Nhiều chương trình bảo hiểm lớn
Ghi nhận từ Cục QLBH cho thấy, năm 2014, ngành bảo hiểm đã hoàn thành đúng tiến độ triển khai 2 chương trình thí điểm bảo hiểm lớn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đó là Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và Đề án thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
“Việc triển khai thí điểm đã mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm có nhiều tiềm năng như bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là việc hợp tác với các đối tác nước ngoài có nhiều lợi thế về kinh nghiệm và kỹ năng quản lý trong khai thác bảo hiểm tín dụng thương mại nói chung và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nói riêng”, Cục QLBH đánh giá.
Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách bảo hiểm.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm cũng đang phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DNBH phi nhân thọ nghiên cứu, xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm; cơ chế tái bảo hiểm và các vấn đề liên quan đến bảo hiểm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đây là sản phẩm bảo hiểm mới và phức tạp, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, nên rất cần được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và đánh giá điều kiện thực tế tại Việt Nam để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong khai thác.
Với sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai, để khuyến khích thị trường phát triển sản phẩm này dựa theo Luật Phòng, chống thiên tai, trong năm 2014 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính sẽ phối hợp nghiên cứu, xây dựng mô hình bảo hiểm rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
Chia sẻ với ĐTCK, các DNBH cũng cho biết, hiện thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chưa có các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai riêng biệt; thay vào đó, rủi ro thiên tai được các DNBH tích hợp trong các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản (bảo hiểm cháy và rủi ro đặc biệt, bảo hiểm mọi rủi ro công nghiệp, bảo hiểm mọi rủi ro tài sản...). Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng tham gia bảo hiểm tài sản chủ yếu là các tổ chức, doanh nghiệp lớn, với tài sản thương mại. Trên thực tế, số lượng tài sản được bảo hiểm mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số tài sản của toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, bảo hiểm vẫn còn chưa thâm nhập được vào thị trường tài sản công (trụ sở, công trình công cộng...) và tài sản tư nhân (doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực dân cư).
10.000 người lao động mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Với khối bảo hiểm nhân thọ, trong thời gian tới, thị trường tiếp tục phát triển các sản phẩm là bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm vi mô.
Về bảo hiểm hưu trí, theo Cục QLBH, năm 2014, có 4 doanh nghiệp được phê chuẩn triển khai bảo hiểm hưu trí và bước đầu đạt được những kết quả nhất định, dự kiến hết năm 2014 sẽ có 10.000 người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện với tổng số tiền đóng góp là 160 tỷ đồng.
Các DNBH được phép triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện đều nhận thấy việc phát triển sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện là xu hướng tất yếu trong tương lai. Đây là mảng thị trường tiềm năng có khối lượng khách hàng lớn. Ngoài 4 doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính chấp thuận triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện trong năm 2013, một số doanh nghiệp khác cũng đang nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, chuẩn bị cơ sở hạ tầng để trình Bộ phê duyệt.
Còn với sản phẩm bảo hiểm vi mô, việc triển khai ở Việt Nam gặp nhiều hạn chế. DNBH không quan tâm nhiều đến đối tượng có thu nhập thấp do mức độ rủi ro ở nhóm này cao, sản phẩm bảo hiểm vi mô có mức phí thấp, quy mô hợp đồng nhỏ, khả năng sinh lời không nhiều. DNBH có lợi thế về hệ thống công nghệ thông tin, đội ngũ chuyên gia về bảo hiểm…, song vẫn khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.
Trong khi đó, các tổ chức hiện triển khai bảo hiểm vi mô dựa chủ yếu vào sự tin cậy như Quỹ xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ, song còn thiếu kinh nghiệm, chuyên môn về bảo hiểm, chưa có hệ thống công nghệ hỗ trợ đầy đủ và đội ngũ nhân sự… để bảo đảm hoạt động an toàn, bền vững. Mặc dù vậy, thị trường cũng chờ đợi việc ban hành Thông tư hướng dẫn bảo hiểm vi mô. Văn bản này sẽ tạo khung pháp lý, đảm bảo hoạt động cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô được quy chuẩn, an toàn, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.