Dự kiến không nhiều ngân hàng được nới room
Từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14%, nhưng có điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.
Tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế có dư địa tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.450 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng được cấp.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhiều lần đề cập sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho toàn hệ thống trong năm nay và việc cấp room tín dụng sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng.
Trong báo cáo về hoạt động điều hành tín dụng mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc phân bổ room tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng chủ yếu dựa trên cơ sở vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường theo kết quả xếp hạng với các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, các tiêu chí như giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng.
Giới phân tích nhận định, các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... sẽ được cấp room tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Những nhà băng có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có thêm lợi thế khi cơ quan quản lý xem xét nới room tín dụng.
Dưới áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quan điểm thận trọng về việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm room tín dụng vào cuối quý III/2022, chậm nhất là đầu quý IV/2022, dù cơ quan này vẫn đang phát tín hiệu thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay và việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ không quá cao.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên theo dõi sát sao xem ngân hàng nào tăng trưởng tín dụng tốt, an toàn, hiệu quả thì nới ngay hạn mức. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước có thể thu hẹp room tín dụng của nhà băng hoạt động kém hiệu quả, cho vay nhiều các lĩnh vực rủi ro. Nếu làm như vậy thì các ngân hàng sẽ chủ động hơn trong hoạt động cho vay, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng vẫn không dám lơ là trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng và mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cả năm không bị áp lực đẩy lên.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của ngành ngân hàng năm 2022 là hợp lý. Mức tăng trưởng này đảm bảo được mục tiêu kiềm chế lạm phát và quan trọng hơn là không tạo ra cuộc đua lãi suất huy động trong những tháng cuối năm, vì tỷ lệ cho vay trên huy động tại một số ngân hàng hiện tại lên tới 90%.
Trước đó, lãnh đạo Agribank cảnh báo, các ngân hàng nên kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, nếu không sẽ gây ra cuộc đua tăng lãi suất huy động, giành giật vốn giữa các ngân hàng, từ đó tăng lãi suất cho vay, làm gia tăng lạm phát.
Lợi nhuận có thể bị co hẹp
Không ít ngân hàng đã cạn room tín dụng từ cuối quý II/2022. Lãnh đạo một số nhà băng trong nhóm này thừa nhận, lợi nhuận nửa cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào việc room tín dụng có được nới hay không, bởi nguồn thu chính đóng góp vào lợi nhuận vẫn đến từ cho vay.
Thực tế cho thấy, tín dụng bật tăng trong nửa đầu năm 2022 đóng góp rất lớn vào cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, nhất là nhà băng chú trọng mảng bán lẻ. Một số nhà băng ghi nhận lợi nhuận tích cực như Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 17.373 tỷ đồng, tăng 28%; VPBank lãi 15.323 tỷ đồng, tăng 69,9%; Techcombank lãi 14.107 tỷ đồng, tăng 22,3%... so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu trong 2 tháng gần đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã chậm lại. Tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,62%, chỉ tăng 0,27% so với cuối tháng 6. Bởi lẽ, nhiều ngân hàng dần cạn room tín dụng, trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa giao hạn mức tăng trưởng mới.
Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đặt an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết, vì vậy, giới phân tích tài chính cho rằng, cơ quan này sẽ thận trọng trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm sẽ ở mức vừa phải, kèm điều kiện ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Do đó, mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nay nhiều khả năng sẽ thấp hơn nửa đầu năm, song mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn cao hơn vì nền so sánh thấp (bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19).
Tại Hội nghị trực tuyến về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% diễn ra sáng 26/8/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Nhóm phân tích của FiinGroup nhận định, ngành ngân hàng sẽ gặp không ít thách thức trong 2 quý cuối năm 2022. Trước hết, thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh khi các yếu tố hỗ trợ tăng biên lãi ròng (NIM) cân bằng với việc tăng tỷ lệ chi phí huy động vốn. Ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay, song lại tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, tín dụng khó có thể duy trì mức tăng trưởng cao. Mặt khác, thu nhập phí khó tăng trưởng đủ để bù đắp cho khoản hụt của thu nhập lãi thuần, do các ngân hàng đã đồng loạt giảm phí để thu hút tỷ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Theo FiinGroup, lợi nhuận trong những tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng sẽ phụ thuộc không nhỏ vào hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhưng hạn mức còn lại của đa số nhà băng đang rất eo hẹp, nên bức tranh lợi nhuận có khả năng phân hóa mạnh.
Tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM cho biết, khó khăn bắt đầu xuất hiện khi dư địa cho vay còn lại không nhiều. Ngân hàng đang phải xoay xở trong “chiếc áo chật”, khi cạn room tín dụng, nên khó tránh khỏi nguy cơ lợi nhuận quý III suy giảm. Trong tháng 7/2022, lợi nhuận của ngân hàng không tăng so với tháng 6, khả năng lợi nhuận tháng 8 và những tháng tới vẫn suy giảm nếu chưa được cấp thêm room tín dụng. Mặc dù vậy, do hoạt động tín dụng hai quý đầu năm tích cực, ngân hàng đã hoàn tất hơn 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022 nên không lo sẽ không hoàn thành mục tiêu.
Lãnh đạo một ngân hàng khác chia sẻ, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 không còn chắc chắn như trước khi nợ xấu có dấu hiệu tăng, đòi hỏi phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn.