4 tháng, cổ phần hóa được 33 DN
Theo cập nhật của Chính phủ, đến nay, toàn bộ 289 DN nằm trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2015 đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa. Đến cuối tháng 4/2015, có 134 DN đang tiến hành xác định giá trị DN; 53 DN đã có quyết định công bố giá trị DN; 33 DN đã phê duyệt phương án cổ phần hóa; 3 DN được bán, giải thể, sáp nhập.
Với kết quả như trên, thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt yêu cầu.
Như vậy, hơn 33% quỹ thời gian của năm 2015 đã trôi qua, nhưng kế hoạch cổ phần hóa mới hoàn thành được hơn 10%. Điều này đồng nghĩa với quỹ thời gian chưa đầy 6 tháng còn lại của năm nay, để hoàn thành cổ phần hóa gần 260 DN thì phải có yếu tố đột biến. Nếu vẫn với cách thức và tiến độ triển khai như thời gian qua, thì mục tiêu mà Chính phủ đang theo đuổi là phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 DN đề ra cho năm nay rất khó cán đích.
Thực ra, diễn tiến chậm của quá trình cổ phần hóa không phải là bất ngờ, bởi trong bối cảnh TTCK thanh khoản kém, chưa có các giải pháp đủ mạnh để cải thiện sức cầu cho thị trường, thì việc hấp thụ một lượng lớn cổ phiếu trong thời gian ngắn là rất khó khăn. Mặt khác, việc khắc phục những hạn chế này cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và phải có thời gian, đơn cử như giải pháp nới room, bán đấu giá cổ phần trọn lô..., nên nỗ lực cải thiện sức cầu để góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa chưa dễ mang lại hiệu quả trong ngắn hạn.
Đang tính tới ”liệu pháp đổi tên”
Thực tế trên đang đòi hỏi, để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 289 DN trong năm nay, không thể không triển khai các giải pháp mang tính đột phá. Là đơn vị tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang tính toán giải pháp kỹ thuật để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cơ chế chuyển DNNN sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với sự tham gia của các cổ đông là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); tổ chức công đoàn, người lao động tại DN...
Sở dĩ phải áp dụng giải pháp kỹ thuật trên, theo Bộ Tài chính, là bởi nếu tiến hành cách thức cổ phần hóa theo những gì lâu nay vẫn làm, thì khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 DN, vì sức cầu trên thị trường còn hạn chế, không thể hấp thụ được lượng cổ phần chào bán ra thị trường tăng mạnh trong thời gian ngắn.
Câu hỏi đặt ra là nếu áp dụng giải pháp trên, thì về bản chất chỉ là cổ phần hóa theo kiểu “bình mới rượu cũ”, vì các cổ đông SCIC, hay tổ chức công đoàn và người lao động đều là những yếu tố bên trong, mang tính Nhà nước, chứ không hề xuất hiện các nhân tố bên ngoài mang tính thị trường. Nghĩa là nếu áp dụng kỹ thuật cổ phần hóa theo cách này, thì có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa về số lượng, nhưng về chất thì không thể nói là đạt yêu cầu.
Thừa nhận hạn chế này, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, bù lại giải pháp này sẽ giúp kế hoạch cổ phần hóa cán đích, đồng thời phù hợp với bối cảnh sức cầu của thị trường còn yếu. Không thể bán đổ bán tháo DN để đạt mục tiêu về số lượng cổ phần hóa. Yêu cầu về tiến độ cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tài sản nhà nước phải được bán với giá tốt, minh bạch, hậu cổ phần hóa phải tạo được sự thay đổi về quản trị, hiệu quả làm ăn tại DN.
Trả lời câu hỏi các công ty cổ phần được hình thành bằng biện pháp “đổi tên” sẽ tồn tại dưới “vỏ” công ty cổ phần trong thời hạn bao lâu, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu cơ chế theo hướng trong thời gian tối đa một năm kể từ thời điểm chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước, ban chỉ đạo cổ phần hóa cũng như lãnh đạo DN phải có trách nhiệm tìm kiếm cổ đông chiến lược, cũng như các cổ đông khác, để triển khai phương án thoái vốn Nhà nước. Quá trình này tới đây sẽ diễn ra thuận lợi hơn, do một số cơ chế mới sắp được áp dụng như: bán đấu giá cổ phần trọn lô, nới room cho NĐT nước ngoài...