Phiên dịch sáng 23/3: Sức ép đè nặng

(ĐTCK) Dù nhận được thông tin vĩ mô tích cực, nhưng dòng tiền chảy vào thị trường vẫn rất thận trọng, khiến chứng khoán Việt Nam có phiên khởi đầu tuần mới chậm chạp.
Phiên dịch sáng 23/3: Sức ép đè nặng

Sáng nay, các trang tin trong nước dẫn lại bài viết của Bloomberg đánh giá, Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc trong ngành sản xuất, với nhiều tập đoàn đa quốc gia chọn là địa điểm sản xuất của mình. Điều này giúp cho Việt Nam có cơ hội trở thành “con hổ” tiếp theo của châu Á.

Tuy nhiên, thông tin này dường như cũng không ảnh hưởng nhiếu tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Với một thị trường mà nhà đầu tư tư là ngắn hạn và mang tính chất đầu cơ nhiều như Việt Nam, thì yếu tố dòng tiền chính là yếu tố quyết định, còn yếu tố vĩ mô chỉ có thể sẽ tác động trong dài hạn và với các nhà đầu tư lớn.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, tâm lý thận trọng vẫn lấn át nơi nhà đầu tư, nhiều người chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến giao dịch diễn ra chậm. Không có sự đột biến nào diễn ra trong đợt ATO như trường hợp của HQC đầu tuần trước, lệnh mua, bán chủ yếu mang tính chất thăm dò.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,2 điểm (+0,21%), lên 576,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ gần 1,7 triệu đơn vị, giá trị chưa tới 39 tỷ đồng.

Dù vậy, ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, sự trở lại của các mã lớn, vốn bị ép giá khá mạnh trong tuần trước do hoạt động tái cơ cấu danh mục của ETFs như MSN, VIC, STB, VCB, giúp đà tăng của thị trường được nới rộng. Tuy nhiên, lực bán sau đó cũng gia tăng, khiến VN-Index không thể bứt phá để leo lại lên ngưỡng 580 điểm, mà chỉ giằng cho quanh 578 điểm. Thời gian còn lại của phiên, áp lực bán tăng dần, trong khi bên mua không được cải thiện khiến sắc đỏ nhiều lên và lấn át sắc xanh, VN-Index cũng không giữ được sắc xanh khi đóng cửa phiên sáng nay.

Trong khi đó, dù cũng có được sắc xanh nhạt khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay, nhưng đà tăng trên HNX chỉ duy trì được khoảng 15 phút, sau đó giằng co khoảng 15 phút tiếp theo, trước khi chính thức quay đầu giảm điểm và một lần nữa xuống dưới ngưỡng 85 điểm. Đà giảm của chỉ số này ngày càng nới rộng về cuối phiên.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,09 điểm (-0,02%), xuống 575,35 điểm với 64 mã tăng, trong khi có tới 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,67 triệu đơn vị, giá trị 707 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch khớp lệnh. VN30-Index cũng quay đầu giảm 0,92 điểm (-0,15%), xuống 602,84 điểm khi số mã giảm gấp 2 lần số mã tăng (18 mã giảm so với 9 mã tăng).

HNX-Index giảm 0,44 điểm (-0,51%), xuống 84,69 điểm với 57 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 19,1 triệu đơn vị, giá trị 246,65 tỷ đồng. Với số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng (18 mã giảm so với 6 mã tăng), HNX30-Index cũng giảm 0,44 điểm (-0,51%), xuống 162,09 điểm.

Trên HOSE, sự trở lại của MSN sau khi chịu áp lực bán ra của ETFs tuần trước chính là nhân tố chính giúp VN-Index hồi phục trở lại. Hiện mã này đang tăng 1,89%, lên 80.500 đồng. Ngoài việc hết chịu áp lực cung từ quỹ ETFs, MSN còn nhận thông tin tích cực về việc đã thâu tóm thành công Sài Gòn Nutri Food và nhảy vào phân khúc thịt chế biến. Theo đại diện MSN, tiềm năng của thị trường thịt chế biến rất lớn khi mới chỉ chiếm 1% trong thị trường thịt có quy mô đến 18 tỷ USD.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nhiều khả năng MSN sẽ thành công với lĩnh vực mới này, và khi đó, doanh thu và lợi nhuận từ mảng này sẽ đóng góp khá lớn vào kết quả kinh doanh chung của tập đoàn.

