Ông nói cơ chế, chính sách đã tương đối đầy đủ, vậy đó là những cơ chế, chính sách nào?
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã năm 2012, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và ban hành các văn bản cần thiết thi hành như Nghị định 193/2013/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT quy định về tham gia bảo hiểm cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã (HTX); các chính sách thuế ưu đãi; chính sách tín dụng cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản; hỗ trợ xúc tiến thương mại; chế độ quản lý tài chính…
Đặc biệt là Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 2261/QĐ-TTg vào cuối năm 2014.
Như vậy, về cơ chế, chính sách đã tương đối đầy đủ, nhưng hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác vẫn khá èo uột?
Tính đến cuối năm 2014, cả nước có trên 17.600 HTX, tăng khoảng 300 đơn vị so với năm 2013. Tổng doanh thu đạt 26.400 tỷ đồng, tăng 2.460 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.410 tỷ đồng, tăng 0,7% so với năm 2013. Số liệu này cho thấy, so với khu vực doanh nghiệp, kinh tế hợp tác còn lép vế. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, phải tới ngày 1/7/2013, Luật HTX năm 2012 mới có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách cũng chỉ được hoàn thiện dần trong thời gian gần đây.
Điều đáng nói là, năm 2013, đóng góp của khu vực kinh tế này vào GDP đã đạt 5,05%. Mặc dù tăng không đáng kể so với mức 5% của năm 2012, nhưng đây là năm đầu tiên, mức độ đóng góp của mô hình kinh tế này vào GDP tăng sau gần 20 năm sụt giảm liên tục. Năm 2014, mức độ đóng góp của kinh tế hợp tác vào GDP tiếp tục tăng lên 5,06% và năm 2015, con số này dự kiến đạt 5,08%.
Đúng là đóng góp vào GDP không lớn, nhưng kinh tế hợp tác đóng góp đáng kể vào giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Cụ thể, năm 2014, tổng số thành viên tham gia HTX là 6.646.700 người, tăng 196.300 thành viên; tổng số lao động làm việc thường xuyên cho khu vực kinh tế này là 1.585.400 người, tăng 57.500 người so với năm 2013.
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đặt vấn đề: “Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ” để phát triển kinh tế hợp tác. Vậy cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể là gì?
Giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế HTX trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2020, các HTX (bao gồm cả quỹ tín dụng nhân dân và liên hiệp HTX thành lập, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc và quy định của Luật HTX năm 2012) được ngân sách nhà nước hỗ trợ trong việc bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới; thành lập mới, tổ chức lại hoạt động.
Đối với HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi trên, còn được hỗ trợđầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chế biến sản phẩm; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Vấn đề quan trọng nhất là làm sao thuyết phục được người dân tự nguyện tham gia kinh tế hợp tác thì các cơ chế, chính sách trên mới đi vào cuộc sống, thưa ông?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, ngoài cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giải thích, thuyết phục người dân tham gia kinh tế hợp tác bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.
Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền bằng hệ thống đài phát thanh, truyền thanh địa phương; phổ biến, tuyên truyền qua các lớp học, hội nghị, tọa đàm, giao lưu, trao đổi dưới mọi hình thức, chúng tôi đang xúc tiến xây dựng 2 bộ phim truyền hình dài tập, hấp dẫn về nội dung này để người dân thấy rằng, nếu cứ tiếp tục làm ăn nhỏ lẻ, trong cơ chế thị trường, họ luôn là người bị thua thiệt, hiệu quả lao động thấp, đời sống vật chất, tinh thần khó có thể được cải thiện…
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hoàn thiện Đề án Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đối với 3 sản phẩm trọng điểm của khu vực này là lúa gạo, trái cây và thủy sản ở quy mô cấp tỉnh và cấp vùng. Mô hình thí điểm nếu thành công sẽ được nhân rộng ra nhiều sản phẩm khác và tiến hành thực hiện đại trà trên cả nước. Khi đó, kinh tế hợp tác sẽ trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế.