Đây được coi là áp lực lớn cho thị trường và người mua cổ phiếu ngân hàng ngày T+3, bởi tâm lý thị trường đang bị áp lực mạnh do mức giảm mạnh của thị trường chứng khoán thế giới, dưới ảnh hưởng của thông tin chủng virus biến thể mới phát hiện ở Nam Phi.
Mức giá tham chiếu ngày 29/11 của các cổ phiếu ngân hàng ở mức tương đương giá đóng cửa ngày 24/11, ngày mà các cổ phiếu ngân hàng có mức tăng giá khá tốt. Điều đó có nghĩa, nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng ngày 24/11 chủ yếu đang hòa vốn, hoặc lời lỗ ở mức không đáng kể.
Ở vị thế đó, những người ưu tiên quản trị rủi ro, hoặc có tỷ trọng vay cao sẽ có áp lực giảm tỷ trọng cổ phiếu, trong khi những nhà đầu tư có sức mua cao không có áp lực lớn.
Dù vậy, áp lực chủ yếu là áp lực tâm lý khi thị trường đang thử thách lại ngưỡng đỉnh lịch sử 1.500 điểm, cộng thêm áp lực của thị trường tài chính toàn cầu giảm mạnh. Tuy nhiên, có 2 ngày cuối tuần để thị trường bình tĩnh đánh giá các thông tin này và giới phân tích đang hy vọng, thị trường sẽ không giảm điểm mạnh, giảm đầu phiên và sẽ hồi vào cuối phiên.
Diễn biến này có vẻ chuẩn xác trong hơn nửa đầu phiên giao dịch sáng nay khi mở cửa VN-Index giảm mạnh hơn 20 điểm, nhưng đã hồi dần sau đó.
Trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhận định của nhiều công ty chứng khoán cho biết, nhóm cổ phiếu này vẫn đang có định giá rẻ, nên nhiều cổ phiếu có thể tăng tiếp từ 20 - 50%, đặc biệt là sau thông tin nhiều ngân hàng được nới room tín dụng.
Ông Lê Xuân Hùng, cựu chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán Quỹ đầu tư Simone (Hàn Quốc), người đang chuẩn bị thành lập một quỹ đầu tư mới, đánh giá, lợi nhuận của các ngân hàng kỳ vọng hoàn thành và có thể vượt kế hoạch năm 2021, dẫn đến sự kỳ vọng tăng giá cổ phiếu của nhà đầu tư. Nhóm ngân hàng có câu chuyện thời gian sắp tới như tăng vốn, phát hành trái phiếu cho đối tác chiến lược, bán vốn công ty tài chính, bán nợ và thu hồi nợ, sẽ hấp dẫn dòng tiền.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng được hưởng lợi từ việc các gói kích cầu kinh tế sau dịch khi dòng tiền được đưa vào nền kinh tế hỗ trợ sau dịch Covid -19.
Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest nhận xét, tiền gửi tiết kiệm có xu hướng chuyển kênh đầu tư khác, khiến dòng tiền trong hệ thống ngân hàng tồn tại dưới dạng tiền gửi thanh toán nhiều, tạo ra chi phí huy động vốn thấp, đi tương đối ở một số ngân hàng có quy mô lớn, giúp kết quả kinh doanh của các nhà băng tích cực.
Từ góc độ kỹ thuật, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm giá sâu và tích lũy tạo nền giá vững suốt mấy tháng qua và dòng tiền đã bắt đầu trở lại với nhóm cổ phiếu vua này trong tuần trước, đặc biệt là phiên bùng nổ ngày 24/11.
Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, phiên bùng nổ này cho tín hiệu về xu hướng tăng của cổ phiếu ngân hàng, nhưng sẽ có các nhịp tăng - giảm trong quá trình đi lên. Việc nhà đầu tư vào sai nhịp sẽ tạo áp lực rất lớn nhất là trong thời điểm thị trường có nhiều thông tin nhạy cảm tác động như hiện nay.