Nới tín dụng tiếp sức cổ phiếu “dòng bank”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với thông tin room tín dụng sẽ tiếp tục được nới trong những ngày cuối năm và ngân hàng vẫn là một trong những lĩnh vực kinh doanh mang về lợi nhuận tốt trong năm 2021, nhà đầu tư có thêm kỳ vọng vào sự trở lại của “cổ phiếu vua”.
VIB ước lãi 7.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 37% so với cùng kỳ. VIB ước lãi 7.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 37% so với cùng kỳ.

Nhiều thông tin hỗ trợ

Chỉ tiêu tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp thời điểm đầu năm cho các tổ chức tín dụng khá thấp, nên sau đó nhiều ngân hàng đã xin cấp bổ sung và được cơ quan quản lý chấp thuận, thông qua 2 đợt trong quý III và quý IV/2021. Dẫu vậy, nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế bật tăng mạnh vào cuối năm sau giai đoạn giãn cách xã hội đang đòi hỏi những điều chỉnh mới.

Trước thông tin râm ran trên thị trường về việc Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục xem xét cấp room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, đến cuối tháng 11, dư nợ toàn hệ thống tăng trên 10%, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đề ra cho cả năm. Tuy vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021.

“Điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, quý IV/2021, nền kinh tế được mở cửa trở lại đã kéo theo sự tăng trưởng nhu cầu tín dụng. Theo đó, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng kết thúc năm 2021, ngành ngân hàng đạt mức tăng trưởng dư nợ tín dụng khoảng 13%, tương đương với các năm trước.

Và khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại, NIM sẽ được cải thiện trong quý IV, do tỷ lệ này bị giảm trong quý III khi các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Bên cạnh kỳ vọng room tín dụng được nới, giúp ngân hàng có thêm dư địa gia tăng nguồn thu từ hoạt động cho vay, chuyển biến tích cực trong ngành ngân hàng là việc tăng vốn điều lệ - một trong những yếu tố làm tăng năng lực, sức cạnh tranh - đang được các ngân hàng rốt ráo triển khai.

Ngày 7/12/2021, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 8625/NHNN-TTGSNH chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ của BIDV thêm tối đa 10.365 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau khi trích lập các quỹ và trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.

Phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông BIDV thông qua tại Nghị quyết số 1411/2021/NQ-ĐHĐCĐ ngày 5/12/2021.

Ngày 6/12/2021, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận việc HDBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 200 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu cho người lao động.

Trước đó, ngày 2/12/2021, cơ quan này đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của TPBank thêm tối đa 4.100 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận để lại chưa phân phối theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại Nghị quyết số 02/2021/NQ-TPB ngày 1/11/2021.

Trong năm 2021, các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ “khủng”. BIDV là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, với 48.058 tỷ đồng, tiếp sau là Vietcombank, Techcombank, Agribank, MB Bank, VPBank...

“Không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn, việc tăng vốn cũng góp phần tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng, gia tăng nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi mà tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn được siết chặt lại theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 của Ngân hàng Nhà nước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và tính đến nay đã có 16/35 ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41.

TS. Hiếu nhấn mạnh, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022 để các ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, cải thiện chất lượng tài sản về chất, tăng khả năng sinh lời gắn liền với quản trị rủi ro.

Lợi nhuận vẫn tích cực, định giá về vùng hấp dẫn

Báo cáo phân tích của SSI Research mới đây cho biết, VIB là ngân hàng có tỷ trọng doanh thu từ mảng bán lẻ cao nhất hệ thống, với gần 70% thu nhập hoạt động đến từ khu vực phía Nam. Theo đó, hoạt động của VIB đã bị ảnh hưởng khá nhiều trong quý III/2021, với lợi nhuận trước thuế giảm còn 1.400 tỷ đồng (giảm 17% so với năm ngoái).

Mặc dù vậy, Ngân hàng đã hồi phục ấn tượng trong tháng 10 và tháng 11, với lợi nhuận trước thuế lũy kế 11 tháng 2021 đạt khoảng 7.000 tỷ đồng (tăng 37% so với năm ngoái).

Lợi nhuận trước thuế trung bình tháng trong tháng 10 và 11 đã vượt giai đoạn tháng 4 - 6. Lợi nhuận trước thuế 11 tháng phù hợp với ước tính lợi nhuận trước thuế 2021 của Công ty Chứng khoán SSI là 7.800 tỷ đồng (tăng 34% so với năm ngoái).

Hiện tại, P/B trung bình của ngành đạt 2,26 lần, thấp hơn khá nhiều so với P/B của VN-Index.

Thậm chí, SSI còn ước tính năm 2022, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 9.500 tỷ đồng (tăng 24% so với năm ngoái), trong khi ROE ước tính là 27,5%.

ROE ở mức cao phần nào giải thích cho mức định giá cao hơn bình quân ngành của cổ phiếu VIB, với P/B (tỷ lệ so sánh thị giá với giá trị sổ sách của cổ phiếu) năm 2022 là 2,06 lần (so với trung bình ngành là 1,67 lần).

Trong khi đó, tại MSB, bộ phận nhân sự đã có thông báo nội bộ về việc chi thưởng bổ sung cho cán bộ nhân viên có kết quả đánh giá xếp loại hoặc dự kiến xếp loại từ B trở lên 1 tháng lương bình quân theo thời gian làm việc thực tế, khoản này được chi muộn nhất vào ngày 22/12/2021.

Được biết, nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi (gấp đôi năm 2020 và vượt 20% kế hoạch của Hội đồng quản trị) nên lãnh đạo MSB đã chi thưởng sớm tháng lương thứ 13 cho người lao động, thay vì sau Tết dương lịch như năm ngoái.

Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, dịch vụ ngoài tín dụng ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn vào cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng. Những hợp đồng hợp tác độc quyền với các hãng bảo hiểm đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng, giúp nhiều nhà băng đua nhau báo lãi nhiều nghìn tỷ đồng trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021.

Hiện tại, cổ phiếu dòng ngân hàng phần nào hồi phục sau nhịp giảm sâu trong tháng 7. P/B trung bình của ngành hiện đạt 2,26 lần, cao hơn so với mức P/B trung bình của giai đoạn 2016 - 2021 (là 1,93 lần), nhưng đang thấp hơn khá nhiều so với P/B toàn thị trường (P/B VN-Index phiên 23/12/2021, phiên điều chỉnh mạnh của thị trường, với việc chỉ số chung mất 20,71 điểm, là 2,77 lần).

P/E hiện tại của cổ phiếu nhà băng cũng đang thấp hơn nhiều so với mức đỉnh được lập vào tháng 4/2018 là 3,42 lần.

“So với mức định giá ngành ngân hàng của các nước khu vực châu Á, định giá ngành ngân hàng tại Việt Nam đang ở mức khá cao. Tuy nhiên, với những tin tích cực về hoạt động tăng vốn của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới, tôi tin rằng, tỷ lệ P/B toàn ngành sẽ được cải thiện và quay về mức hấp dẫn hơn”, một lãnh đạo cao cấp Tập đoàn MB nhận định.

Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, “nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là đại diện của sự hồi sinh kinh tế, với tăng trưởng lợi nhuận dự báo các ngân hàng trong danh mục của VNDIRECT đạt 25,2% trong năm 2021 và 18,8% trong năm 2022”.

Dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, VN-Index được kỳ vọng tiếp tục lập đỉnh cao mới trong năm 2022. Khi các nhóm cổ phiếu khác đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều, nhóm cổ phiếu ngân hàng với hiệu quả kinh doanh tích cực, định giá hấp dẫn không thể mãi đứng ngoài đà tăng của thị trường.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục