Phát triển thị trường trái phiếu, nhiều nút thắt cần được gỡ

(ĐTCK) Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đánh giá, thị trường trái phiếu năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thị trường này tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi nhà quản lý phải nhanh chóng tháo gỡ, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp sức cho sự phát triển trong năm 2018 và những năm tiếp theo. 
Phát triển thị trường trái phiếu, nhiều nút thắt cần được gỡ

Nhìn lại thị trường trái phiếu 2017, bà thấy có những điểm gì đáng chú ý?

Thị trường trái phiếu trong năm 2017 được đánh giá là hấp dẫn với nhà đầu tư do thanh khoản thị trường dồi dào. Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tích cực thanh khoản thị trường thông qua tăng cường mua vào USD. Các tổ chức tín dụng tiếp tục bán mạnh USD cho Ngân hàng Nhà nước.

Việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cũng góp phần tăng thanh khoản hệ thống, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Đây là điều kiện để nhà đầu tư gia tăng dòng tiền rót vào thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP).

Hiện lợi suất giao dịch trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm chỉ ở quanh mức 4,5%/năm, thấp nhất từ khi thị trường trái phiếu chuyên biệt đi vào vận hành năm 2009. Chi phí vốn thấp cùng kỳ vọng lạm phát trong tương lai ở mức thấp đã kéo lợi suất TPCP giảm mạnh trong thời gian qua.

Một đặc điểm nổi bật khác là trái phiếu có kỳ hạn càng dài thì sức hút với nhà đầu tư càng lớn. Năm 2017, lần đầu tiên ghi nhận Kho bạc Nhà nước phát hành TPCP kỳ hạn 30 năm. Tỷ lệ trúng thầu của kỳ hạn này so với khối lượng gọi thầu đạt trên 79%. Đến hết ngày 13/12/2017, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công gần 160.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 30 năm chiếm 17,41%.

Phát triển thị trường trái phiếu, nhiều nút thắt cần được gỡ ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh. 

Lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm 2,9 điểm phần trăm so với cuối năm 2016. Các ngân hàng thương mại tham gia tích cực hơn vào TPCP kỳ hạn dài, bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống là khối công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư.

Với mục đích cải thiện tính đa dạng về sản phẩm trên thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 10/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 234/2012/TT-BTC hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, mở ra hướng triển khai hai sản phẩm mới là vay trái phiếu để bán và giao dịch bán kết hợp mua lại. Có hiệu lực từ ngày 1/9/2017, Thông tư 10/2017/2017/TT-BTC là tiền đề để tăng cường dòng vốn cho thị trường trái phiếu, thu hút các dòng tiền cả trong và ngoài nước tham gia.

Về cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu, trước đây các ngân hàng là chủ thể chính trên thị trường, năm 2017 thì sao, thưa bà?

Trong 11 tháng đầu năm 2017, kỳ hạn của tất cả các trái phiếu gọi thầu đều từ 5 năm trở lên. Số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, so với năm 2016, kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP đạt 13,8 năm, tăng 5,53 năm so với năm 2016 (bình quân là 8,27 năm).

Trong năm 2017, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến TPCP kỳ hạn dài. Tỷ trọng huy động TPCP kỳ hạn từ 20 - 30 năm đạt xấp xỉ 30% tổng khối lượng phát hành, trong khi năm 2016 chỉ ở mức 10% và năm 2015 là 0%.

Nếu như năm 2015, các ngân hàng thương mại nắm giữ khoảng 77% khối lượng TPCP thì năm 2017, tỷ lệ này giảm còn 55,4%; tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư dài hạn như Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm... tăng lên 44,6%.

Việc gia tăng tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư là một trong những tín hiệu chứng tỏ sự phát triển dần theo chiều sâu của thị trường TPCP Việt Nam. Thông thường, tại các thị trường trái phiếu phát triển, cơ cấu nhà đầu tư tham gia khá cân bằng. Theo đó, tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại thường chiếm khoảng 20 - 30%, còn lại phân bổ tương đối đều cho các nhóm nhà đầu tư khác, đặc biệt là sự tham gia mạnh mẽ của các quỹ đầu tư.

Phát triển thị trường trái phiếu, nhiều nút thắt cần được gỡ ảnh 2

Thời gian tới, TPCP kỳ hạn dài sẽ tiếp tục được phát hành, đáp ứng nhu cầu của khối công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư khác. Điều này sẽ giúp kéo dài kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP, qua đó giảm áp lực trả nợ cho Chính phủ trong ngắn hạn. Các cơ quan quản lý cũng hướng thị trường làm quen dần với các trái phiếu có kỳ hạn dài để tiến tới phát hành TPCP kỳ hạn 50 năm, góp phần tăng tính đa dạng trong cơ cấu nhà đầu tư.

Các thành viên thị trường trái phiếu có gặp khó khăn, vướng mắc gì hay không, thưa bà?

Những khó khăn, vướng mắc mà thị trường trái phiếu, các thành viên đang gặp phải chủ yếu là vướng mắc về pháp lý, do thiếu văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp phép cho các ngân hàng thương mại tham gia sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu như sản phẩm chứng khoán phái sinh, giao dịch tương lai, giao dịch quyền chọn, giao dịch mua bán lại (repo), giao dịch vay TPCP để bán lại, giao dịch bán TPCP kết hợp mua lại (sell/buy back).

Cụ thể, theo Thông tư 234/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, các ngân hàng thương mại là thành viên giao dịch TPCP được thực hiện mua bán TPCP theo hai loại hình giao dịch là giao dịch mua bán thông thường (outright) và giao dịch repo.

Ngày 6/2/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 10/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 234/2012/TT-BTC, có hiệu lực từ 1/9/2017, bổ sung hai loại hình giao dịch TPCP mới là giao dịch vay TPCP để bán và giao dịch bán TPCP kết hợp mua lại. Thế nhưng, cả Thông tư 234/2012/TT-BTC và Thông tư 10/2017/TT-BTC đều không quy định về điều kiện, năng lực mà các thành viên giao dịch là ngân hàng thương mại cần phải đáp ứng để được vay và mua bán TPCP theo hai loại hình giao dịch mới.

Mặt khác, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, một tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện các hoạt động ngân hàng hay hoạt động kinh doanh khác được ghi trong giấy phép hoạt động (bao gồm cả văn bản chấp thuận bổ sung, sửa đổi) do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Đối với các hoạt động kinh doanh chưa được quy định trong giấy phép, tổ chức tín dụng phải xin văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước để có thể thực hiện hoạt động kinh doanh đó (Điều 4.11 và Điều 90). Như vậy, chừng nào chưa có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại chưa thể tham gia các giao dịch vay TPCP để bán và bán TPCP kết hợp mua lại.

Theo bà, ngoài tháo gỡ vướng mắc nêu trên thì đâu là những giải pháp lớn mà cơ quan quản lý nên tập trung triển khai?

Đối với các nhà điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô là giải pháp quan trọng giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh. Để thúc đẩy sự phát triển chuyên nghiệp và sôi động hơn của thị trường trái phiếu trong năm 2018, cần có giải pháp phát triển cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp; phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư...

Chẳng hạn, với thị trường sơ cấp, cần liên tục triển khai các sản phẩm mới, đồng thời phát hành đa dạng kỳ hạn TPCP nhằm thiết lập đường cong lãi suất chuẩn cho các sản phẩm tài chính từ ngắn hạn đến dài hạn.

Trên thị trường thứ cấp, các giải pháp cần được triển khai là cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại sở giao dịch chứng khoán phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, bảo đảm chế độ báo cáo giao dịch kịp thời, chính xác để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn.

Yêu cầu các nhà tạo lập thị trường thực hiện nghĩa vụ chào giá hai chiều (giá mua, giá bán) đối với các mã TPCP tiêu chuẩn nhằm tạo thanh khoản. Tăng cường trách nhiệm của thành viên thị trường thứ cấp trong công tác báo cáo giao dịch. Nghiên cứu xây dựng chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư, qua đó giảm thiểu rủi ro cho thị trường khi quá phụ thuộc vào một nhóm nhà đầu tư. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn vào thị trường trái phiếu thông qua cải thiện hơn nữa chế độ công bố thông tin; cải cách thủ tục hành chính; rà soát, điều chỉnh chính sách thuế và phí giao dịch trái phiếu đối với nhóm nhà đầu tư này.

Bà dự báo gì về diễn biến kinh tế cũng như thị trường trái phiếu năm 2018?

Trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tương tự như năm 2017, nhiều khả năng các chỉ số kinh tế vĩ mô Việt Nam 2018 tiếp tục ở mức khả quan: Tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5 - 6,7%; lạm phát trong tầm kiểm soát, khoảng 3 - 3,5%; tỷ giá biến động không quá 3%; mặt bằng lãi suất ổn định, dao động trong biên độ hẹp; tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18%.

Diễn biến thị trường TPCP trong năm 2018 sẽ phụ thuộc vào xu hướng biến động lãi suất VND, chịu ảnh hưởng của định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và diễn biến kinh tế thế giới. Xét các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng, tình hình nợ xấu cần thời gian để giải quyết, cùng nhu cầu đi vay của Chính phủ thông qua phát hành TPCP vẫn ở mức cao, thì khả năng giảm thêm lãi suất VND là khó.

Mức lợi suất của TPCP đang tiệm cận với lãi suất huy động trên thị trường 1 của các ngân hàng và được xem như ở vùng đáy của thị trường trong nhiều thập kỷ qua. Do vậy, sẽ khó có cơ hội để lợi suất tiếp tục giảm sâu trong năm 2018 như diễn biến của năm 2017.

Vai trò của Bảo hiểm Xã hội sẽ là một nhân tố quan trọng tham gia điều tiết cung - cầu của thị trường trái phiếu với tư cách của một thành viên tham gia đấu thầu cạnh tranh. Nếu Chính phủ kiểm soát được lạm phát trong năm 2018 như năm 2017 thì lợi suất TPCP sẽ khó có biến động mạnh. Như vậy, nếu không xuất hiện các biến số vĩ mô có tính chất cực đoan, thì lợi suất TPCP trong năm 2018 sẽ có xu hướng ổn định, lãi suất dao động trong biên độ hẹp và chủ yếu có diễn biến đi ngang. 

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục