Nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng tại VIDIFI

Cần làm rõ việc lãnh đạo VIDIFI lấy tiền dự án trọng điểm để cho Công ty cho thuê tài chính 2 vay dẫn đến nguy cơ mất vốn.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang thi công dở dang vì thiếu vốn vậy mà chủ đầu tư lại đem tiền đi cho vay lấy lãi Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang thi công dở dang vì thiếu vốn vậy mà chủ đầu tư lại đem tiền đi cho vay lấy lãi

Thiếu vốn nhưng vẫn có tiền cho vay

Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), là doanh nghiệp hình thành trên cơ sở góp vốn của một loạt các “ông lớn”, đó là ngân hàng Phát triển Việt Nam, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tổng công ty Vinaconex và công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn. Mục tiêu chiến lược của VIDIFI là dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Chính phủ giao làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Ngoài ra, VIDIFI còn đầu tư vào các dự án đầu tư bất động sản, tài chính khác.

 

Trong các cổ đông của VIDIFI, ngân hàng Phát triển Việt Nam là cổ đông lớn nhất, có số vốn góp tính đến năm 2010 là gần 1350 tỷ đồng, chiếm 86% trong tổng số khoảng 2.965 tỷ đồng vốn điều lệ thực góp của các cổ đông. Số vốn góp này là nhằm thực hiện dự án trọng điểm đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

 

Thế nhưng, trong lúc dự án trọng điểm này đang chậm tiến độ thì lãnh đạo VIDIFI lại mang vốn của dự án đi cho vay với lãi suất “mềm”. Doanh nghiệp được ưu ái cho vay chính là công ty cho thuê tài chính 2 thuộc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), doanh nghiệp vừa có những sai phạm để thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

 

Được biết, trong vòng 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 6/2009, VIDIFI đã ký 3 hợp đồng gửi tiền với công ty Cho thuê tài chính 2 với số tiền là 550 tỷ đồng với mức lãi suất khoảng 7,7%/năm. Các hợp đồng gửi tiền này đều do phó tổng giám đốc Phạm Văn Bổn ký, không có sự phê duyệt của HĐQT hay Đại hội đồng cổ đông của tổng công ty.

 

Nguồn tiền gửi tại cCông ty Cho thuê tài chính 2 đều là tiền các cổ đông góp vốn theo cam kết góp vốn điều lệ của các cổ đông. Được biết, trong năm 2009, kế hoạch sử dụng vốn của VIDIFI là hơn 2300 tỷ đồng nhưng Tổng công ty này mới huy động được hơn 1.757 tỷ đồng, còn thiếu hơn 550 tỷ đồng vốn nữa mới đủ sử dụng theo kế hoạch.

 

Thế nhưng, trong lúc thiếu vốn sử dụng theo kế hoạch, VIDIFI vẫn có tiền cho công ty Cho thuê tài chính 2 vay với lãi suất mềm trong thời hạn 1 năm. Điều đáng nói hơn, số tiền cho vay này lại là nguồn kinh phí để chi trả cho hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

 

Theo kế hoạch, dự án đường cao tốc này sẽ hoàn thành trong năm 2011 để giảm tải cho Quốc lộ 5 nhưng đã bị chậm tiến độ khiến chủ đầu tư phải lùi kế hoạch đến năm 2013. Phải chăng, chính việc mang kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng gửi lấy lãi là nguyên nhân của việc chậm chễ đến 2 năm của dự án này?

 

Hậu quả nhãn tiền của việc vượt quyền

 

Khi gửi tiền vào công ty Cho thuê tài chính 2, lãnh đạo VIDIFI cũng đã “kiểm tra” đối tác này nhưng chỉ dừng lại ở một số thông tin sơ dài về doanh nghiệp đang sắp trở thành “quả bom” nợ nần nên VIDIFI không ngờ được rằng, chỉ một thời gian ngăn sau khi gửi tiền cho Công ty cho thuê tài chính 2, đối tác này đã rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán. Theo kết quả kiểm toán, trong năm 2009, công ty Cho thuê tài chính 2 lỗ đến 3000 tỷ đồng.

 

Đầu năm 2010, khi thấy nguy cơ không thu hồi được tiền gửi trở nên rõ ràng, VIDIFI đã có nhiều văn bản đòi nợ trước thời hạn, gồm cả gốc và lãi. Nhưng, đến tháng 8/2010, công ty Cho thuê tài chính 2 vẫn không thể trả nợ khi doanh nghiệp này thực sự bộc lộ mình là “chúa chổm” với khoản nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có khoản nợ bảo hiểm xã hội khoảng 1.010 tỷ đồng. VIDIFI phải “cầu cứu” Agribank cứu trợ cho công ty Cho thuê tài chính 2 với hy vọng lấy lại vốn.

 

Do không thu hồi được tiền để chi trả cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nên được biết, HĐQT VIDIFI đã phải tính phương án…đi vay tiền để trả tiền giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc đã chậm tiến độ đồng thời cầu cứu cả đến ngân hàng Phát triển Việt Nam - “mẹ” của VIDIFI. Trong khi đó, ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng đang phải giải trình về những tố cao sai phạm tài chính và tổ chức khác liên quan đến VIDIFI.

 

Trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa 13 vừa qua, Đại biểu quốc hội Lê Thị Nga đã nêu vấn đề đặc biệt nghiêm trọng này trong câu hỏi chất vấn đối với bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, ngân hàng Phát triển Việt Nam đã “rót” vốn vào thị trường bất động sản và tài chính thông qua VIDFI là không đúng “tôn chỉ” vì ngân hàng Phát triển Việt Nam (tiền thân là Quỹ hỗ trợ phát triển) được thành lập với sứ mệnh là “không vì lợi nhuận”. Theo phản ánh của cử tri mà Đại biểu Lê Thị Nga nắm được thì thất thoát vốn của Ngân hàng phát triển Việt Nam lên đến 24.45 tỷ đồng.

 

Việc thu hồi lại số tiền mà VIDIFI đã trót gửi cho “chúa chổm” không phải là việc ngày một ngày hai mà được đánh giá là khó có khả năng thu hồi bởi số tiền trên đã bị lãnh đạo Công ty cho thuê tài chính 2 phung phí do yếu kém và cả những quyết định trái pháp luật. Ngoài ra, những thất thoát vốn do dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bị kéo dài cũng sẽ là con số không hề nhỏ.

 

Hậu quả này xuất phát từ những quyết định qua mặt HĐQT của Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc VIDIFI. Theo một luật sư của ĐLS Hà Nội, có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong việc lấy vốn điều lệ được sử dụng cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng để cho vay tiền tùy tiện. Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ để “hỗ trợ” thu hồi vốn cho VIDIFI.


PLVN

Tin cùng chuyên mục