Bán lẻ - mảng kinh doanh trọng yếu
Trên thị trường, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) được đánh giá là một trong những hãng bảo hiểm khá tích cực tìm kiếm đối tác để mở rộng kênh phân phối cũng như đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Mới đây nhất, hãng bảo hiểm này đã ký kết với Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) nhằm mở rộng mạng lưới cung cấp sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với khách hàng.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, bán lẻ vừa là động lực tăng trưởng chính, vừa là chiến lược quan trọng nhất để đa dạng hóa sản phẩm và tiếp cận với thị trường còn nhiều tiềm năng này. Với PTI, định hướng “trở thành doanh nghiệp bảo hiểm vì cộng đồng” không chỉ đơn thuần là đa dạng hóa các kênh phân phối thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại, mà còn phải tập trung nghiên cứu, cá nhân hóa các sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của từng nhóm khách hàng.
PTI đặt mục tiêu sẽ đơn giản hóa các sản phẩm bảo hiểm để tất cả người dân có thể tiếp cận, đây cũng là lý do nhà bảo hiểm này chịu khó tìm tòi, sáng tạo nhiều sản phẩm bán lẻ mới. Thực tế, trong những năm qua, nhiều sản phẩm bán lẻ “độc lạ’ đánh vào các phân khúc khách hàng đã được PTI đưa ra thị trường, cho dù không phải sản phẩm nào cũng thành công.
Tính đến thời điểm hiện tại, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới vẫn là 2 sản phẩm chủ lực tạo doanh thu cho PTI, trong đó bảo hiểm xe cơ giới đang có thị phần đứng đầu thị trường. Năm 2021, dù doanh thu sụt giảm, nhưng bảo hiểm xe cơ giới vẫn đóng góp khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm 42% tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm.
Trên thực tế, chiến lược đa kênh để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng bán lẻ đã được PTI chuẩn bị từ khá lâu. Ngoài thế mạnh bán bảo hiểm độc quyền qua hệ thống các bưu cục (cho dù VNpost không còn là cổ đông chiến lược), hãng bảo hiểm này còn hợp tác với nhiều ngân hàng như LienVietPostBank, TPBank, VPBank... để bán các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe. Doanh thu đến từ kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) của PTI hiện chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí bảo hiểm.
Tính đến cuối tháng 2/2022, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 3.170 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 28,2% trong tổng doanh thu toàn thị trường; doanh thu bảo hiểm sức khỏe đạt 3.421 tỷ đồng, tăng trưởng 15,3% và chiếm tỷ trọng 30,4%.
Với Bảo hiểm BIDV (BIC), bán lẻ cũng là một kênh quan trọng. Bên cạnh tiếp tục phát triển kênh bancassurance và coi đây là một trong những động lực tăng trưởng doanh thu chính trong năm 2022 cũng như các năm tới, BIC đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng doanh thu bán lẻ với trọng tâm là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người.
Trong giai đoạn 2022-2025, BIC xác định bán lẻ là bước đi tất yếu để tạo tăng trưởng đột phá và hiệu quả. Là thành viên của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam - BIDV, BIC đang nằm trong nhóm công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường về triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng. Trong bối cảnh thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, kênh bancassurance vẫn tăng trưởng tích cực và trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của toàn hệ thống BIC trong năm qua.
Cụ thể, năm 2021, doanh thu bancassurance của BIC tăng trưởng 33% so với năm 2020. Cùng với việc triển khai tốt kênh bancassurance nhờ tệp khách hàng rộng lớn của Ngân hàng mẹ BIDV, hoạt động này của BIC tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác cũng gặt hái được nhiều thành công. Song song với đó, tháng 10/2021, BIC chính thức ra mắt và đưa vào vận hành website bán bảo hiểm trực tuyến hoàn toàn mới mybic.vn. Đây được xem là công cụ quan trọng để BIC kết nối với các đối tác thương mại điện tử, góp phần tạo động lực tăng trưởng bán lẻ trong thời gian tới.
Tại Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (PGI), với thông điệp “2022 là năm chuyển đổi số”, nhà bảo hiểm này đặt mục tiêu là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam nói chung, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nói riêng, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên một nền tảng mới. Theo đó, ngay từ đầu năm, PJICO đã cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, xây dựng và ban hành biểu phí, hướng dẫn nghiệp vụ mới… theo hướng tập trung vào các sản phẩm hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tốt.
Bắt đầu tăng trưởng trở lại
Sau một năm “te tua” khi các nghiệp vụ bán lẻ trọng yếu đều sụt giảm doanh thu vì dịch bệnh, thị trường bắt đầu le lói những tia sáng hy vọng. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2022, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 11.248 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; số tiền bồi thường đạt 2.709 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 24,1% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Trong đó, 2 nghiệp vụ bán lẻ quan trọng của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe cũng bắt đầu tăng trở lại. Cụ thể, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 3.170 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 28,2% trong tổng doanh thu toàn thị trường, trong đó bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt doanh thu 733 tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% và chiếm tỷ trọng 6,5%; bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt doanh thu 2.436 tỷ đồng, tăng trưởng 10,6% chiếm tỷ trọng 21,7%. Doanh thu bảo hiểm sức khỏe đạt 3.421 tỷ đồng, tăng trưởng 15,3% và chiếm tỷ trọng 30,4%.
Ngoài ra, các nghiệp vụ khác như bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt doanh thu 1.669 tỷ đồng, tăng trưởng 9,7% và chiếm tỷ trọng 14,8%; bảo hiểm cháy nổ đạt doanh thu 1.398 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,4% và tăng trưởng 15,9%; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 506 tỷ đồng, tăng trưởng 28,3% và chiếm tỷ trọng 45%...
Theo PJICO, với khả năng phục hồi nhanh của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng cao như giai đoạn trước dịch. Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cạnh tranh khốc liệt thông qua việc hạ phí bảo hiểm, tăng chi phí, mở rộng điều kiện điều khoản bảo hiểm… để cải thiện thị phần trong năm 2022, trong đó các nghiệp vụ bán lẻ chủ chốt như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe… được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, góp phần thúc đẩy doanh thu phí bảo hiểm nói chung, doanh thu mảng bán lẻ nói riêng.