Bài học từ án “gửi giá” tại Vinawaco và M-Vidifi

(ĐTCK) Hành vi “gửi giá” ngày càng phổ biến và được thực hiện một cách tinh vi, khiến bên chịu thiệt hại rất khó để phát hiện, nếu không có một quy trình quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt.
Tiêu cực thường xuất phát từ nhân viên, cán bộ được giao trọng trách Tiêu cực thường xuất phát từ nhân viên, cán bộ được giao trọng trách

Theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa, văn bản pháp luật hiện hành chưa có khái niệm chính thức: thế nào là hành vi “gửi giá”, mà chỉ quy định về hành vi “chuyển giá”. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, “gửi giá” là hành vi của cá nhân, (thông thường là của bên mua, trong một số trường hợp có thể là bên bán) xuất hiện khi các bên thỏa thuận/thông đồng với nhau trong giao dịch thương mại, nhằm mục đích tư lợi cá nhân, gây thất thoát/thiệt hại cho bên bán hoặc bên mua.

“Gửi giá”, về bản chất là sự thông đồng về giá giữa các bên để trục lợi. Nhìn vào các vụ án hình sự điển hình liên quan đến vấn đề “gửi giá” thời gian qua, mà gần đây nhất là vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), có thể thấy rõ điều này.

Năm 2013, Vinawaco là 1 trong 3 doanh nghiệp trúng thầu Dự án Duy tu, nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai – Cái Lân, do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư. Phòng Kế hoạch thị trường, do bị cáo Phạm Đình Hòa làm Trưởng phòng, được giao phối hợp Phòng Quản lý dự án và Ban điều hành dự án nạo vét phía Bắc, do bị cáo Hồ Thành Nghĩa làm Giám đốc, đàm phán và tham mưu cho lãnh đạo Vinawaco ký các hợp đồng thuê thiết bị thi công.

Ngày 3/12/2013, Công ty Tân Việt, do bị cáo Vũ Thanh Huyền làm Chủ tịch HĐQT và bị cáo Trịnh Văn Thắng làm Giám đốc, ký hợp đồng với Ban điều hành dự án nạo vét phía Bắc thực hiện nạo vét từ mặt cắt 375-383, khối lượng nạo vét 22.362 m3, giá trị hợp đồng 4,6 tỷ đồng (đơn giá 206.211 đồng/m3).

Để ký được hợp đồng này, nhà thầu phụ đã chấp nhận phương án: Công ty Tân Việt sẽ thực hiện việc thi công, nhưng chỉ được hưởng 50% đơn giá theo giá trúng thầu của chủ đầu tư ký với nhà thầu chính. Số tiền 50% còn lại, Công ty Tân Việt sẽ phải chuyển lại cho Hồ Thành Nghĩa và Phạm Đình Hòa. Thực tế, Trịnh Văn Thắng và Vũ Thanh Huyền trả cho Nghĩa và Hòa số tiền 800 triệu đồng (Nghĩa giữ 100 triệu đồng và Hòa giữ 700 triệu đồng). Hành vi của các bị cáo phạm vào tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.

Theo Luật sư Giáp, đây là một vụ án điển hình về hành vi “gửi giá” tại các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng với doanh nghiệp tư nhân, cách “gửi giá” được thực hiện theo hướng khác, cụ thể là vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Vật liệu và Đầu tư Vidifi (Công ty M-Vidifi).

Từ năm 2010-2011, bị cáo Đinh Thị Tâm, người đại diện phần vốn của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) tại Công ty M-Vidifi, đã lạm dụng chức vụ để trục lợi số tiền 4,26 tỷ đồng trong Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Sau khi được chỉ định cung cấp vật liệu cho các gói thầu EX2 và EX3, Công ty M-Vidifi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải Hồng Phúc (Công ty Hồng Phúc). Từ tháng 9/2010 đến tháng 11/2011, Công ty Hồng Phúc giao số vật liệu xây dựng như cát thô, cát đen, đất đắp với giá trị hơn 41,3 tỷ đồng và thanh toán xong.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Đinh Thị Tâm yêu cầu đối tác sửa lại đơn giá cao hơn so với giá chào hàng. Phần chênh lệch là 4,26 tỷ đồng, Tâm được hưởng. Theo lời tố cáo của Công ty Hồng Phúc, việc gửi giá chỉ có Tâm đứng ra thỏa thuận, bàn bạc.

Tuy nhiên, Đinh Thị Tâm khai nhận, việc gửi giá được Giám đốc Ban Tài chính Vidifi đồng ý về mặt nguyên tắc. Trước khi ký hợp đồng, Tâm được Chủ tịch HĐQT Công ty M-Vidifi giao làm đầu mối nhận tiền “gửi giá”.

Mặc dù vậy, quá trình xác minh tại Công ty M-Vidifi của cơ quan điều tra cho thấy, việc Đinh Thị Tâm nhận và sử dụng số tiền 4,26 tỷ đồng là việc làm cá nhân.

Từ 2 vụ án trên cũng như những vụ án đã được đưa ra xét xử trước đó, Luật sư Hoàng Trọng Giáp nhìn nhận, hành vi “gửi giá” diễn ra ngày một phổ biến và được thực hiện ngày một tinh vi. Các tổ chức bị thiệt hại sẽ rất khó để phát hiện hành vi này, nếu không có quy trình quản lý, cũng như thanh kiểm tra nghiêm ngặt. Bởi trên thực tế, việc làm này thường được thực hiện bởi nhân viên, cán bộ được giao trọng trách, đặc biệt với trường hợp là người đại diện, hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Do đó, nếu lỏng lẻo trong quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh, đầu tư, sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực, từ đó gây thất thoát, thiệt hại cho các bên.

Cũng theo Luật sư Giáp, hành vi “gửi giá” có thể gọi là vấn nạn, bởi hậu quả mà nó để lại không chỉ dừng ở mức gây thất thoát, thiệt hại, mà còn khiến việc lưu thông hàng hóa không đi theo trật tự thông thường, khi giá trị hàng hóa đã bị đẩy lên cao so với giá trị thật.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục