Thủ tướng Malaysia mê công nghệ và xe hơi, bởi thế trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hôm 28/8, hai tập đoàn hàng đầu Việt Nam là FPT và Vingroup đã có vinh dự được xây dựng chương trình đón tiếp.
Tại đây, các giải pháp công nghệ “made in Việt Nam” của FPT đã được trình bày với Thủ tướng Mahathir và phái đoàn Malaysia, rồi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng mời ông lái thử chiếc xe Vinfast. Khi ngài Thủ tướng trực tiếp cầm lái và khen ngợi “xe khoẻ, thiết kế rất đẹp”, những người chứng kiến đều có cảm giác vô cùng tự hào.
Tự hào bởi Việt Nam đã có những thương hiệu ngang tầm thế giới, có thể tự tin giới thiệu với những chính khách nổi tiếng thế giới. Vingroup đã có một KOL đặc biệt, thực hiện chương trình “marketing hấp dẫn” để đời.
Tình cờ, sự kiện Thủ tướng Mahathir sang thăm Việt Nam và lái thử chiếc xe Vinfast diễn ra ngay trước dịp lễ 2/9, ngày lễ lớn của dân tộc và cũng là mốc thời gian đáng nhớ đối với thương hiệu ô tô Việt mới mẻ này. Cách đây hai năm, đúng vào ngày 2/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan khách đã bấm nút khởi công nhà máy Vinfast tại Hải Phòng.
Khi Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tuyên bố sẽ xuất xưởng xe “made in Vietnam” sau 1 năm, không ít người tỏ ra ngờ vực, nhưng nay, những chiếc xe mang nhãn hiệu Fadil từ “lò” Vinfast đã bon bon lăn bánh trên đường phố Hà Nội. Ba mẫu xe Vinfast mang đến sự kiện trên gồm Fadil đỏ full option, LUX SA2.0 màu đen và LUX A2.0 màu đen khá mãn nhãn.
Nuôi giấc mơ có những thương hiệu Việt trăm năm, thương hiệu trường tồn, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, mà còn là bài toán cần lời giải ở cả tầm chính sách vĩ mô.
Với thu nhập bình quân đầu người trên 3.000 USD, ô tô ngày càng trở thành phương tiện giao thông phổ biến hơn của người dân Việt Nam, công nghiệp ô tô không chỉ là “con gà đẻ trứng vàng” với những tập đoàn có tầm nhìn và tiềm lực, mà còn là biểu trưng cho thương hiệu quốc gia, là giấc mơ hàng chục năm qua Việt Nam chưa đạt được.
Sẽ cần thêm thời gian để xe hơi Việt Nam chiếm lĩnh được trái tim người tiêu dùng trong nước và xa hơn là vươn ra thị trường hoàn cầu như tham vọng mà ông Vượng và các cộng sự ấp ủ.
Song Vingroup, vốn mạnh mẽ về tiềm lực tài chính, lại mang trong mình khát vọng lớn lao và nhiều bài toán thách thức nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân Việt, đã thu hút được nhiều nhân tài về đầu quân. Ðiều này khiến người ta tin, ông Vượng sẽ tiếp tục “nói được, làm được”.
Câu chuyện về những chiếc xe khi gắn với tinh thần dân tộc, gắn với thương hiệu Việt chưa bao giờ giảm độ hấp dẫn, thậm chí như trước đây, chỉ là giấc mơ dang dở của ông chủ hãng xe VinaXuki Nguyễn Xuân Huyên.
“Ai là người Việt Nam cũng mong mỏi đất nước có những thương hiệu mạnh, có những sản phẩm chất lượng cạnh tranh, đủ sức gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"nhận xét.
Tâm lý này đã được thể hiện rõ nét trong kết quả cuộc điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện mới đây. Theo đó, 88% người tiêu dùng cho biết, họ quan tâm đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó, số người “rất quan tâm” chiếm tới 53%. 63% số người tiêu dùng "tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 54% người tiêu dùng "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam"...
“Chỉ khi đầu tư mạnh cho nền sản xuất, Việt Nam mới có những sản phẩm chất lượng, thương hiệu mạnh và phát triển bền vững”, Tiến sĩ Chang-whan, Phó Chủ tịch điều hành Hiệp hội Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc khuyến nghị. Ông cũng đưa ra dẫn chứng, nền kinh tế Hàn Quốc đã trở nên hùng cường với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Huyndai, LG...
Ðề cập về câu chuyện phát triển của nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay, Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp nhận xét: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ bản lề của các nhà sáng lập ra các công ty nổi tiếng của Việt Nam.
Họ đều là người rất giỏi, phi thường, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển rất nhanh, 30 - 40% mỗi năm. Nhưng nay thế hệ đó đã bắt đầu cứng tuổi, trong khi thế hệ sau chưa có người đủ khả năng để kế nhiệm.Tôi biết rõ một số công ty rất lớn mà chưa tìm được người thay thế”.
Thực tế này dẫn đến tình trạng nhiều người không có khả năng lãnh đạo doanh nghiệp nữa sẽ phải bán công ty cho chủ mới, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Giáo sư Trường, những công ty đi săn doanh nghiệp nước ngoài đã chờ đợi khá lâu rồi, họ biết đến một lúc nào đó sẽ mua được thị trường Việt Nam bằng cái giá rất rẻ. Và bây giờ chính là cơ hội của họ.
Rất nhiều công ty Việt Nam hiện thời dễ mua cho người nước ngoài, dễ mua ở chỗ là cổ phiếu rẻ đến độ mà người nước ngoài có thể vào và chào mua với giá cao rất nhiều cho đến khi cổ đông “nhả ra” thì thôi mà nó vẫn rẻ.
Tới đây, sẽ còn nhiều cái tên nối dài danh sách thương hiệu Việt bị nước ngoài thâu tóm như kem đánh răng Dạ Lan, bia Sài Gòn, bia Huế, Dược Hậu Giang, Domesco... trước đó.
Nuôi giấc mơ có những thương hiệu Việt trăm năm, thương hiệu trường tồn, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, mà còn là bài toán cần lời giải ở cả tầm chính sách vĩ mô.
“Việt Nam cần hướng việc xây dựng chính sách vào việc tạo ra nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu thay vì chạy theo số lượng và duy trì cơ cấu doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm tới 97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế”, Tiến sỹ Lê Duy Bình, Chương trình kinh tế Economical khuyến nghị.
Theo đánh giá, bình chọn của Forbes Việt Nam, năm 2019, 50 thương hiệu Việt dẫn đầu có tổng giá trị thương hiệu đạt hơn 9,3 tỷ USD, trong đó có 36 thương hiệu của các doanh nghiệp đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.