Đặc biệt, thay vì những kế hoạch phát triển thương hiệu độc lập, những hệ sinh thái của doanh nghiệp Việt đang được những tập đoàn tư nhân hàng đầu, các doanh nhân lớn khơi nguồn, bắt tay thực hiện. Nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp Việt đang trỗi dậy.
Đây là những điều mà nền kinh tế Việt Nam đang rất cần và cần nhiều hơn nữa để từng bước thực hiện được khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng, không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp, mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình”.
Chính phủ đang rất nỗ lực làm công việc này, thông qua các kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những tác động phức tạp của kinh tế thế giới; cải thiện chất lượng tăng trưởng; cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh – đầu tư minh bạch, thuận lợi; giảm rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp...
Trong trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bứt phá đầu tiên là thể chế, tiếp theo là nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng bộ máy liêm chính, hành động phục vụ - nền tảng để tạo nên bộ máy nói không với tiêu cực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”...
Chưa bao giờ, “cuộc chiến” với giấy phép con, với tham nhũng vặt... lại mạnh mẽ và quyết liệt như hiện nay.
Tất nhiên, công việc phải làm còn nhiều, khó khăn còn nhiều, nhưng Chính phủ đang hành động để Việt Nam thực sự là nơi ươm mầm, thúc đẩy những kế hoạch kinh doanh sáng tạo, mạnh mẽ, thúc đẩy doanh nghiệp lớn lên, chuyên nghiệp hơn, xây dựng được những thương hiệu Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng chờ, càng không thể đứng ngoài khát vọng thịnh vượng chung của dân tộc. Nền kinh tế Việt Nam sẽ khó lớn nếu chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, rất thấp so với tỷ lệ 46% của khu vực ASEAN. Nền kinh tê Việt Nam sẽ khó mạnh khi số thương hiệu Việt có năng lực cạnh tranh toàn cầu, đứng đầu các chuỗi giá trị còn hiếm; khi hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn đang đóng góp phần lớn vào GDP...
Việt Nam phải có được những thương hiệu mang giá trị Việt, sức mạnh Việt. Đây chính là sứ mệnh mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục phải đảm trách.