Toàn thị trường tăng trưởng 8%...
Trao đổi với ĐTCK, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cho biết, doanh thu phí bảo hiểm gốc toàn thị trường phi nhân thọ 3 tháng đầu năm ước tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này, theo ông Lộc, đã cho thấy nỗ lực của khối này trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
Tại Bảo hiểm PVI, 3 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt gần 1.800 tỷ đồng, hoàn thành hơn 134% kế hoạch theo quý; lợi nhuận trước thuế ước đạt 90 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt gần 1.500 tỷ đồng và tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ 2013.
Bảo hiểm Bảo Việt đạt mức tăng trưởng khiêm tốn hơn so với cùng kỳ năm trước, 6%, với doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt gần 1.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu phí từ nghiệp vụ bảo hiểm hàng không của Bảo hiểm Bảo Việt tăng trưởng trên 34,5% so với cùng kỳ 2013.
Ở tốp sau, một số DN cũng đạt mức tăng trưởng khá cao, có DN đạt mức tăng trưởng trên 20%. Chẳng hạn, tại BIC, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2014, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 38,4% so với cùng kỳ, từ 185 tỷ đồng lên 256 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển là hai mảng hoạt động chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất và tăng mạnh nhất. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý đem lại cho BIC khoản lãi gộp 39 tỷ đồng.
Hay Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) ước đạt 250 tỷ đồng doanh thu trong quý này, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 25% kế hoạch cả năm.
Hoạt động kinh doanh của khối bảo hiểm phi nhân thọ đang có những chuyển biến tích cực hơn. Theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) từ báo cáo các DN bảo hiểm gửi lên, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của khối này ước đạt 11%, đạt 8.600 tỷ đồng.
… và những điểm cộng khác
Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, với việc nâng cao công tác quản lý rủi ro, quý I/2014, tỷ lệ bồi thường ở hầu hết các nghiệp vụ đã giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước.
Hay với Bảo hiểm PVI, 3 tháng đầu năm, Công ty đã thành công trong việc đẩy mạnh khai thác các dự án lớn, dự án trọng điểm ngoài lĩnh vực dầu khí – năng lượng. Điển hình như Dự án đường ôtô Tân Vũ – Lạch Huyện, một trong những dự án cầu vượt biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á và dự án đầu tiên được đầu tư theo hình thức PPP giữa Việt Nam-Nhật Bản, hay như mới đây là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1.
Ở mảng bảo hiểm hàng không, Bảo hiểm PVI đã trở thành đối tác cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho Vietnam Airlines, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam cùng với 2 nhà đồng bảo hiểm là Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm Hàng Không. Cùng với đó, Bảo hiểm PVI vừa mới chính thức nâng hạng tín nhiệm năng lực tài chính A.M. Best lên “B++” (Tốt) và năng lực tín dụng của tổ chức phát hành lên mức “bbb” (Đủ năng lực).
Còn với BIC, không chỉ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc, quý I/2014 còn ghi nhận việc tăng 13% lợi nhuận sau thuế hợp nhất so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 26,3 tỷ đồng. Theo BIC đó là do trong quý này khoản đầu tư vào công ty con, Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) cho lợi nhuận tốt hơn.
Một số DN cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm mới như bảo hiểm điện thoại di động, bảo hiểm cây cao su (MIC) cùng với việc tận dụng mạng lưới công ty mẹ để bán sản phẩm. Mới đây nhất, MIC sẽ triển khai sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm Trường An và tiết kiệm quân nhân tại các phòng giao dịch của Ngân hàng Quân đội trên toàn quốc.
Dẫu doanh thu chung đã trong quý I đã có sự tăng trưởng tích cực hơn, nhưng tại một số DN bảo hiểm, một số nghiệp vụ bất ngờ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (bảo hiểm tài sản - thiệt hại) hoặc chững lại (bảo hiểm con người, xe cơ giới), bồi thường tăng.
Với kết quả khá tích cực trong những tháng đầu năm, toàn ngành có lý do để hy vọng về đích các chỉ tiêu các quý trong năm và cả năm.
“Trong quý II/2014, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm, đồng thời đẩy nhanh công tác mở rộng hệ thống bán lẻ, phấn đấu tăng trưởng hệ thống bán lẻ tối thiểu là 16%”, Bảo hiểm PVI cho biết.