Phát triển thị trường trái phiếu chung của APEC, tại sao không?

(ĐTCK) Tháng 11 này, hơn 10.000 đại biểu cấp cao đến từ 21 nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Trong số những vấn đề về hợp tác kinh tế sẽ được thảo luận tại Diễn đàn, không thể không nhắc đến việc các thành viên APEC nên cùng nhau phát triển thị trường tài chính như thế nào, đặc biệt là sản phẩm trái phiếu.
Phát triển thị trường trái phiếu chung của APEC, tại sao không?

Tiềm năng đang ngủ quên

Trước hết, phải nhấn mạnh rằng, APEC 2017 là cơ hội rất tốt để Việt Nam thể hiện mong muốn hội nhập quốc tế của mình thông qua vai trò chủ nhà. Việc hội nhập kinh tế thế giới không chỉ thể hiện qua hoạt động tăng cường thương mại hay đưa ra chính sách mới, mà còn qua việc tạo điều kiện thuận lợi để dòng vốn đầu tư được luân chuyển thuận lợi qua các thị trường trong APEC. Đây chính là lý do việc phát triển thị trường tài chính nên là một chủ đề quan trọng trong các cuộc hội đàm tại APEC năm nay. 

Nhiều nền kinh tế trong APEC đang đối mặt với những thách thức kinh tế, một trong số đó là khó khăn trong việc phát triển thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu, có khả năng cung cấp đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Nhiều nền kinh tế đã có những bước đi đầu tiên để xây dựng thị trường cổ phiếu, sau khi chứng kiến các thành viên khác trong APEC phát triển kinh tế bền vững thông qua việc gọi vốn trên sàn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, so với cổ phiếu, thị trường trái phiếu đang bị bỏ ngỏ, trong khi trái phiếu rất có tiềm năng trở thành nguồn cung vốn rất lớn cho các doanh nghiệp.    

Cụ thể, sau hai thập niên, Việt Nam đã có một thị trường cổ phiếu năng động với mức vốn hóa đạt 53% so với GDP thời điểm tháng 6/2017. Năm nay, chỉ số VN-Index đã đạt đỉnh 10 năm, mức hoàn vốn cao kỷ lục là 23%. Số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng mạnh và sẽ tiếp tục xu hướng này trong thời gian tới. Gần đây nhất, thị trường chứng khoán phái sinh cũng vừa được ra mắt.

Nhờ những cột mốc tăng trưởng ấn tượng này, các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước đều rất hào hứng nói về tiềm năng của cổ phiếu Việt Nam. Ngược lại, họ lại không mấy khi đề cập đến trái phiếu, vì thực ra, thị trường trái phiếu Việt Nam không có nhiều loại trái phiếu để họ lựa chọn, ngoại trừ trái phiếu chính phủ. Một số nhà đầu tư đang kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm bắt tay “đánh thức” thị trường đang ngủ quên này, biến trái phiếu trở thành bạn đồng hành đắc lực cho thị trường cổ phiếu đang phát triển tốt.  

 TS. Chris Kamm, Chủ tịch Quỹ đầu tư Kamm Investment Inc tại TP.HCM.

Vì thị trường trái phiếu kém phát triển, nên các doanh nghiệp tại các nền kinh tế đang phát triển phải sống nhờ vào vốn vay ngân hàng, dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nhiều chuyên gia tin rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 một phần bắt nguồn từ việc các ngân hàng tại Thái Lan “vung tay” cho các doanh nghiệp vay nợ, vì họ không thể vay bằng trái phiếu. Có thể thấy rõ, thị trường trái phiếu, nơi mà lãi suất được thị trường tự do định đoạt, sẽ giảm gánh nặng cho ngành ngân hàng, giúp “bóng ma” nợ xấu không còn ám ảnh doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đối với các nhà đầu tư quốc tế, họ thường thích đổ vốn vào nền kinh tế nào có các cơ hội đầu tư đa dạng, với mức độ rủi ro khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư. Thị trường trái phiếu ít có “sóng” đầu cơ hơn cổ phiếu, nên thường ít rủi ro hơn và ổn định hơn hẳn. Điều này không chỉ giúp các nhà đầu tư san sẻ rủi ro, mà còn giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn lâu dài, yên tâm thực hiện các kế hoạch kinh doanh mà không cần phải lo lắng đi vay ngân hàng hay gọi vốn qua sàn.

