Tái cấu trúc DNNN có nhất thiết phải bằng cổ phần hóa?

(ĐTCK) Các DNNN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp gần 30% GDP và chiếm 23% số lượng lao động. Vì thế, vấn đề hiệu quả hoạt động của khối DN này càng trở nên cấp bách. Gần đây, một loạt DNNN đưa ra kế hoạch IPO hay mở rộng hơn là cổ phần hóa và coi đây như một phương thức để tái cấu trúc DN. Tuy nhiên, tái cấu trúc DNNN có nhất thiết phải bằng cổ phần hóa?
Tập đoàn Dệt may dự kiến  sẽ cổ phần hóa trong năm nay Tập đoàn Dệt may dự kiến sẽ cổ phần hóa trong năm nay

Không có định nghĩa chuẩn như thế nào là tái cấu trúc DN và cũng không có công thức cụ thể về tái cấu trúc cho tất cả các DN. Đó là quá trình chuyển đổi mang tính chất tổng thể xuất phát từ định hướng chiến lược, cấu trúc sở hữu, tổ chức quản lý chức năng và quy trình quản trị DN. Không ít cơ quan chủ quản và bản thân lãnh đạo DN gắn tái cấu trúc DNNN với việc cổ phần hóa hoặc niêm yết. Trong khi, thực chất đây chỉ là những đích đến hoặc một mốc phải thực hiện trong toàn bộ lộ trình tái cấu trúc.

Trên thực tế, việc cổ phần hóa khối DNNN thời gian qua mới chỉ ở những DN quy mô vừa và nhỏ. Với các DNNN thuộc tổng công ty và các tập đoàn, sau khi cổ phần hóa, nhiều DN vẫn tiếp tục dựa vào công ty mẹ về nguồn vốn, nguồn khách hàng, nguồn nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật khác. Do cổ phần hóa và niêm yết là 2 khâu khác nhau, niêm yết không được coi là yếu tố quan trọng khi các DN lập kế hoạch cổ phần hóa, nên một lượng lớn các công ty cổ phần có thể sẽ không bao giờ niêm yết được, vốn đầu tư sẽ rất khó khăn để chuyển đổi và không khuyến khích các nguồn lực tư nhân tham gia vào tiến trình này.

Nhìn ra xung quanh, nhiều quốc gia đã tiến hành tái cấu trúc và chuyển đổi thành công các DNNN. Chẳng hạn, PTT của Thái Lan đã tăng giá trị vốn hóa gấp 10 lần, đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 30% trong vòng 10 năm trở lại đây, lọt vào Top 200 Forbes. Doosan (Hàn Quốc) tăng giá trị vốn hóa gấp 46 lần, đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu  259%/năm trong giai đoạn 1998 - 2007. Hay doanh thu của Petronas tăng gấp 5 lần và lợi nhuận gấp 7 lần trong vòng 10 năm qua. Điểm chung thành công của các DN này, đó là tăng cường trọng tâm kinh doanh thông qua tái cấu trúc danh mục đầu tư phân tán và đa dạng ngành nghề thành một tổ chức, trong đó các công ty con được sắp xếp theo các ngành kinh doanh chính, nhằm tạo ra các tác động cộng hưởng và lợi thế kinh tế nhờ quy mô.

Cụ thể, tập trung nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh chủ chốt, các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ và không phải là hoạt động chính làm phân tán nguồn lực và nỗ lực quản lý được cân nhắc để thoái vốn hoặc chấm dứt hoạt động.

Thứ hai, tạo ra tác động cộng hưởng và lợi ích kinh tế từ việc gia tăng quy mô, xóa bỏ xung đột về lợi ích giữa các công ty hoạt động trong cùng ngành, trong cùng một DN bằng việc nhóm các công ty hoạt động trong cùng một lĩnh vực kinh doanh để tạo ra một công ty lớn hơn hoặc nằm dưới dự quản lý của một công ty con. Cách làm này giúp tận dụng được lợi thế từ việc gia tăng quy mô, giảm thiểu được những cạnh tranh nội bộ và sự trùng lắp trong công việc. Kết quả là có thể tạo ra các công ty hoặc nhóm các công ty có khả năng hoạt động một cách bền vững và độc lập về mọi mặt, có thể huy động vốn với những điều kiện tốt hơn và thu hút được nhiều sự quan tâm của thị trường hơn khi DN niêm yết.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo DNNN cần phải nắm quyền kiểm soát các quy trình và quyết định trọng yếu. Cần quản lý vốn thận trọng và đảm bảo mục đích sử dụng vốn như đã được thống nhất. Việc chuyển đổi danh mục sẽ phải thống nhất với những phương án chiến lược của đội ngũ lãnh đạo đứng đầu và các đơn vị thành viên phải tuân thủ theo chiến lược đó. Trong quá trình tái cấu trúc, DN sẽ phải thay thế nhiều cán bộ lãnh đạo và quản lý, do đó cần đảm bảo giữ chân, đào tạo bổ sung nhân tài tiềm năng.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Chính phủ đang tiến hành những bước đi đúng đắn để triển khai thành công chương trình tái cấu trúc DNNN, như tạo sự đồng thuận quốc gia về tái cấu trúc DNNN; Xây dựng một định chế có khả năng quản lý một cách chủ động và chuyên nghiệp các khoản đầu tư vào DNNN; Bán một phần cổ phần tại các DNNN sang khu vực tư nhân để tạo áp lực lành mạnh về hiệu quả tài chính; Hạn chế tối đa các hành động can thiệp chính trị bằng cách bổ nhiệm các HĐTV và TGĐ Tập đoàn có năng lực…

Như vậy có thể nhìn nhận rằng, không nhất thiết phải đưa các DNNN ra IPO hoặc cổ phần hóa ồ ạt, thành công của tái cấu trúc phụ thuộc vào nỗ lực và cam kết triển khai của DN bên cạnh các điều kiện khách quan khác.

Đào Phương Mai, Đại học Thương mại

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục