Room tín dụng sẽ không tăng mạnh và có sự phân hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhằm hỗ trợ kinh tế sớm hồi phục về mức trước dịch Covid-19, nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được nhiều ý kiến cho là cần thiết.
Các doanh nghiệp đang ngóng đợi ngân hàng tăng cung vốn. Các doanh nghiệp đang ngóng đợi ngân hàng tăng cung vốn.

Thời điểm thích hợp để nới room tín dụng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch Covid-19 từ quý IV/2021. Kết quả, kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 6,4%. Đây là minh chứng cho năng lực quản lý, đồng thời cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đủ tín dụng cho đất nước.

Theo bà Michele Wee, có nhiều yếu tố vĩ mô đang diễn ra mà Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, trong đó có lạm phát, nhưng không đáng ngại.

“Chúng ta đều nhận thức rõ về tình trạng lạm phát cao diễn ra trên toàn cầu. Rất may, lạm phát đã được kiểm soát tốt ở Việt Nam. Mục tiêu của Quốc hội là giữ lạm phát ở mức 4% và Việt Nam đang kiểm soát tốt ở mức này”, bà Michele Wee nói.

Các chuyên gia HSBC cho biết, lạm phát toàn phần tháng 7/2022 tại Việt Nam tăng 0,4% so với tháng 6 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021, gần như khớp với dự báo của HSBC (3%).

Theo HSBC, lạm phát tháng 7 có mức tăng thấp so với dự báo chung của thị trường là do chi phí vận tải giảm, một phần nhờ giá dầu đi xuống và thuế môi trường đối với xăng, dầu diesel giảm một nửa, xuống lần lượt 1.000 đồng/lít và 500 đồng/lít.

Một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới nhận định, lạm phát cơ bản được kiểm soát và nền kinh tế nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng có lẽ phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Giám đốc tiền tệ một ngân hàng nêu quan điểm, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành chính sách tiền tệ tương đối linh hoạt với sự điều tiết của hoạt động thị trường mở nhằm có thể cân bằng các yếu tố lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Trong thời gian ngắn sắp tới, áp lực lạm phát phần nào hạ nhiệt (khi xăng dầu và hàng hóa như phân bón, thép giảm giá) và diễn biến tỷ giá dần ổn định hơn (chênh lệch giữa tỷ giá chợ đen và niêm yết được thu hẹp).

“USD dự kiến sẽ không có nhiều biến động mạnh trước cuộc họp tháng 9/2022 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể sử dụng dự trữ ngoại hối và do vậy, thời gian tới có thể là thời điểm thích hợp để cơ quan quản lý ngành ngân hàng cân nhắc việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, tôi cho rằng, mức tăng sẽ không mạnh và có sự phân hóa giữa các ngân hàng”, vị giám đốc tiền tệ nhận định.

Đồng quan điểm về tăng trưởng tín dụng, bà Michele Wee nói: “Tôi cho rằng, với điều kiện lạm phát không vượt quá mức 4% trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tăng trưởng tín dụng nhiều hơn cho các tổ chức tốt”.

Trong diễn biến có liên quan, tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại liên quan đến kết quả triển khai, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng.

“Với doanh số đạt 4.100 tỷ đồng trong khi quy mô gói là 40.000 tỷ đồng, tương đương quy mô gói vay 2 triệu tỷ đồng dư nợ (năm 2022 giải ngân 800.000 tỷ đồng, năm 2023 giải ngân 1,2 triệu tỷ đồng), có nghĩa mới thực hiện được hơn 0,5% mục tiêu đặt ra cho năm nay. Chính Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế. Và một trong những nguyên nhân đó là hạn mức tín dụng của các ngân hàng không còn nhiều”, một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

“Điều quan trọng là các yếu tố vĩ mô cần được đánh giá nhất quán trong nước và Ngân hàng Nhà nước sẽ cân bằng các yếu tố, đồng thời tiếp cận chủ động trong việc phân bổ tín dụng nếu điều này phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Tôi thực sự tin rằng, với quan điểm của Chính phủ, cùng sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước trong việc tìm kiếm sự tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid, để chúng ta có thể đưa nền kinh tế trở lại mức trước dịch, tăng trưởng tín dụng là cần thiết”, bà Michele Wee nói.

Tín dụng được cân đối và phân bổ đúng

Ngân hàng Nhà nước định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14%, nhưng điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng tăng cao ngay từ đầu năm 2022, tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021, 2020 (là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19), cũng như năm 2019 (là năm trước khi xảy ra dịch bệnh). Tính đến ngày 9/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,44 triệu tỷ đồng, tăng 9,58% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,63%).

Trong 5 lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 2.834.987 tỷ đồng, tăng 8,36% so với cuối năm 2021, chiếm 24,82% dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2021 tăng 14,88%, cùng kỳ năm 2021 tăng 6,29%).

Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2.281.612 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cuối năm 2021, chiếm 19,97% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2021 tăng 17,88%, cùng kỳ năm 2021 tăng 5,6%).

Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 334.685 tỷ đồng, tăng 9,58% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,9% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2021 tăng 12,98%, cùng kỳ năm 2021 tăng 9,72%).

Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 306.148 tỷ đồng, tăng 12,47% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,68% dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2021 tăng 19,75%, cùng kỳ năm 2021 tăng 11,18%).

Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 39.450 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cuối năm 2021 và chiếm 0,33% dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2021 tăng 13,39%, cùng kỳ năm 2021 tăng 22,57%).

“Dù không nhiều, nhưng vẫn còn dư địa cho tăng trưởng tín dụng”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét.

Standard Chartered Việt Nam dự báo, tăng trưởng GDP sẽ đạt 10,8% trong quý III/2022, cả năm đạt 6,7%. Quỹ đạo phục hồi nền kinh tế rất tốt nên bà Michele Wee cho rằng, tăng trưởng tín dụng cần được cân đối và phân bổ cho đúng các tổ chức tín dụng theo các lĩnh vực ưu tiên.

Theo bà Michele Wee, Standard Chartered Việt Nam đã nộp hồ sơ xin tăng trưởng tín dụng và đang chờ phản hồi của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước có những yếu tố thách thức, Ngân hàng Nhà nước cần thêm thời gian để xem xét kỹ hơn tác động của tăng trưởng tín dụng. Dẫu vậy, Standard Chartered Việt Nam mong muốn sớm có tăng trưởng tín dụng, bởi điều đó sẽ giúp thời gian còn lại của năm có những kết quả tốt.

“Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng trong quý III này. Nếu quý IV mới có sự thay đổi, điều này sẽ làm trì hoãn khả năng cho vay của ngân hàng. Tôi chắc rằng, Ngân hàng Nhà nước đang suy nghĩ về thời điểm thích hợp cùng với các chỉ số phù hợp để phân bổ tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng”, bà Michele Wee nói.

Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, bám sát các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội đề ra, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và căn cứ mức tăng trưởng tín dụng năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14%.

“Chỉ tiêu này có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục