Đầu tháng 2/2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập cho Công ty Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam, với số vốn điều lệ 25 tỷ đồng, thực hiện các nghiệp vụ quản lý đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán… Cũng trong tháng 2/2014, Công ty Quản lý quỹ Manulife Việt Nam chính thức được tăng vốn điều lệ từ 53 tỷ đồng lên 83 tỷ đồng, nhằm mở rộng hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, trong năm 2013, ACE Life cũng công bố công ty quản lý quỹ của riêng mình. Thực tế, ngoài việc phải có công ty quản lý quỹ riêng để hoạt động đầu tư chuyên nghiệp và lớn mạnh hơn thì việc sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện đã chính thức ra mắt cũng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nỗ lực đẩy nhanh kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ để quản lý nguồn tiền này. Hiện tại, trong số hơn chục doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam, đã có khoảng 6 doanh nghiệp có công ty quản lý quỹ và “làn sóng” thành lập công ty quản lý của các công ty bảo hiểm nhân thọ dự báo tiếp tục lan rộng, bởi sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng như những quy định mới của các cơ quan chức năng đang mở đường cho ngành này phát triển hơn.
Cùng với những chuyển biến mới trong hoạt động đầu tư, hoạt động phát triển sản phẩm và các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, nhân sự bảo hiểm nhân thọ năm nay cũng có một số yếu tố bất ngờ. Làn sóng chuyển dịch nhân sự không chỉ âm thầm diễn ra ở các cấp quản lý, điều hành mà ở cấp CEO cũng đã có những thay đổi khá thú vị. Vấn đề “câu kéo” nhân sự lành nghề trên thị trường bằng những hứa hẹn mức lương cao ngất vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong ngành bảo hiểm nhân thọ, bởi nhân sự lành nghề vẫn luôn thiếu, đặc biệt đối với những công ty mới gia nhập thị trường nhưng có tham vọng tăng trưởng vượt bậc.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc trở lại đã tạo niềm tin và hứng thú cho các công ty bảo hiểm triển khai những chương trình mới.
Cùng với vấn đề tăng trưởng thì quyết tâm bứt phá để có được thị phần mơ ước cũng sẽ khiến thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2014 thêm phần sôi động. Hiện tại, dù chưa có con số tổng kết chính thức, nhưng theo số liệu sơ bộ, thị phần tổng doanh thu phí và thị phần khai thác phí mới năm 2013 vẫn thuộc về Prudential.
Tham vọng giành lại ngôi vị số 1 này của Bảo Việt Nhân thọ vẫn chưa thực hiện được. Dù rất quyết tâm bứt phá với doanh thu khai thác mới tăng trưởng liên tục, nhưng xem ra cuộc đua tới ngôi vị số 1 cũng không hề dễ dàng. Những tham vọng chưa đạt được trong năm qua sẽ tiếp tục là mục tiêu để các doanh nghiệp bảo hiểm phấn đấu đạt được trong thời gian tới.
Năm 2014 không chỉ là năm có tính quyết định cho kế hoạch đạt được thị phần cao hơn của một số công ty bảo hiểm nhân thọ mà năm nay cũng là các nhân tố mới mong muốn mang đến thị trường những dấu ấn nhất định.
Cùng với việc khởi động khá rầm rộ của liên doanh PVI Sun Life, thị trường cũng đang chờ đón sự chính thức ra mắt của Liên doanh Metlife (Tập đoàn bảo hiểm lớn của Mỹ) và BIDV. Hiện nay, các bên góp vốn đang triển khai thủ tục xin giấy phép thành lập và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể chính thức hoạt động, cung cấp sản phẩm tới khách hàng từ giữa năm 2014. Được biết, công tác tuyển dụng nhân sự cấp cao đang được liên doanh này thực hiện hết sức khẩn trương.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, dù cơ hội còn nhiều phía trước, thị trường không chỉ toàn màu hồng, rủi ro vẫn chực chờ phía trước. Chính vì vậy, khác với những “tân binh”, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã có mặt lâu năm trên thị trường đang thực hiện tái cấu trúc, cắt giảm chi phí và những bộ phận không thật sự cần thiết, để nâng cao chất lượng hoạt động, chứ không chạy theo số tăng trưởng về lượng như những năm trước kia.