Đây là báo cáo được thực hiện bởi một nhóm các chuyên gia kinh tế độc lập đến từ Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) phối hợp với Viện Friedrich-Naumann Việt Nam dưới sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumman Vietnam, nhằm đánh giá mức độ phát triển và tự do của nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay.
Để đánh giá mức độ phát triển tổng thể, cũng như các lĩnh vực cấu thành nền kinh tế thị trường Việt Nam, báo cáo sử dụng hệ thống các tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tham khảo nền tảng lý thuyết và các phương pháp đánh giá của các tổ chức nước ngoài như Quỹ Di sản thế giới (Heritage Foundation), Viện Fraser, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), World Bank...
Căn cứ vào các văn bản pháp luật, các chính sách và số liệu thống kê liên quan trong từng thời kỳ, nhóm chuyên gia đưa ra các nhận định về mức độ tự do và phát triển của thị trường theo từng tiêu chí thuộc từng lĩnh vực cấu thành nền kinh tế thị trường.
Theo nhóm chuyên gia, việc thực hiện báo cáo nhằm mục tiêu đưa ra một đánh giá độc lập với Chính phủ về mức độ phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam, từ tổng thể nền kinh tế cho đến những lĩnh vực và thị trường chủ chốt.
Với những đánh giá này, nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo kỳ vọng đưa ra một bức tranh tương đối toàn diện về sự hiện diện của cơ chế thị trường tại Việt Nam.
Đây là cơ sở để xây dựng các chính sách hoàn thiện cơ chế thị trường tại Việt Nam trong những năm tới.
Báo cáo cũng có thể sẽ là nguồn tham khảo bổ ích để Chính phủ tham gia đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế, cũng như thuyết phục các quốc gia còn lại công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam.
Tính đến cuối 2014, đã có 56 quốc gia công nhận quy chế thị trường tại Việt Nam. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, đa số các nước thuộc liên minh châu Âu, Canada, Mexico.. vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.