnh thành vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án. VIDIFI được sử dụng tiền sử dụng đất của Khu đô thị Gia Lâm (khoảng 4.723 tỷ đồng) và các khu đô thị và khu công nghiệp khác (khoảng 500 tỷ đồng).