Theo kết quả nghiên cứu, hiện cả nước còn khoảng 800 DNNN, trong đó có 108 đơn vị chủ lực bao gồm các tập đoàn, tổng công ty lớn và nắm giữ phần lớn nguồn vốn, nguồn lực vật chất của Nhà nước để tồn tại, phát triển.
Khu vực này nắm giữ tổng khối tài sản lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 80% GDP, trong đó phần lớn nguồn lực tập trung vào 8 tập đoàn kinh tế lớn. Các DN này được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế, chính sách như: ưu tiên trong tiếp cận và sử dụng mặt bằng sản xuất - kinh doanh, vay vốn, cấp vốn từ các ngân hàng trong nước cũng như sử dụng phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ…
Với việc được hưởng những ưu đãi lớn như vậy, đến nay khu vực DNNN vẫn đang thống lĩnh hoặc chi phối nhiều lĩnh vực, ngành hàng quan trọng như: điện, nước, nhiên liệu, khoáng sản, viễn thông, đường sắt…
Trong khi đó, DN tư nhân không có cơ hội hoặc không thể tham gia và cạnh tranh bình đẳng với DNNN vì thiếu nguồn lực, điều kiện hỗ trợ. Ngoài việc bị vướng rào cản bởi các điều kiện kinh doanh, các lĩnh vực trên đã có sẵn DNNN lớn chiếm lĩnh thị trường, khiến DN khác khó có thể cạnh tranh sòng phẳng.
Cũng theo báo cáo, DNNN luôn được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012, DNNN chiếm dưới 1% về số lượng nhưng nắm giữ tới 37% nợ phải trả của toàn bộ DN Việt Nam.
Còn theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, tổng nợ phải trả năm 2013 của 796 DN 100% vốn nhà nước là hơn 1,723 triệu tỷ đồng (tương đương 48% GDP); riêng 108 tập đoàn, tổng công ty là hơn 1,514 triệu tỷ đồng (42% GDP).
Theo ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng ban cải cách và phát triển DN (CIEM), Trưởng nhóm nghiên cứu, con số nợ này là rất lớn. Nếu theo thông lệ quốc tế, tính nợ công bao gồm cả nợ của DNNN thì con số nợ công hiện tại tăng gấp đôi.
Ở đây, điều đáng quan ngại mà báo cáo chỉ ra là nhiều tập đoàn, tổng công ty đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, trong khi rủi ro phá sản, giải thể vẫn hiện hữu nhưng vẫn được các ngân hàng hết sức ưu ái.
“Các ngân hàng nghĩ rằng, Nhà nước sẽ đảm nhận trách nhiệm đối với các khoản nợ khi DNNN gặp khó khăn hoặc rơi vào tình trạng có thể phải giải thể, phá sản”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, DNNN được ưu tiên tiếp cận vốn vay và đất đai, được cấp vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhưng DNNN không phải tính đúng, tính đủ chi phí theo chế độ hạch toán hiện hành, làm sai lệch quan hệ cạnh tranh bằng giá cả, cơ chế định giá của nhiều DNNN làm méo mó thị trường.
Luật Cạnh tranh thực tế cũng hầu như không có hiệu lực với DNNN, bởi khu vực này dường như rất dễ dàng không tuân thủ kỷ luật tài chính, không chịu áp lực cổ tức. Khi không trả được nợ vay hay không đóng thuế thì dễ dàng được giãn, được khoanh, thậm chí được được miễn, đảo…
Đáng lo ngại hơn, theo nghiên cứu của CIEM, nhiều DNNN thời gian qua đã đầu tư, mua sắm và chi tiêu không hiệu quả, không đúng quy định, gây thất thoát, lãng phí vốn và tài sản nhà nước.
Đặc biệt, tình trạng DNNN không chấp hành nghiêm quy định về hạn mức huy động vốn, dẫn tới nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính, nguy cơ đổ vỡ cao. Nhiều trường hợp cho thấy rõ hiện trạng này như quy định DN không được huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, nhưng trong năm 2013, có tới 41/108 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng thực tế giữa DNNN và khối DN khác còn thể hiện rõ ở tình trạng các văn bản áp dụng riêng cho DNNN, không có sự phân định rạch ròi giữa pháp luật chung và quy định riêng của chủ sở hữu đối với DNNN, tạo ra nhận thức chung của xã hội là pháp luật ưu tiên cho DNNN.
Theo kết quả rà soát của nhóm nghiên cứu, chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có khoảng 22 văn bản cho phép ngân hàng được cung cấp tín dụng vượt giới hạn cho các dự án của DN, trong đó có tới 21 văn bản là cho phép cung cấp tín dụng vượt giới hạn của DNNN như các dự án của Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN)…
Đánh giá về tình trạng này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án nghiên cứu cho rằng, chính những khác biệt trong đối xử đã gây ra sự méo mó thị trường, làm cho thị trường cạnh tranh không công bằng, phát ra những tín hiệu sai lệch khiến cho nguồn lực cũng bị phân bổ sai lệch.
Đây chính là căn nguyên sâu xa dẫn tới sự phát triển kém hiệu quả và chưa tuân theo quy luật thị trường đầy đủ của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Nguyên nhân gốc rễ, theo ông Cung, là do mục đích tồn tại của DNNN cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng, nên “nếu thành công cũng không xác định là của ai, nếu thất bại cũng không ai chịu trách nhiệm. Do đó, cần để cho DNNN yếu kém phải bị đào thải bằng cách phá sản, cổ phần hóa DNNN cần đi vào thực chất, tư nhân tham gia nhiều hơn vào DN. Chỉ khi tư nhân vào thì ưu đãi, đặc quyền đặc lợi mới bỏ được. Còn nếu Nhà nước vẫn nắm phần lớn cổ phần, thì vẫn chỉ là bình mới rượu cũ”.
TS. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng CIEM cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, những hệ lụy và nguyên nhân tồn tại của khu vực DNNN “không phải người ta không biết, mà là chưa muốn giải quyết”. Theo ông Bá, nếu cứ bình bình như hiện nay mà không có giải pháp nào thì 10 - 15 năm nữa, DNNN vẫn không thoát khỏi tình trạng này.
“Sự bao bọc quá mức làm cho DNNN không có động lực phát triển” Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế Giải quyết các vấn đề về DNNN đang là câu chuyện hết sức nóng mà xã hội quan tâm, là yêu cầu bức bách của cuộc cải cách lần thứ 2 và áp lực của hội nhập lần 2 với những yêu cầu cao hơn. Riêng về những “bệnh trạng” của DNNN thì không ai chối cãi được là DNNN đã và đang làm méo mó thị trường. Đối với bản thân DNNN, hệ lụy có thể thấy rõ là sự bao bọc quá mức làm cho DNNN không có động lực, áp lực, và không có cả năng lực để có thể phát triển được trong nền kinh tế thị trường thực thụ. Còn hệ lụy chung là khiến nền kinh tế đất nước rơi vào tình trạng bảo hộ quá mức, khó cạnh tranh được với các nền kinh tế khác trên thế giới, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay. Ở các nước, chủ yếu bảo hộ cho nông dân yếu thế, nhưng ở Việt Nam lại bảo hộ cho lực lượng mạnh nhất, lớn nhất thì gây méo mó thị trường là hệ quả tất yếu. Điều này cũng giải thích tại sao nền kinh tế thị trường tại Việt Nam vẫn nửa vời. Nếu vẫn cứ duy trì tình trạng này thì tới năm 2018, dù WTO có bỏ quy chế phi thị trường thì Việt Nam thực tế vẫn không có thị trường đầy đủ, tự mình kìm hãm mình. Đối với khu vực kinh tế tư nhân và FDI cũng vậy, nó tạo ra một chuỗi đòi hỏi đáng lo ngại về sự đối xử. Hiện nay, nhiều DN FDI đòi đối xử như DNNN, nên sau ưu đãi DNNN thì phải ưu đãi cho DN FDI. Cuối cùng, khối DN tư nhân trong nước, nông dân bị chèn lấn không biết phải làm sao để phát triển lớn mạnh. Ngoài ra, còn nhiều hệ lụy khác nghiêm trọng đối với các lĩnh vực khác như tái cấu trúc ngân hàng, sở hữu chéo, hệ lụy lãng phí, tham nhũng... Tuy nhiên, lo DN chỉ là một phần, cái mà tôi lo ngại nhất hiện nay là thể chế, vì DN cá biệt không cạnh tranh được thì chết, đó là quy luật bình thường. Nhưng vấn đề thể chế tác động tới toàn bộ nền kinh tế và nền tảng quốc gia, vượt khỏi tầm DN làm được, kể cả DNNN cũng vậy. Có DNNN muốn thay đổi, nhưng vướng hàng loạt thể chế nên họ không cựa được, nên đây là đòi hỏi lớn, nếu không thay đổi được thì Việt Nam khó vượt qua nguy cơ “cái bẫy” thu nhập trung bình. |
“DNNN cần công khai thông tin như các DN niêm yết trên TTCK” TS. Đinh Tuấn Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội Nếu khu vực nào DN tư nhân hiện diện và hoạt động hiệu quả thì nên cổ phần hóa toàn bộ DNNN, không cần hiện diện của DNNN, còn nhóm ngành mà DNNN chiếm đa số, tư nhân còn yếu, thì nên định hướng cổ phần hóa, phân tách DNNN để đưa tư nhân vào. Đối với ngành nghề thuần túy công ích, sự hiện diện của DNNN là cần thiết thì cần có cấu trúc quản trị khác để đảm bảo tích công ích của DN đó. Hiện nay, có một thực tế là quy mô và tỷ trọng DNNN quá lớn, nên khó có cách nào quản trị hiệu quả. Ở Việt Nam, tổng tài sản DNNN chiếm tới 80% GDP còn các nước OECD thì ngược lại chỉ có 15% GDP, điều đó cho thấy sự bất cân xứng và bất hợp lý trong cơ cấu tỷ trọng DNNN trong nền kinh tế thị trường. Theo tôi, cách quản trị hiệu quả hiện nay nên bắt đầu bằng việc giảm quy mô và tỷ trọng DNNN xuống chỉ còn khoảng 25% GDP, khi đó sẽ có mô hình quản trị phù hợp với từng nhóm ngành. Còn với tình trạng hiện nay thì điều duy nhất dường như có thể làm được để nâng cao tính hiệu quả, là minh bạch thông tin, là công bố báo cáo tài chính, quản trị như báo cáo tài chính như các DN niêm yết trên TTCK để giúp nâng cao chất lượng quản trị hơn. |