"Tranh cãi" về hiệu quả làm ăn của DNNN
Chủ trì Hội thảo vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế - kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức sáng nay (4/3), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặt vấn đề, hơn 20 năm qua, Việt Nam không ngừng cải cách DNNN, nên số lượng DNNN trong thập kỷ những năm 90 khoảng 12.000 DN, hiện giảm còn 800 DN mà Nhà nước còn nắm giữ 100% vốn, còn lại CPH ở các mức độ khác nhau.
Bộ trưởng cho biết thêm, DNNN đang được giao quản lý khối tài sản hết sức lớn, trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước là 1,1 triệu tỷ đồng. Đang chi phối nhiều lĩnh vực, nhưng hiệu quả hoạt động của DNNN, nhất là các DN mà Nhà nước nắm 100% vốn đang còn nhiều tranh cãi, vai trò của DNNN trong nền kinh tế thế nào?
“Chúng ta đã tổ chức nhiều hội thảo có chủ đề tương tự, nhưng điểm khác biệt của hội thảo hôm nay là có sự xuất hiện của gương mặt mới, đó là cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair, cũng như những cộng sự của ông tại Văn phòng Tony Blair đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2013 đến nay…”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Bộ trưởng cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối hợp tác với Văn phòng Tony Blair. Trên cơ sở đặt hàng của Bộ, hôm nay, ông Tony Blair, cũng như các cộng sự của ông chia sẻ kinh nghiệm cải cách, CPH DNNN trên thế giới, trong đó có diễn ra ở Anh, Nhật Bản, Ba Lan… Từ đó soi chiếu vào điều kiện thực tế của Việt Nam, để đưa ra những tư vấn, khuyến nghị mà Việt Nam cần ưu tiên triển khai trong thời gian tới, để thúc đẩy cải cách DNNN, xác định rõ vai trò mới của DNNN trong nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, quá trình CPH DNNN được tiến hành trong suốt hơn 20 năm qua, đã mang lại những thành công, nhất là xét về mặt số lượng. Tuy nhiên, đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. Đó là tỷ trọng cổ phần bán ra bên ngoài ở các DNNN đã CPH còn rất thấp. Thậm chí có những tập đoàn lớn, sau CPH, nhà nước còn nắm tới 95% cổ phần. Với những trường hợp này, nếu coi CPH là xong mọi chuyện, thì có ổn không, khi điều này không tạo ra sự thay đổi về nhân sự, quản trị DN, đánh giá hiệu quả kinh doanh thế nào…?
“Với những DN đã CPH, nhưng chỉ có 5-7% cổ phần được bán ra bên ngoài, còn lại nhà nước nắm cổ phần tuyệt đại đa số, nhưng các DN lại chịu sự quản lý, điều hành tương tự như DN tư nhân, nên đang tạo kẽ hở nguy hiểm, ta có nhiều bài học trả giá... Vậy tới đây, vai trò của DNNN nên như thế nào”, Bộ trưởng Vinh đặt vấn đề để các chuyên gia dự hội thảo tập trung mổ xé.
“Cải cách DNNN, gặp phản đối là tất yếu…”
Với kinh nghiệm 10 năm làm Thủ tướng Anh, cũng như đang tư vấn chính sách cho 20 chính phủ trên thế giới, cựu Thủ tướng Tony Blair chia sẻ: “Khi tôi còn làm Thủ tướng Anh, khi đặt vấn đề cải cách DNNN, thì nhiều đối tượng, trong đó có người lao động phản đối rất ghê gớm, vì họ cho rằng làm việc ở DNNN thì yên ổn hơn. Tuy nhiên, sau thời gian tư nhân hóa DNNN mang lại những lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, người lao động, thì những phản đối dần biến mất…”.
Theo ông Tony Blair, kinh nghiệm ở Anh, cũng như nhiều nước cho thấy, khi thực hiện một cải cách mà không có sự cản trở, phản đối, thậm chí… la hét, thì cải cách đó là kém, phải xem lại. Vì liều lượng cải cách như vậy là chưa tới “độ” cần thiết…
“Khi còn làm Thủ tướng, tôi đề xuất phương án cải cách hệ thống lưu hương và nhận được nhiều lời khen. Tôi lập tức rà soát kỹ lại chương trình cải cách này và nhận thấy hóa ra chưa cải cách gì đáng kể. Cải cách đối mặt với phản đối là tất yếu…”, ông Tony Blair chiêm nghiệm và chia sẻ thêm, những ngành gắn với nhu cầu thiết yếu của người dân như điện, nước, đúng là quá trình tư nhân hóa các DN hoạt động trong những lĩnh vực này thường diễn ra nhiều tranh luận. Bài học kinh nghiệm ở đây là vai trò của Nhà nước cần thay đổi từ vị trí sở hữu DN sang vai trò điều tiết DN bằng hệ thống pháp luật.
“Khu vực nhà nước chậm thay đổi lắm. Thực tế chỉ ra rất ít những sáng tạo mới trong nền kinh tế thế giới trong vòng nửa thế kỷ qua xuất phát từ khu vực nhà nước. Kinh nghiệm trên thế giới đã chứng minh vai trò của chính phủ là hoạch định chiến lược, kiến tạo môi trường phát triển, chứ không phải là người quản lý DNNN tốt…”, ông Tony Blair nói và khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam nên thúc đẩy cải cách DNNN trong thời gian tới, bản thân DNNN không thể tự tạo ra sự thay đổi, mà cần có sự hợp tác công- tư, với khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Qua kinh nghiệm 10 năm là Thủ tướng Anh, ông Tony Blair rút ra 2 bài học quan trọng về quản lý nhà nước.
Thứ nhất, điều khó nhất đối với một chính phủ là nhận được những ý tưởng tốt và thực hiện được những ý tưởng đó. Nhiều người có ý tưởng hay nhưng không thực hiện được.
Thứ hai, những cải cách đều khó khăn cả. Khi đề ra cải cách bao giờ cũng có sự kháng cự, cản trợ và rất khó thực hiện, nên phải sẵn sàng đối mặt và vượt qua.
Một quốc gia muốn phát triển, theo ông Tony Blair thì phải có cải cách. Trong 30 năm qua, các nước áp dụng 2 nguyên tắc: cởi mở hơn với thế giới, sở hữu nhà nước ít hơn, thì mang lại hiệu quả tốt hơn cho nền kinh tế, cũng như lợi ích cho người dân so với các các nước không làm như vậy.
“Có người hỏi tôi về hưu rồi sao không đi đánh golf, hay ngồi ở nhà xem đá bóng có phải hay hơn không. Tôi nghĩ, thế giới đang chứng kiến nhiều sự thay đổi, nên từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy việc chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn cho các chính phủ, các DN là một cách làm để đóng góp vào sự phát triển hoà bình, thịnh vượng hơn của thế giới. Với tôi điều đó thú vị hơn đi đánh golf…”, ông Tony Blair kết thúc phần chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc hợp tác giữa Văn phòng Tony Blair với Việt Nam diễn ra từ năm 2012, khi đó ông Tony Blair có nhiều cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối hợp tác giữa Việt Nam và Văn phòng Tony Blair. Việc hợp tác này được hai bên ký kết từ 2013.
Đầu 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện cho Chính phủ Việt Nam và Văn phòng Tony Blair đã ký kết hợp tác nghiên cứu nhiều nội dung, trong đó có 3 mảng chính: cải cách DNNN; hợp tác công tư (PPP); cải thiện chất lượng thu hút vốn FDI.
Trong 1 năm qua, Văn phòng Tony Blair đã phối hợp với nhiều bộ, ngành của Việt Nam, đặc biệt là với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cải cách thể chế ở Việt Nam thông qua tham gia trực tiếp vào xây dựng Nghị định 15/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất với Văn phòng Tony Blair rằng trong năm nay sẽ đưa ra những sản phẩm nghiên cứu, khuyến nghị chính sách cụ thể trên nhiều lĩnh vực.