Nỗi sợ virus Corona trở lại, giới đầu tư chùn tay

(ĐTCK) Dù tiếp tục nhận thông tin kinh tế tích cực, nhưng nỗi lo đại dịch do virus Corona (nCoV) ảnh hưởng tới kinh tế trở lại khiến giới đầu tư chùn tay trong phiên cuối tuần qua (7/2).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Theo báo cáo việc tháng 1/2020 vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố cuối tuần qua, trong tháng, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo thêm 225.000 việc làm, cao hơn nhiều so với con số dự báo 160.000 việc làm của giới phân tích.

Dữ liệu này cùng với các dữ liệu tích cực được công bố trong các ngày đầu tư về hoạt động sản xuất, đơn đặt hàng và hoạt động dịch vụ tăng tích cực, trong khi  số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm cho thấy kinh tế Mỹ đang có những bước tăng vững chắc.

Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước Quốc hội cuối tuần qua. Cụ thể, báo cáo trước Quốc hội Mỹ, ông Joremo Powell, Chủ tịch Fed cho biết, các rủi ro với kinh tế Mỹ đã dần qua, nhưng ông lưu ý về rủi ro của nền kinh tế từ sự bùng phát của virus Corona.

Dù nhận thông tin kinh tế khả quan, nhưng nỗi lo sự bùng phát của virus Corona ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu lại trở lại khi số người chết gia tăng mạnh khiến giới đầu tư chùn tay trong phiên cuối tuần, đẩy phố Wall điều chỉnh sau chuỗi tăng ấn tượng trước đó.

Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Dow Jones giảm 277,26 điểm (-0,94%), xuống 29.102,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,07 điểm (-0,54%), xuống 3.327,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 51,64 điểm (-0,54%), xuống 9.520,51 điểm.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng với chuỗi phiên tăng ấn tượng trước đó, phố Wall đã có tuần hồi phục mạnh trở lại sau 2 tuần giảm liên tiếp do nỗi lo virus Corona. Cụ thể, trong tuần chỉ số Dow Jones tăng 3%, chỉ số S&P 500 tăng 3,17%, mức tăng mạnh nhất theo tuần trong 8 tháng và Nasdaq tăng 4,04%, mức tăng theo tuần lớn nhất trong hơn 1 năm.

Chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh trong phiên cuối tuần qua khi các báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố không mấy ấn tượng, trong khi nỗi lo kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của virus Corona trở lại.

Kết thúc phiên 7/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 38,09 điểm (-0,51%), xuống 7.466,70 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 61,01 điểm (-0,45%), xuống 13.513,81 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 8,43 điểm (-0,14%), xuống 6.029,75 điểm.

Cũng như phố Wall, dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng với chuỗi tăng ấn tượng trước đó, chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng ấn tượng nhất kể từ năm 2018 sau khi giảm mạnh trong tuần trước đó do nỗi lo virus Corona. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 2,48%, chỉ số DAX tăng 4,10% và chỉ số CAC 40 tăng 3,85%, lấy lại gần hết những gì đã mất trong tuần trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ, còn lại các thị trường khác đều điều chỉnh do áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng ấn tượng trước đó.

Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 45,61 điểm (-0,19%), xuống 23.827,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,45 điểm (+0,33%), lên 2.875,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 89,43 điểm (-0,33%), xuống 27.404,27 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 15,99 điểm (-0,72%), xuống 2.211,95 điểm.

Tuy có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, nhưng chỉ với phiên lao dốc không phanh đầu tuần, cũng là phiên giao dịch khai Xuân Canh Tý, chứng khoán Trung Quốc vẫn ghi nhận tuần giảm mạnh nhất 9 tháng. Trong khi đó, các thị trường khác có tuần tăng mạnh, riêng chứng khoán Hồng Kông có tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Cụ thể, chốt tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,68%, chỉ số Hang Seng tăng 4,15%, chỉ số Shanghai Composite giảm 3,38%, chỉ số Kospi tăng 4,39%.

Dù nỗi lo dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu bao trùm giới đầu tư, nhưng giá vàng không thể thể hiện được vai trò trú ẩn an toàn của mình, mà chỉ lình xình và đóng cửa tăng nhẹ trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 7/2, giá vàng giao ngay tăng 3,6 USD (+0,23%), lên 1.570,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 3,5 USD (+0,22%), lên 1.568,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 3,4 USD (+0,22%), lên 1.573,4 USD/ounce.

Không như dự đoán của các nhà phân tích và kỳ vọng của nhà đầu tư, dù nỗi lo virus Corona bao trùm toàn cầu, nhưng giá vàng lại không thể hiện được vai trò trú ẩn của mình, mà quay đầu điều chỉnh nhẹ trong tuần qua sau 2 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm  1,16%, giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 0,90%, giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 0,91%.

Bất chấp giá vàng diễn biến không tích cực trong tuần qua, nhưng với tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế, giới đầu tư và phân tích vẫn đặt cược vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới, dù mức độ có thấp hơn tuần trước.

Cụ thể, trong 12 chuyên gia trả lời khảo sát, có 8 người, chiếm 67% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, thấp hơn con số 82% của tuần trước; có 1 người dự báo giảm, chiếm 8%, thấp hơn con số 18% của tuần trước đó và 2 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 25%.

Tương tự, trong 966 người tham gia trả lời trực tuyến, có 570 lượt, chiếm 60% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn con số 69% của tuần trước; 232 dự báo giảm, chiếm 24%, cao hơn con số 16% của tuần trước; và 164 người, chiếm 17% dự báo giá vàng đi ngang.

Lo ngại về sự bùng phát của virus Corona ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, qua đó làm giảm nhu cầu khiến giá dầu nhanh chóng quay đầu giảm trở lại trong phiên cuối tuần và ghi nhận chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp.

Kết thúc phiên 7/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,63 USD (-1,25%), xuống 50,32 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,46 USD (-0,84%), xuống 54,47 USD/thùng.

Dù có phiên hồi phục, nhưng với nỗi lo giảm cầu do virus Corona, giá dầu thô có tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 2,40% và giá dầu thô Brent giảm 6,34%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục