Sau khi có 2 phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2015 do ảnh hưởng của việc Anh rời khỏi EU, phố Wall đã phục hồi tốt trong phiên thứ Ba, bù đắp lại thiệt hại đã để mất trong phiên đầu tuần. Phố Wall phục hồi nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động mạnh trong phiên sau khi thị trường có 2 phiên bán tháo mạnh trước đó và dữ liệu kinh tế tích cực.
Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại trong quý đầu tiên, nhưng không quá tiêu cực như ước tính trước đây. Một báo cáo của Conference Board cho thấy, niềm tin tiêu dùng của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng vào tháng 6.
Trong phiên thứ Ba, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đã giảm tới 21%, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 8/2011.
Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Dow Jones tăng 269,48 điểm (+1,57%), lên 17.409,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,55 điểm (+1,78%), lên 2.036,09 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 97,42 điểm (+2,12%), lên 4.691,87 điểm.
Cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng phục hồi mạnh trong phiên thứ Ba sau 3 ngày giảm liên tiếp, đặc biệt là 2 phiên lao dốc hôm thứ Sáu tuần trước và thứ Hai tuần này do ảnh hưởng của sự kiện Brexit - Anh rời EU.
Kết thúc phiên 28/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 158,19 điểm (+2,64%), lên 6.140,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 178,62 điểm (+1,93%), lên 9.447,28 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 104,13 điểm (+2,61%), lên 4.088,85 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng khi đồng bảng Anh ngừng giảm so với đồng yên. Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số Nikke 225 bị chặn lại và chỉ còn ở mức khiêm tốn khi đóng cửa do ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin yếu kém trong ngành sản xuất ô tô.
Trong khi chứng khoán toàn cầu đã hồi phục, thậm chí cả chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đã có 2 phiên tăng tốt, nhưng chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm nhẹ hôm thứ Ba và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vẫn chưa hết nỗi lo về Brexit.
Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,93 điểm (+0,09%), lên 15.323,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 54,84 điểm (-0,27%), xuống 20.172,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 16,86 điểm (+0,58%), lên 2.912,56 điểm.
Bất chấp đồng USD hạ nhiệt, nhưng do áp lực chốt lời, trong khi chứng khoán đang hút dòng tiền trở lại, nên giá vàng đã quay đầu giảm trong phiên thứ Ba. Chỉ số VIX trên phố Wall giảm mạnh khiến vai trò trú ẩn của vàng thấp, gây áp lực lên giá kim loại quý này.
Kết thúc phiên 28/6, giá vàng giao ngay giảm 12,6 USD (-0,95%), xuống 1.311,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 6,8 USD (-0,51%), xuống 1.317,9 USD/ounce.
Cũng như chứng khoán, giá dầu thô đã phục hồi ấn tượng trong phiên thứ Ba, bù đắp lại hết gì đã để mất trong phiên đầu tuần. Giá dầu thô phục hồi ngoài việc đồng USD quay đầu giảm từ mức cao nhất hơn 3 tuần, còn do thông tin cuộc đình công của các công nhân mỏ tại Na Uy làm gián đoạn nguồn cung.
Kết thúc phiên 28/6, giá dầu thô Mỹ tăng 1,52 USD (+3,18%), lên 47,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,42 USD (+2,92%), lên 48,58 USD/thùng.