Với những kỳ vọng trên, nên nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ xuống tiền khi cổ phiếu MSN có giá dưới 80.000 đồng.

Ngoài MSN, VIC và STB cũng đã trở lại sau khi chịu áp lực bán ra của ETFs tuần trước. Tuy nhiên, đà tăng của cả 2 bị thu hẹp dần về cuối phiên. Chốt phiên sáng, VIC chỉ còn tăng ở mức tối thiểu, trong khi STB cũng chỉ còn tăng 1,04%.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự hỗ trợ của 2 “đại gia” dầu khí là GAS và PVD. Trong đó, GAS tăng 1,32%, còn PVD sau chuỗi ngày giảm liên tiếp, cũng đã có được sắc xanh, dù mức tăng chỉ còn giữ ở mức tối thiểu khi chốt phiên sáng.

OGC tưởng chừng cũng sẽ được kéo lên mức giá trần 5.300 đồng trong phiên sáng nay, tuy nhiên, áp lực bán còn lớn, khiến mã này chỉ đến mức 5.200 đồng trước khi bị đẩy lùi trở lại. Đóng cửa, OGC tăng 2%, lên 5.100 đồng với 1,2 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, FLC cũng điều chỉnh giảm sau khi được kéo lên 12.300 đồng trong phiên cuối tuần trước nhờ lực cầu của VNM ETF. Chốt phiên, mã này giảm 2,44%, xuống 12.000 đồng với 12,19 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự KDC và KBC cũng quay đầu giảm khá mạnh trở lại trong phiên sáng nay với mức giảm lần lượt là 1,88% và 2,35%. Trong khi đó, các mã bị loại khỏi danh mục của FTSE ETF như CSM, OGC, HSG lại hồi phục trở lại.

Trong nhóm ngân hàng, VCB sau khi hồi phục nhẹ đầu tuần, góp phần giúp VN-Index tiến sát mốc 580 điểm đã chịu áp lực bán sau đó và quay đầu giảm giá. Chốt phiên, VCB giảm 0,83%, xuống 35.700 đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, dù được đánh giá khá tốt, nhưng vẫn chưa thể thay thế nhóm ngân hàng để trở thành nhóm dẫn dắt thị trường khi nhóm này vẫn có sự phân hóa mạnh.

Trong khi đó, TSC tiếp tục có phiên tăng trần, lên 23.500 đồng, nhưng thanh khoản khá cầm chừng với 323.500 đơn vị được khớp và hiện vẫn còn dư bán trần.

Trên HNX, dường như dòng tiền chỉ tập trung vào KLF khi mã này được khớp hơn 4,67 triệu đơn vị, bỏ xa mã thứ 2 là FIT khi khớp hơn 2,2 triệu đơn vị. Tuy nhiên, trong khi FIT đóng cửa với mức tăng nhẹ 1 bước giá, thì KLF lại lùi 1 bước giá so với tham chiếu. Ngoài 2 mã này, trên sàn HNX, không có thêm mã nào được khớp đến 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, mặc dù ĐHCĐ vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 đầy tham vọng với lợi nhuận sau thuế tăng hơn 300% so với năm 2014, nhưng IVS có lúc vẫn bị đẩy xuống mức giá sàn 13.300 đồng, trước khi lực cầu bắt đáy cuối phiên đẩy IVS đóng cửa ở mức 14.400 đồng, giảm 2,04%.

Có thể nói, hiện dòng tiền với thị trường đang bị hạn chế khá nhiều. Sau Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, giới đầu tư đang lo lắng với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 210 của Bộ Tài chính, siết điều kiện vay vốn của các công ty chứng khoán.

Có thể nói, đây là 2 kênh chính để dẫn dòng tiền vào thị trường chứng khoán và cả 2 bị siết lại, khiến thanh khoản thị trường từ cuối năm 2014 đến nay đứng ở mức thấp (ngoại trừ phiên cuối tuần trước do hoạt động tất toán danh mục của các quỹ ETFs) và là lực cản lớn cho đà tăng của thị trường.

Đây cũng chính là lý do khiến không nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để giữ vai trò dẫn dắt thị trường trong thời điểm hiện nay. Sự thận trọng và thiếu vắng dòng tiền khiến các đợt sóng nhỏ lẻ chỉ diễn ra 1 - 2 phiên.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục