Bán lẻ tạo lợi nhuận lớn cho ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận ngân hàng tăng vọt trong nửa đầu năm nay là tín dụng tăng trưởng cao, nhất là các nhà băng đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ.
Tại ACB, mảng bán lẻ chiếm 94% tổng cho vay, trong đó cá nhân chiếm 63%, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 31% Tại ACB, mảng bán lẻ chiếm 94% tổng cho vay, trong đó cá nhân chiếm 63%, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 31%

Tích tiểu thành đại

Trong nửa đầu năm 2022, VIB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 26%; lợi nhuận trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021.

Để đạt được mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng hàng năm, VIB cho biết, suốt hơn 5 năm qua, Ngân hàng thuộc nhóm có mức tăng trưởng tín dụng bán lẻ cao hàng đầu thị trường. Tính đến hết quý II/2022, VIB nằm trong top đầu về thị phần cho vay ô tô và bảo hiểm nhân thọ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, VIB tiếp tục được đánh giá là một trong những nhà băng có tốc độ tăng trưởng thẻ tín dụng nhanh nhất và chi tiêu trên thẻ cao nhất.

Thực tế, việc đẩy mạnh bán lẻ, cho vay phân tán sẽ đem lại biên lãi ròng (NIM) cao trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Vì vậy, chiến lược của nhiều nhà băng đã chuyển dần từ tín dụng bán buôn sang bán lẻ.

Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng tại ngân hàng mẹ Techcombank đạt 421.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021. Trên báo cáo tài chính hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 205.400 tỷ đồng và chiếm gần 47% danh mục tín dụng của Ngân hàng. Ngoài ra, dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Techcombank đạt khoảng 69.400 tỷ đồng, tăng 21%; dư nợ với khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) ở mức 166.400 tỷ đồng, giảm 7% và chiếm gần 38% tổng dư nợ, giảm đáng kể so với mức 45,6% cuối quý I/2022 và mức 49% cuối quý II/2021.

Tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của 23/27 ngân hàng trên sàn chứng khoán tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng lưu ý, Techcombank đẩy mạnh việc đa dạng hóa dư nợ tín dụng, hướng tới các khách hàng cá nhân - phân khúc chiếm gần 47% dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 6/2022, tăng từ mức 38,8% cuối tháng 3/2022. Đây cũng chính là mảng cho vay đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng lợi nhuận trước thuế 14.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay của Ngân hàng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ACB, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 9.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 60% kế hoạch cả năm. Theo lãnh đạo ACB, kết quả này là nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ đầu năm, dư nợ tín dụng đạt 396.000 tỷ đồng, tăng 9,31%. Trong đó, Ngân hàng tiếp tục dẫn đầu ngành về quy mô tín dụng mảng bán lẻ.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, danh mục kinh doanh của Ngân hàng khá đặc thù, mảng cá nhân chiếm 63%, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm 31% trong tổng bán lẻ. Mảng khách hàng cá nhân có một phần ba là hỗ trợ khách hàng vay đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Hệ số NIM hiện đạt 3,9%, tăng 0,4% so với cuối năm 2020. Ngân hàng thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, nguồn vốn này có chi phí rẻ nên NIM được cải thiện, dù lãi suất cho vay trong thời gian qua được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ khách hàng.

Tăng huy động vốn giá rẻ

Để cải thiện NIM, bên cạnh đẩy mạnh bán lẻ, các nhà băng gia tăng cuộc đua huy động vốn giá rẻ, nhất là tiền gửi không kỳ hạn.

Xét về số dư tuyệt đối, Vietcombank dẫn đầu về CASA với 402.000 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2022. Số tiền gửi không kỳ hạn này chiếm đến 34% trong tổng tiền gửi khách hàng tại Ngân hàng.

Tuy nhiên, xét về tỷ lệ thì quán quân CASA thuộc về Techcombank, với 47,5%, tương đương 152.700 tỷ đồng. Vị trí này đã được Ngân hàng duy trì trong nhiều năm qua nhờ chính sách miễn phí giao dịch trực tuyến, đẩy mạnh giải pháp số. Tỷ lệ CASA và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của Techcombank trong nửa đầu năm 2022 thuộc tốp đầu, đạt lần lượt 47,5% và 3,6%.

Tín dụng nhỏ lẻ đem lại biên lãi ròng cao, trong khi rủi ro được phân tán, không chỉ đóng góp tích cực vào lợi nhuận mà còn giúp nhà băng giảm trích lập dự phòng.

Ông Darren Buckley, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Techcombank chia sẻ, Ngân hàng không ngừng chuyển đổi, thúc đẩy các sáng kiến số hóa nhằm mang đến cho khách hàng giải pháp “ngân hàng trong tầm tay bạn” một cách đơn giản và trực quan. Techcombank đã ra mắt ứng dụng di động mới dành cho khách hàng doanh nghiệp và chuyển hơn 70% khách hàng cá nhân sang ứng dụng số ngân hàng bán lẻ mới. Kết thúc quý II/2022, Ngân hàng có 10,1 triệu khách hàng, tăng hơn 200.000 so với quý I. Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân thông qua các kênh ngân hàng điện tử đạt 206,1 triệu trong quý II, tăng 28,8%; giá trị giao dịch đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tỷ lệ CASA, dù Techcombank dẫn đầu ngành ngân hàng, nhưng có sự suy giảm trong quý II/2022 so với mức kỷ lục hơn 50% của quý I. Tuy nhiên, lãnh đạo Techcombank đánh giá, tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là tạm thời, Ngân hàng dự kiến sẽ lấy lại mốc 50% vào cuối năm nay.

Thực tế, có một “cuộc đua” CASA âm thầm giữa các ngân hàng từ vài năm gần đây. Việc gia tăng tiền gửi không kỳ hạn giúp các ngân hàng huy động được nguồn vốn rẻ, tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Trước áp lực giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, CASA là một trong những chỉ tiêu được các ngân hàng đặc biệt quan tâm.

Mặc dù vậy, dấu hiệu suy giảm tỷ lệ CASA đang xuất hiện tại không ít nhà băng khác như MSB giảm từ mức 38,33% cuối quý I/2022 xuống 36,72% cuối quý II/2022 (nhưng vẫn cao hơn cuối năm 2021); tỷ lệ CASA tại VPBank giảm từ 21,5% xuống 19%2,5%. Trong cùng khoảng thời gian, tỷ lệ CASA của TPBank hay ABBank cũng giảm.

Giới phân tích tài chính nhận định, giá trị CASA từ nay tới cuối năm 2022 có khả năng tăng, nhưng tỷ trọng CASA trong tổng tiền gửi có thể giảm. Bởi lẽ, dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại ngân hàng khi một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo... biến động khó lường. Thay vì để tiền trong tài khoản thanh toán chờ cơ hội đầu tư “lướt sóng” như trước, nhiều người lựa chọn tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, nhất là khi lãi suất tiền gửi dần tăng lên.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5/2022, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,07% so với cuối năm 2021. Tiền gửi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng ghi nhận tháng tăng thứ 10 liên tiếp, kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay.

Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, tỷ lệ CASA trong các quý tới sẽ gặp áp lực giảm do thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra để tập trung đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, nhất là khi hạn mức tăng trưởng tín dụng khó có thể được nới rộng.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục