Nỗi lo lùi xa, chứng khoán, dầu thô tiếp tục thăng hoa

(ĐTCK) Nỗi lo về Brexit - Anh rời EU dường như đã được nhà đầu tư bỏ lại phía sau và được phản ánh hết trong 2 phiên lao dốc thứ Sáu tuần trước và thứ Hai tuần này.
Phố Wall có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp (Ảnh minh họa: AFP)

Theo dữ liệu vừa công bố, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng tháng thứ 2 liên tiếp tháng 5 nhờ nhu cầu tăng lên đối với xe ô tô và hàng hóa khác.

Cùng với dữ liệu về niềm tin tiêu dùng tháng 6 tăng lên mức cao nhất 8 tháng và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I không thấp như ước tính ban đầu được công bố hôm qua cho thấy, kinh tế Mỹ vẫn đang khá vững chắc dù đã có những lo ngại về tác động tiêu cực của Brexit.

Những thông tin tích cực của kinh tế, cùng với việc giá dầu thô liên tiếp tăng mạnh đã giúp phố Wall có 2 phiên tăng mạnh, bù đắp được một nửa thiệt hại trong 2 phiên trước đó do nỗi lo Brexit.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Dow Jones tăng 284,96 điểm (+1,64%), lên 17.694,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,68 điểm (+1,70%), lên 2.070,77 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 87,38 điểm (+1,86%), lên 4.779,25 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp tiếp sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó do nỗi lo Brexit. Thậm chí, chứng khoán Anh còn tăng tới 3,6% bất chấp S&P và Fitch đều hạ bậc tín nhiệm đối với quốc gia này sau sự kiện Brexit. Ngoài giá dầu thô, việc nhóm một số tập đoàn dược chia cổ tức lớn cũng giúp nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế lấy lại được hết những gì đã mất trong 2 phiên trước đó và góp phần giúp thị trường chung hồi phục mạnh.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 219,67 điểm (+3,58%), lên 6.360,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 164,99 điểm (+1,75%), lên 9.612,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 106,47 điểm (+2,60%), lên 4.195,32 điểm.

Cùng với sự phục hồi của chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán Nhật Bản cũng tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Tư sau phiên tăng khiêm tốn trước đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục sau chuỗi giảm liên tiếp và chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng duy trì được đà tăng.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 243,69  điểm (+1,59%), lên 15.566,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 263,66 điểm (+1,31%), lên 20.436,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 19,03 điểm (+0,65%), lên 2.931,59 điểm.

Sau phiên hạ nhiệt do áp lực chốt lời, giá vàng đã phục hồi nhanh chóng trở lại trong phiên thứ Tư khi vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý này vẫn được đề cao trong bối cảnh nhiều lo lắng sau sự kiện Brexit. Tuy nhiên, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán đã khiến đà tăng mạnh của giá vàng trong phiên thứ Tư bị chặn lại, giá kim loại quý này hạ nhiệt dần về cuối phiên.

Kết thúc phiên 29/6, giá vàng giao ngay tăng 6,8 USD (+0,52%), lên 1.318,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 9 USD (+0,68%), lên 1.326,9 USD/ounce.

Sau thông tin hỗ trợ từ cuộc đình công trong ngành khai thác dầu của Na Uy, giá dầu thô tiếp tục nhận thông tin hỗ trợ khi theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tiếp tục giảm 4,1 triệu thùng, cao hơn nhiều so với con số 2,4 triệu thùng của giới phân tích và đây là tuần giảm thứ 6 liên tiếp.

Với thông tin hỗ trợ trên, cùng với việc đồng USD có phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau khi lên mức cao nhất hơn 3 tháng cũng hỗ trợ cho giá dầu thô tăng mạnh.

Kết thúc phiên 29/6, giá dầu thô Mỹ tăng 2,03 USD (+4,07%), lên 49,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,03 USD (+4,01%), lên 50,61 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục