Nới room, "muốn nhanh cũng phải từ từ"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước có động thái mở lại room tín dụng sẽ hạ nhiệt được vấn đề “nóng” là doanh nghiệp đang khát vốn, nhưng theo giới chuyên gia, có nhiều bài toán cơ quan quản lý phải tính đến với quyết định này.
Ưu tiên chính sách của ngành ngân hàng hiện nay vẫn là kiềm chế lạm phát. Ưu tiên chính sách của ngành ngân hàng hiện nay vẫn là kiềm chế lạm phát.

“Muốn nhanh cũng phải từ từ”

Chiều muộn ngày 31/8, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 2/9, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Đến chiều muộn ngày hôm nay, Tổng giám đốc có cuộc họp trực tiếp với lãnh đạo các chi nhánh về vấn đề tín dụng nhưng chúng tôi cũng chưa có văn bản cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước về việc có được điều chỉnh room tín dụng hay không”.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cũng chia sẻ: “Ngân hàng chưa nhận được văn bản nào về điều chỉnh room tín dụng”. Tương tự, Phó tổng giám đốc một ngân hàng khác nói: “Ngân hàng tôi cũng chưa nhận được thông tin gì, chắc phải đợi đến sau khi kỳ nghỉ lễ”.

Cũng với câu hỏi “Ngân hàng đã được cấp room tín dụng chưa?”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước trả lời: “Để tôi kiểm tra lại thông tin nội bộ rồi báo lại”. Nhưng, tìm hiểu từ một nguồn khác thì được biết, đến cuối buổi chiều ngày 31/8, ngân hàng này vẫn chưa nhận được thông báo về room tín dụng được điều chỉnh.

Vị giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: “Ngân hàng nào cũng muốn thông tin chính thức được công bố luôn trong những ngày cuối tháng 8, nhưng thực tế cho thấy, muốn nhanh cũng phải từ từ. Lý do, hạn mức của từng ngân hàng là khác nhau, trên cơ sở các tiêu chí đã đặt ra và các tổ chức tín dụng tuân thủ đến đâu”.

Nhìn nhận về câu chuyện mở room tín dụng của ngành ngân hàng, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ cuối quý III/2022, nhưng việc tăng hạn mức tín dụng sẽ không cao và phụ thuộc vào từng ngân hàng cụ thể. Việc nới room tín dụng vẫn sẽ thực hiện theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm ở mức 14%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, áp lực lạm phát vẫn là một trở ngại đối với tăng trưởng tín dụng, do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

“Đáng chú ý, do lĩnh vực bất động sản có tỷ lệ rủi ro cho vay rất cao so với các lĩnh vực khác, tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên cấp thêm hạn mức cho các ngân hàng tập trung tín dụng vào những lĩnh vực thiết yếu, then chốt của nền kinh tế trong bối cảnh này”, ông Hiếu nhấn mạnh.

MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, MSB, ACB, TPBank, HDB, VIB… được dự báo sẽ cấp thêm room tín dụng. Trong đó, MB được Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định là được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, nhờ tỷ lệ an toàn vốn cao, nợ xấu thấp và ngân hàng có thể tiếp nhận một tổ chức tín dụng yếu kém trong năm nay.

Áp lực lên tỷ giá

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, “tin tốt, hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, nền kinh tế tăng trưởng; tin xấu là cung tiền tăng do việc nới room tín dụng sẽ tác động đến tỷ giá và lãi suất”.

Ông Hiếu cho rằng, tỷ giá USD/VND vốn đang chịu áp lực bởi động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ (đồng USD lên giá, đẩy tỷ giá USD/VND tăng), nay cung tiền tăng lên làm VND mất giá nhiều hơn so với USD.

Thực tế cho thấy, lãi suất tiền gửi tăng 0,15 - 0,20%/năm trong 2 tháng qua, ảnh hưởng của nhu cầu vốn tăng cao trong 7 tháng đầu năm và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 37% xuống 34% kể từ đầu tháng 10/2022.

Các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo ngân hàng đều chung nhận định, lãi suất tiền gửi có thể tăng cao hơn trong những tháng tới, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước nới trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Tâm điểm thị trường tuần cuối của tháng 8 tập trung vào phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong Hội nghị chuyên đề Jackson Hole và không có nhiều bất ngờ khi ông Powell khẳng định mục tiêu hiện tại của Fed là kiểm soát lạm phát và sẽ tiếp tục thực hiện tăng lãi suất cho đến khi lạm phát thực sự hạ nhiệt.

Dự báo của thị trường về mức độ tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng 9 đang nghiêng về mức tăng 0,75%/năm (với mức 68,5% người tham gia khảo sát, cao hơn mức 55% vào một tuần trước đó).

Nhìn chung, thị trường đã có những phản ứng khá tiêu cực trước khẳng định của Chủ tịch Fed. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua (Dow Jones giảm 3%). Đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh của mình và chỉ số DXY đã đóng cửa ở mức gần cao nhất trong vòng 20 năm qua (tăng 0,6% so với tuần trước)…

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, so với các đồng tiền trong khu vực, VND có diễn biến ổn định hơn khi chỉ mất khoảng 0,07% so với tuần trước. Điều này một phần nhờ việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết nhằm ổn định tỷ giá - bán ngoại tệ ra thị trường.

Được biết, trong tuần cuối của tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết hoạt động thị trường mở nhằm giảm áp lực tới tỷ giá. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu với tổng khối lượng là 33.000 tỷ đồng, ở các kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày. Lãi suất phát hành cũng được nâng lên 4%/năm cho kỳ hạn 14 ngày (từ mức 3% trong tuần trước) và giữ nguyên 2,6%/năm cho kỳ hạn 7 ngày, 3,45%/năm cho kỳ hạn 28 ngày.

Bên cạnh việc phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối khi áp lực về tỷ giá tăng dần trong bối cảnh USD có xu hướng mạnh lên trước thềm Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole.

Hoạt động mua kỳ hạn vẫn được đều đặn sử dụng với khối lượng tăng lên trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng/ngày (từ mức 500 tỷ đồng/ngày trong tuần trước). Lãi suất OMO tăng lên khoảng 4%/năm cho cả 2 kỳ hạn 7 và 14 ngày.

Nhờ lượng tín phiếu đáo hạn tương đối lớn mà trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 40.000 tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở. Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được đẩy lên mức 3,5%/năm (tăng 100 điểm cơ bản so với tuần trước), tạo một khoảng cách khá an toàn với lãi suất USD.

“Dẫu vậy, áp lực lên VND vẫn tương đối lớn khi nguồn cung ngoại tệ trong năm nay không còn quá tích cực như kỳ vọng, trong khi đó đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên. Do vậy, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD hay tăng lãi suất VND (cơ quan quản lý để lãi suất trên thị trường tự điều chỉnh tăng)”.

Ngân hàng Nhà nước đã thông báo về việc bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng sẽ được công bố trong tháng 9. Hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung vào khoảng 3 - 5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục