Theo thông tin của chúng tôi, cho đến thời điểm này, Vidifi và tổ hợp nhà đầu tư gồm IL&FS Transportation Networks Limited (ITNL); Strategic Alliance Holdings (SAHI) và Tung Shing Groups (Tung Shing), vẫn chưa chính thức ký hợp đồng góp vốn thành lập một pháp nhân mới dưới hình thức công ty cổ phần để tiếp nhận lại, sở hữu, đầu tư và vận hành Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
“Với quy mô dự án lên tới 45.487 tỷ đồng, việc thẩm định phương án tài chính cũng như đàm phán các điều khoản của bản hợp đồng góp vốn chưa từng có tiền lệ này đòi hỏi thời gian của cả hai bên”, đại diện Vidifi cho biết.
“Chúng tôi đã nhận được đề nghị nhượng quyền thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của một số nhà đầu tư trong nước” - ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi
Bên cạnh đó, đối tác ngoại muốn chờ bản quyết toán Dự án để có thể chốt chính xác kinh phí đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, với việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tài chính điều chỉnh và lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khá sát với thực tế, Vidifi hy vọng sẽ kết thúc quá trình đàm phán với đối tác trước quý I/2016.
Cần phải nói thêm rằng, tổ hợp các nhà đầu tư do ITNL đứng đầu cũng rất quyết tâm theo đuổi Dự án khi đã đặt cọc 2 triệu USD và liên tục cử các đoàn đàm phán cấp cao sang Việt Nam.
“Ngoài liên danh nước ngoài nói trên, chúng tôi đã nhận được đề nghị nhượng quyền thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của một số nhà đầu tư trong nước”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi tiết lộ.
Trước đó, vào cuối năm 2014, Vidifi và ITNL đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để thành lập một pháp nhân nhận chuyển nhượng Dự án. Công ty cổ phần này có vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó Vidifi sẽ góp 30% vốn điều lệ, nhóm nhà đầu tư nước ngoài góp 70% vốn còn lại.
Ngoài công ty cổ phần nói trên, các bên cũng thống nhất sẽ tiếp tục góp vốn với tỷ lệ tương tự tại một doanh nghiệp có nhiệm vụ vận hành và bảo trì trong toàn bộ thời gian khai thác, thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT. Để chi trả cho việc chuyển nhượng này, công ty cổ phần sẽ thanh toán cho Vidifi một khoản tiền tương ứng với phần vốn chủ sở hữu và những chi phí liên quan đã bỏ ra cho Dự án.
Bên cạnh Vidifi, nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đã lên phương án bán quyền thu phí 5 cao tốc dài 540 km gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành,với tổng mức đầu tư lên tới 125.572 tỷ đồng
Tại 5 dự án nói trên, vốn ngân sách nhà nước tham gia đầu tư trực tiếp là 71.555 tỷ đồng (chiếm 57%); VEC tự huy động 54.000 tỷ đồng (chiếm 43%) từ nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình, vốn vay vay thương mại (OCR) của ADB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD).
Theo đó, VEC đang xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty song song với việc xây dựng phương án thành lập các công ty cổ phần dự án, phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.
Được biết, theo chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, VEC sẽ nghiên cứu phương án bán đấu giá quyền thu phí tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2016.
“Đây là một chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ, nhưng nếu thực hiện thành công sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, giúp VEC sớm thu hồi vốn để có nguồn lực đầu tư triển khai các tuyến đường cao tốc khác đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết.