Hai chương trình bảo hiểm lớn được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ gần đây, đó là Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và Chương trình bảo hiểm thủy sản. Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp kết thúc cuối tháng 6/2014 và đang được xem xét để triển khai tiếp.
Còn chương trình bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67/NĐ-CP vừa được triển khai cách đây 1 tháng. Tại chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, chỉ có 2 DN bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Minh tham gia. Còn với chương trình thí điểm bảo hiểm thủy sản, ngoài 2 DN nói trên, còn có sự tham gia của PJICO và Bảo hiểm PVI. Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) là nhà tái bảo hiểm duy nhất tại Việt Nam tham gia vào cả hai chương trình bảo hiểm lớn này.
Trao đổi với ĐTCK, các nhà bảo hiểm tham gia các chương trình thí điểm đều coi chương trình thí điểm bảo hiểm thủy sản là một chính sách bảo hiểm quan trọng của Chính phủ, nhằm hỗ trợ cho ngư dân yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác hải sản xa bờ, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đại diện PJICO cho biết: “PJICO sẵn sàng đồng hành cùng các chủ tàu và ngư dân trong việc giảm thiểu các rủi ro, nhằm đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ. Việc phối hợp triển khai sản phẩm bảo hiểm này không chỉ khẳng định vai trò của DN bảo hiểm hàng đầu đối với chủ trương phát triển ngành thủy sản, mà còn thể hiện trách nhiệm của PJICO trong công tác an sinh xã hội đối với bà con nơi biển đảo”.
Theo chỉ định của Bộ Tài chính, PJICO sẽ triển khai bảo hiểm khai thác thủy sản tại các địa phương như Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tại Hội nghị tập huấn bảo hiểm tàu cá tại Nghệ An mới đây, ông Nguyễn An Hòa, Phó tổng giám đốc PJICO cam kết sẽ đáp ứng đủ nguồn lực để triển khai sản phẩm này.
Điểm đặc biệt trong chương trình thí điểm bảo hiểm thủy sản là các DN bảo hiểm sẽ triển khai theo hình thức đồng bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc thực hiện thống nhất, tăng cường khả năng kiểm soát trục lợi, đồng thời thuận lợi trong công tác tổng kết, đánh giá và thực hiện các điều chỉnh (nếu có) trong quá trình thí điểm để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trở lại với chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tổng kết 3 năm thực hiện thí điểm (2011-2013), đã có 304.016 hộ nông dân và 1 tổ chức tham gia bảo hiểm, trong đó có 233.361 hộ nghèo, 45.944 hộ cận nghèo. Phí bảo hiểm thu được là 394 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường là 721 tỷ đồng.
Đánh giá được đưa ra từ Bộ Tài chính, việc triển khai bảo hiểm trong nông nghiệp thời gian qua là một trong những giải pháp hỗ trợ người nông dân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, thông qua thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cũng tạo cho người sản xuất nông nghiệp ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất, canh tác, nuôi thủy sản theo hướng hiện đại hóa. Đây là mục tiêu cơ bản mà ngành nông nghiệp mong muốn đạt được để tiến tới sản xuất hàng hóa toàn diện... Ban chỉ đạo đã ghi nhận sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu lớn của Chính phủ.
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giữa năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đánh giá cao vai trò của nhà tái bảo hiểm, bởi nông nghiệp là lĩnh vực có rủi ro cao. Thứ trưởng Hà cũng nhấn mạnh, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm trong nước và quốc tế.
Vinare cam kết phối hợp với các nhà bảo hiểm triển khai nếu chương trình tiếp tục được triển khai. “Trách nhiệm của chúng tôi là hỗ trợ người nông dân Việt trước những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, tăng cường sức cạnh tranh cho lĩnh vực nông nghiệp“, đại diện Vinare khẳng định.