Nói về dài hạn, các doanh nghiệp có đủ vốn làm ăn sẽ tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, giúp nền kinh tế tăng trưởng và người dân quốc gia đó có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn. Đây chính là mục tiêu lâu dài của tất cả thành viên APEC. 

Biến khó khăn thành cơ hội

Có thể nói, việc xây dựng thị trường trái phiếu năng động, đa dạng sản phẩm là rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của bất kỳ nền kinh tế quốc gia nào. Tuy nhiên, thách thức còn rất nhiều trước mắt.

Thị trường trái phiếu đòi hỏi một nền tảng pháp lý vững chắc, tiêu chuẩn kế toán ngặt nghèo và các thủ tục minh bạch. Đây là một thách thức lớn cho các nền kinh tế đang phát triển, vì nhiều nền kinh tế thậm chí còn chưa xây dựng khung pháp lý cho sản phẩm trái phiếu.

Ngoài ra, một số nền kinh tế chưa đạt đến giai đoạn phát triển phù hợp để khai mở thị trường trái phiếu, đồng thời còn thiếu nhiều nguồn lực lẫn cam kết từ nhiều phía để có thể hỗ trợ thị trường này về lâu dài.

Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, đây cũng là cơ hội hợp tác lớn giữa các thành viên trong APEC. Các thành viên có thể thảo luận về việc xây dựng một thị trường trái phiếu chung, cho phép tất cả các nền kinh tế thành viên cùng tham gia.

Có rất nhiều cơ hội sẽ được mở ra nếu như các thành viên chung sức xây dựng được thị trường này. Cụ thể, đa phần các nền kinh tế APEC có nhu cầu rất lớn trong việc gọi vốn nước ngoài để phát triển kinh tế và việc hợp tác sâu rộng thành một khối thống nhất sẽ giúp APEC tăng độ hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư toàn cầu. Khi đó, từng nền kinh tế sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc gọi vốn. Một gợi ý liên quan là thành lập các quỹ trái phiếu vùng, giúp các doanh nghiệp trong một vùng cùng thu hút nguồn vốn dễ dàng hơn.

Điều quan trọng là các nền kinh tế APEC phải cùng tuân thủ một bộ quy tắc ngặt nghèo cho thị trường trái phiếu chung, trong đó có yêu cầu thành lập một công ty đánh giá tín dụng độc lập theo vùng. Việc này sẽ giúp tăng độ minh bạch của thị trường, xây dựng niềm tin trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. 

Đương nhiên, sẽ có nhiều trở ngại ban đầu vì sự “lệch pha” lớn trong trình độ phát triển kinh tế giữa các thành viên: một số nền kinh tế phát triển như Singapore có đầy đủ cả thị trường trái phiếu lẫn cổ phiếu, còn một số nền kinh tế khác thì chưa xây dựng được thị trường nào cả.   

Vì thế, việc cùng nhau tạo lập thị trường trái phiếu chung sẽ không là việc của ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình dài hơi. Nếu muốn cùng nhau phát triển nền kinh tế chung và tăng cường hợp tác lâu dài cho cả khối APEC, các thành viên cần sẵn sàng chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm cho nhau, hỗ trợ nhau từng bước phát triển.

Nói tóm lại, tôi rất hy vọng việc phát triển thị trường trái phiếu sẽ là một chủ đề được bàn luận cụ thể tại Tuần lễ Cấp cao APEC lần này tại Đà Nẵng, đề ra những bước tiến quan trọng cho tiềm năng hợp tác kinh tế sâu rộng giữa các nền kinh tế thành viên. 

Bài viết này được đăng trên Đặc san APEC 2017 do Báo Đầu tư thực hiện tháng 11/2017 

TS. Chris Kamm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục