Khát vọng thương hiệu Việt

(ĐTCK) “Chúng tôi khát vọng xây dựng xe ô tô thương hiệu Việt có thể cạnh tranh trên toàn thế giới”. 
Khát vọng thương hiệu Việt

Câu nói của Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng vào ngày Quốc khánh 2/9, trong sự kiện khai trương Tổ hợp Vinfast năm ngoái đã được trích dẫn nhiều lần trên các báo.

Ðó là khát vọng, giấc mơ của biết bao người Việt Nam, bởi thế từng bước đi của Vingroup trong việc đầu tư xây dựng tổ hợp 5 nhà máy trên nền tảng công nghệ 4.0 được chăm chú dõi theo.

Một cách tình cờ, vào ngày 19/8, ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám năm nay, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Vingroup, phụ trách Dự án Vinfast chia sẻ những thông tin mới về giấc mơ Vinfast trước hơn 100 nhân tài khoa học công nghệ người Việt khắp năm châu trở về Việt Nam trong Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018.

Ðó là, vào cuối năm nay, những sản phẩm đầu tiên của Tổ hợp Vinfast sẽ xuất hiện trên thị trường, bắt đầu từ xe máy điện, rồi đến xe con, xe buýt điện, xe buýt tự hành…

Ông Huệ kể, cả đội ngũ Vinfast đang sống trong khát vọng đưa ô tô thương hiệu Việt tới tay người tiêu dùng Việt và xuất khẩu. Tinh thần dân tộc, khát vọng xây thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam có sức thu hút vô cùng lớn, giúp Vingroup tuyển dụng được nguồn nhân lực trình độ cao, thậm chí có những bạn trẻ đang làm việc ở nước ngoài, trở về thăm quê hương, ghé chơi qua nhà máy, đã quyết định trở về để cùng thực hiện giấc mơ lớn.

Còn ông Trương Gia Bình, trước hơn 100 nhân tài khoa học công nghệ cũng có những chia sẻ gan ruột về khát vọng đưa thương hiệu Việt, tên tuổi Việt Nam rạng danh trên bản đồ công nghệ thế giới.

“Trong dòng máu của chúng ta có 2 điểm chung: đam mê toán học, tin học, khoa học công nghệ và chung một khát vọng Việt. Dù các bạn có ở bất cứ đâu, tôi tin rằng, các bạn đều mong muốn có một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, một Việt Nam vẻ vang đứng trong đội ngũ các quốc gia tiên tiến trên thế giới”, câu nói của ông Bình đã chạm đến những góc thẳm sâu trong mỗi người trẻ tuổi đang ngồi trong khán phòng, kích hoạt những cánh tay giơ lên liên tiếp để chia sẻ, đóng góp những ý tưởng, những nỗi niềm các nhà khoa học trẻ đau đáu khi từ nước ngoài trở về.

Ðất nước đã trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều thách thức mới nổi lên, nhiều vấn đề mới cần giải quyết để nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững.

Các nghị quyết, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế của Ðảng và Nhà nước đều nhấn mạnh, doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chính là động lực để đất nước tiếp tục phát triển. Cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ cũng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có khả năng bứt phá lớn hơn, tạo dựng được những tên tuổi lớn, những thương hiệu làm rạng danh Việt Nam.

“Doanh nghiệp Việt Nam sẽ là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ ra mắt Mạng lưới sáng tạo đổi mới Việt Nam 2018 và ông mong nhờ sáng tạo, đổi mới, tập trung vào khoa học, công nghệ, Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp mới, doanh nghiệp lớn và thương hiệu lớn.

Những thương hiệu Việt thành công không chỉ giúp lan tỏa và duy trì sức sống của các sản phẩm Việt trên thị trường nội địa, giảm bớt sự xâm lấn của các thương hiệu nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế đang mở cửa hội nhập sâu rộng, mà còn đưa tên tuổi Việt Nam ra thế giới, đem ngoại tệ về cho đất nước và là bệ phóng để khơi thông các tiềm lực mới, tạo ra sức bật tăng trưởng bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục