Sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp, phố Wall mở cửa phiên thứ Năm có những rung lắc nhất định đầu phiên, nhưng sau đó đã nhanh chóng trở lại đà tăng khi nhận được các thông tin hỗ trợ tích cực. Phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp trong tuần giúp phố Wall xác lập đỉnh cao lịch sử mới.
Thông tin tích cực đầu tiên phải kể đến việc Trung Quốc quyết định cắt giảm một nửa số thuế quan bổ sung đánh vào 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, đây là động thái tăng cường niềm tin cho thỏa thuận giai đoạn 1 mà 2 bên vừa ký kết, cũng như nhà đầu tư, doanh nghiệp trong bối cảnh sự bùng phát của virus Corona làm gián đoạn sản xuất của nhiều doanh nghiệp.
Một thông tin tích cực nữa là số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần trước giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu này.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng thở phào khi căng thẳng chính trị tại Washington được tháo gỡ với việc Thượng viện Mỹ đã quyết định tha bổng cho Tổng thống Donald Trump trong cả 2 tội mà Hạ viện trình lên để luận tội Tổng thống.
Kết thúc phiên 6/2, chỉ số Dow Jones tăng 88,92 điểm (+0,30%), lên 29.379,77 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,09 điểm (+0,33%), lên 3.345,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 63,47 điểm (+0,67%), lên 9.572,15 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng để thiết lập đỉnh cao mới trong phiên thứ Năm nhờ thông tin Trung Quốc cắt giảm thuế quan với 75 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ, cùng với kết quả kinh doanh khả quan của một số ngân hàng vừa công bố.
Kết thúc phiên 6/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 22,31 điểm (+0,30%), lên 7.504,79 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 96,49 điểm (+0,72%), lên 13.574,82 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 52,78 điểm (+0,88%), lên 6.038,18 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Trung Quốc giảm một nửa thuế với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 75 tỷ USD giúp giới đầu tư phấn kích, đẩy các thị trường có phiên giao dịch thăng hoa với mức tăng trên dưới 2% trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 6/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 554,03 điểm (+2,38%), lên 23.873,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 48,42 điểm (+1,72%), lên 2.866,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 706,96 điểm (+2,64%), lên 27.493,70 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 62,31 điểm (+2,88%), lên 2.227,94 điểm.
Bất chấp sự bùng nổ của thị trường chứng khoán với các thông tin tích cực được đưa ra, giá vàng vẫn có phiên tăng giá mạnh thứ 2 liên tiếp khi lực cầu kỹ thuật vẫn mạnh. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng muốn chia rủi ro ra các kênh khác trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn bất ổn.
Kết thúc phiên 6/2, giá vàng giao ngay tăng 10,8 USD (+0,69%), lên 1.566,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 7,3 USD (+0,47%), lên 1.565,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 7,2 USD (+0,46%), lên 1.570,0 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô đã đánh mất đà tăng có được lúc đầu phiên và đóng cửa trái chiếu trong phiên thứ Năm khi Nga và OPEC đưa ra các ý kiến khác nhau về việc cắt giảm sản lượng. OPEC đang muốn cùng với đối tác tiếp tục xem xét cắt giảm sản lượng trong bối cảnh virus Corona bùng phát làm giảm nhu cầu dầu mỏ, nhưng Nga chưa có ý kiến gì về việc này, thậm chí sản lượng khai thác tháng 1 của Nga còn tăng mạnh.
Kết thúc phiên 6/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,20 USD (+0,39%), lên 50,95 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,35 USD (-0,63%), lên 54,93 USD/thùng.