Chứng khoán tuần mới: “Thử lửa” mốc 575 điểm

(ĐTCK) Với việc VN-Index phá vỡ vùng hỡ trợ cứng trong ngắn hạn và giao dịch khối ngoại cũng đang có những diễn biến tiêu cực khi bắt đầu có tín hiệu rút tiền khá quyết tâm khiến hầu hết các công ty chứng khoán cho rằng thị trường chứng khoán tuần mới không mấy tích cực. Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục “thử lửa” tại mốc 575 điểm.
Chứng khoán tuần mới: “Thử lửa” mốc 575 điểm

Diễn biến giao dịch chứng khoán tuần qua

Trên sàn HOSE, VN-Index có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 10,66 điểm, tương ứng giảm 1,81%, chốt tuần ở mức 575,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 109,94 triệu đơn vị/phiên, với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.983,08 tỷ đồng, tăng 16,87% về lượng và 20,64% về giá trị so với tuần trước.

Giao dịch trên HOSE trong tuần qua

Ngày

VN-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

20/3

575,44

+1,70(+0,30%)

151.536.960

3.151.820

19/3

573,74

-4,94(-0,85%)

84.526.970

1.463.820

18/3

578,68

-3,08(-0,53%)

108.040.880

1.783.770

17/3

581,76

+0,96(+0,17%)

105.054.970

1.699.480

16/3

580,80

-5,30(-0,90%)

100.538.780

1.816.520

Tổng

-10,55(-1,81%)

549.698.560

9.915.410

Tương tự, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Kết thúc tuần, HNX-Index giảm 0,59 điểm, tương ứng giảm 0,68% đứng ở mức 85,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 47,76 triệu đơn vị/phiên và tổng giá trị đạt 627,49 tỷ đồng, tăng 34,76% về lượng và 26,43% về giá trị so với tuần trước.

Giao dịch trên HNX trong tuần qua

Ngày

HNX-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

20/3

85,13

+0,53(+0,63%)

37.046.083

524.420

19/3

84,60

-0,45(-0,53%)

47.829.165

582.880

18/3

85,05

-0,31(-0,36%)

45.757.143

667.970

17/3

85,36

+0,28(+0,32%)

52.700.766

679.880

16/3

85,08

-0,64(-0,74%)

55.466.425

682.290

Tổng

-0,59(-0,68%)

238.799.582

3.137.440

Nhà đầu tư nước ngoài tuần qua đã đóng góp lớn vào thanh khoản thị trường bởi đây là tuần tất toán danh mục của các quỹ ETFs. Trong đó, riêng phiên cuối tuần với giá trị mua-bán đều đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị mua-bán ròng qua các phiên khá cân bằng nhau nên tổng cộng cả tuần, giao dịch của khối không có nhiều biến động.

Tuần qua trên hai sàn, khối ngoại đã mua ròng 14,5 triệu đơn vị, trong khi tuần trước bán ròng 6,82 triệu đơn vị. Tổng giá trị mua ròng tương ứng chỉ đạt 8,17 tỷ đồng, giảm 97,22% so với tuần trước.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên 2 sàn trong tuần

Ngày

Khối lượng

Giá trị (tr.đồng)

Mua

bán

Mua-Bán

Mua

Bán

Mua-Bán

20/3

55.664.130

34.178.396

21.485.734

1.314.670

1.073.750

240.920

19/3

5.467.560

16.629.871

-11.162.311

185.260

427.070

-241.810

18/3

9.400.580

7.604.205

1.796.375

265.800

246.230

19.570

17/3

10.244.090

9.145.471

1.098.619

249.860

249.100

760

16/3

11.377.495

10.097.732

1.279.763

284.700

295.970

-11.270

Tổng

92.153.855

77.655.675

14.498.180

2.300.290

2.292.120

8.170

Trong đó, khối này mua vào 92,15 triệu đơn vị, trị giá 2.300,29 tỷ đồng và bán ra 77,66 triệu đơn vị, trị giá 2.292,12 tỷ đồng.

Nhận định của công ty chứng khoán

Ngưỡng hỗ trợ 570-575 điểm vẫn phát huy tác dụng

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường có tuần giao dịch sụt giảm nhẹ. Tâm điểm trong tuần là phiên thứ 6 khi đây là thời hạn cuối cùng để các quỹ ETF hoàn tất hoạt động mua bán phục vụ cho việc tái cơ cấu danh mục sau lần review gần nhất. Diễn biến thực tế cho thấy giao dịch của khối ngoại không gây nhiều bất ngờ cho thị trường và tương quan cung – cầu khá cân bằng ở các mã được quỹ ETF mua/bán mạnh (điển hình như KDC và KBC). Nhìn chung nhà đầu tư trong nước đã có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như vị thế trước động thái của khối ngoại.

Tuần qua cũng đón nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Sau cuộc họp hai ngày, FED đã quyết định chưa tăng ngay lãi suất trong ngắn hạn do đà hồi phục của kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng do sự mạnh lên của đồng USD và lạm phát chưa đạt mức mục tiêu 2%. Tuy vậy, một kịch bản lãi suất đồng USD sẽ tăng trở lại trong năm nay gần như là chắc chắn, vấn đề chỉ còn là thời điểm chính xác. Về các tin kinh tế trong nước, tỷ giá tăng nhiệt và lạm phát tháng 3 nhiều khả năng sẽ tăng cao trở lại cũng đang phần nào tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, động thái bán ròng của khối ngoại vẫn đang là một ẩn số đối với nhà đầu tư trong nước.

Ngưỡng hỗ trợ 570-575 điểm đối với VnIndex vẫn đang phát huy tác dụng đối với chỉ số này. Nhà đầu tư có thể xem xét bán ra một phần cổ phiếu phục vụ cho hoạt động trading đã mua vào trong các phiên trước khi chỉ số tiếp tục hồi phục. Danh mục trung và dài hạn vẫn được khuyến nghị nắm giữ với trọng tâm tại các mã có KQKD quý I khả quan hoặc nhận được thông tin hỗ trợ từ mùa đại hội cổ đông sắp tới.

VN-Index tiếp tục “thử lửa” tại 575 điểm

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Chỉ số VN-Index tiếp tục “thử lửa” vùng hỗ trợ quanh 575. Đã có những xâm phạm đầu tiên vùng hỗ trợ này nhưng mức độ không lớn và chúng tôi cho rằng cần ít nhất có 1-2 phiên đường giá hoàn toàn nằm dưới vùng 575 để kết luận xu hướng tăng mất hiệu lực.

Thị trưởng sẽ tiếp tục bị thử thách

CTCK BIDV (BSC)

Cho dù các chỉ số phân tích kỹ thuật cho thấy sự tích cực, chúng tôi cho rằng kết quả kỹ thuật có thể bị nhiễu do giao dịch đột biến của các quỹ ETF.

Chúng tôi cho rằng những diễn biến của dòng vốn ngoại không thực sự tích cực trong thời gian tới, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị thử thách.

Nhà đầu tư chưa nên vội vàng quay trở lại thị trường. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi diễn biến của những cổ phiếu cơ bản dự kiến có kết quả kinh doanh quý 1 tốt.

Sẽ quay lại giao dịch ổn định quanh mốc 575-580

CTCK MB (MBS)

Thị trường phiên cuối tuần đã có một phiên đặc biệt sôi động cả về giá và thanh khoản. Đây là phiên giao dịch cuối cùng của kỳ tái cơ cấu danh mục đầu tư các quỹ ETF. Các quỹ tiến hành giao dịch mạnh các mã cổ phiếu trong danh mục của họ, đặc biệt là đợt khớp lệnh ATC làm khối lượng giao dịch tăng đột biến và giá các mã cổ phiếu biến động mạnh.  

Về kỹ thuật, VN-INDEX đã hồi phục kỹ thuật sau khi chạm vùng hỗ trợ mạnh 570-575. Không còn các biến động từ ảnh hưởng của quỹ ETF, thị trường sẽ quay lại giao dịch ổn định quanh mốc 575-580 trong các phiên sắp tới. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng vào cổ phiếu các công ty có lợi nhuận quý 1 khả quan và kế hoạch kinh doanh 2015 được đệ trình trong đại hội đồng cổ đông có triển vọng tốt.

Diễn biến tiếp tục phân hóa

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Một tuần giao dịch ảm đạm tiếp tục diễn ra. Những dư âm từ việc điều chỉnh các mặt hàng đầu vào khá mạnh tay của cơ quan điều hành hay dự thảo đang được lấy ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 210 theo hướng siết chặt hơn nguồn vốn các CTCK có thể được vay tiếp tục phủ bóng đen lên thị trường. Tuần này cũng không có nhiều tin tức đủ sức nặng vực dậy tâm lý của nhà đầu tư nội. Diễn biến tiếp tục tăng giá của đồng USD và phiên mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong ngày cuối cùng của kỳ tái cơ cấu 2 quỹ ETF là 2 nét chấm phá nổi bật nhất của tuần giao dịch.

Quan điểm thận trọng tiếp tục được chúng tôi duy trì, nhất là trong bối cảnh VN-Index đã phá vỡ vùng hỗ trợ cứng trong ngắn hạn và giao dịch khối ngoại đang có những diễn biến tiêu cực. Tuy vậy sự phân hóa sẽ diễn ra. Nhiều mã tốt với thông tin tích cực sẽ vẫn phân hóa đi lên trong bối cảnh mùa họp đại hội cổ đông đang đến gần. Tuy vậy cơ hội sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư nắm bắt được các thông tin sớm, hoạt động mua đuổi sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thị trường hồi phục nhẹ

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tuần qua, thị trường chịu tác động tâm lý liên quan đến dự thảo thông tư 210 và thay đổi Nghị định 58. Rút kinh nghiệm từ thông tư 36, chúng tôi nghĩ rằng việc lượng hóa tác động của chính sách mới này đối với thị trường chứng khoán là rất khó. Tuy nhiên, xét về mặt bản chất, có thể một “cơn đau” trong ngắn hạn sẽ tạo đà để thị trường phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn.

Thị trường có sự hồi phục trở lại với sự cải thiện tích cực nhẹ của một số chỉ báo kỹ thuật nhưng vẫn chưa rõ ràng và cần theo dõi thêm. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục hợp lý.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục