Nỗ lực “làm khỏe” thị trường trái phiếu

(ĐTCK) “Trên nền tảng những kết quả tích cực đã đạt được sau 6 năm vận hành thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển chuyên nghiệp, hấp dẫn và minh bạch hơn”, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính trao đổi với ĐTCK.
Bà Phan Thị Thu Hiền Bà Phan Thị Thu Hiền

Nhìn lại 6 năm vận hành của thị trường TPCP chuyên biệt, đâu là những thành quả tích cực, cũng như những tồn tại cần khắc phục, thưa bà?

Trong gần 6 năm qua, lượng vốn huy động qua thị trường TPCP đạt khoảng 865.000 tỷ đồng, qua đó, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô trên các khía cạnh: cân đối thu chi ngân sách, đảm bảo các nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển…

Tại thời điểm ngày 14/8/2015, dư nợ thị trường trái phiếu là 867.876 tỷ đồng, đạt khoảng 22% GDP năm 2014; trong đó, riêng dư nợ thị trường TPCP là 581.497 tỷ đồng, đạt khoảng 14% GDP năm 2014. Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản của thị trường tăng cao, khối lượng giao dịch bình quân trong 8 tháng đầu năm 2015 là khoảng 4.100 tỷ đồng/phiên, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014. Sau 2 năm triển khai hệ thống thành viên đấu thầu TPCP, hiện nay, hệ thống này đã có 24 thành viên gồm 18 ngân hàng thương mại và 6 CTCK.

Năm 2015 là năm đầu tiên phát hành thành công TPCP kỳ hạn 20 năm (kỳ hạn dài nhất từ trước tới nay) cho các công ty bảo hiểm nhân thọ với khối lượng phát hành trong tháng 7 và tháng 8/2015 là 4.230 tỷ đồng.

Hệ thống cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu từng bước được hiện đại hóa, nhằm rút ngắn thời gian đưa trái phiếu vào đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch. Hiện nay, đối với TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, việc đăng ký, lưu ký được thực hiện tại Trung tâm lưu ký, việc tổ chức đấu thầu, niêm yết và giao dịch trái phiếu được thực hiện qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường đang bộc lộ một số hạn chế mà Bộ Tài chính, cùng các bộ, ngành liên quan, các thành viên thị trường đang nỗ lực khắc phục như: quy mô và thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp so với thị trường TPCP của các nước trong khu vực; sản phẩm trái phiếu chưa đa dạng, chủ yếu là trái phiếu lãi suất cố định, trả lãi hàng năm và trả gốc một lần khi đáo hạn; hệ thống cơ sở nhà đầu tư vẫn chủ yếu là các ngân hàng thương mại, sự tham gia của các nhà đầu dài hạn, cũng như nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế…

Một trong những hạn chế trên thị trường trái phiếu là chế độ công bố thông tin chưa thực sự minh bạch và chưa được cập nhật có hệ thống. Bộ Tài chính sẽ làm gì để khắc phục hạn chế này?

Trong năm 2015, nhằm tạo thuận lợi hơn cho các chủ thể tham gia huy động vốn trên thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đã hoàn thiện thế hệ hai của Thông tư hướng dẫn Nghị định 01/2011 về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương gồm: Thông tư 111/2015/TT-BTC hướng dẫn về phát hành TPCP, Thông tư 99/2015/TT-BTC hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và Thông tư 100/2015/TT-BTC hướng dẫn về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước.

Các văn bản trên có nhiều nội dung cải cách. Cụ thể, đối với TPCP, đó là nâng cao quyền lợi, nghĩa vụ của thành viên đấu thầu, phát hành sản phẩm mới zero coupon bond, cải thiện lịch biểu phát hành, rút ngắn thời gian đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch TPCP.

Đối với trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh: quy định chi tiết hơn về hồ sơ cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu; hoàn chỉnh quy định về đăng ký lưu ký niêm yết trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh...

Đối với trái phiếu chính quyền địa phương: quy định chi tiết hơn về hồ sơ và Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; quy định về phương thức mua lại, hoán đổi trái phiếu chính quyền địa phương…

Còn một điểm cải cách lớn là lần đầu tiên các văn bản trên đều quy định rõ nội dung công bố thông tin, thời hạn và cách thức công bố thông tin của các chủ thể phát hành trái phiếu, nhằm tăng tính công khai, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia mua trái phiếu.

Điều này sẽ góp phần cải thiện tính hấp dẫn cho thị trường trái phiếu, qua đó, thu hút đa dạng hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường.

Một khó khăn lớn mà thị trường TPCP phải đối mặt từ đầu năm đến nay là cung - cầu khó gặp nhau, do thực hiện Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội: từ năm 2015 không phát hành các loại TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm. Bộ Tài chính có giải pháp nào để giúp thị trường vượt qua khó khăn này, thưa bà?

Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội cho phép đa dạng các kỳ hạn phát hành TPCP, cho phép tập trung phát hành kỳ hạn dưới 5 năm thay vì chỉ phát hành kỳ hạn từ 5 năm trở lên như quy định tại Nghị quyết 78/2014/QH13. Điều này nhằm khắc phục tình trạng cung - cầu vênh nhau như hiện tại, cũng như để tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển đồng bộ, trong đó, thị trường TPCP đóng vai trò là thị trường chuẩn.

Nếu Quốc hội thông qua phương án này, thì không chỉ cải thiện khả năng huy động vốn cho ngân sách, mà quan trọng hơn còn hỗ trợ cho thị trường TPCP phát triển ổn định, lành mạnh và chuyên nghiệp hơn. Đây là yếu tố ưu tiên hàng đầu của nhà điều hành trong phát triển thị trường TPCP.

Bộ Tài chính còn có những giải pháp nào khác hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trái phiếu, thưa bà?

Sắp tới, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường TPCP bền vững, thanh khoản cao và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, để trở thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế, với mục tiêu tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 2020, trong đó, dư nợ thị trường TPCP đạt 22% GDP.

Nỗ lực “làm khỏe” thị trường trái phiếu ảnh 1

Bộ Tài chính đã và đang triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu theo đúng lộ trình đến năm 2020

Theo đó, Bộ Tài chính đã và đang triển khai các giải pháp phát triển thị trường theo đúng lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định 261/QĐ-BTC ngày 1/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu, để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường và thông lệ quốc tế.

Cụ thể, đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN): tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP với các điểm sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường TPDN. Bộ Tài chính cũng tiếp tục triển khai Nghị định 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPDN. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu của thị trường TPDN để tăng cường tính công khai, thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Đối với TPCP, ngoài nghiên cứu ban hành các sản phẩm mới để đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường, còn tiếp tục nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thanh khoản, thành lập hệ thống nhà tạo lập thị trường từ hệ thống thành viên đấu thầu TPCP. Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định Quỹ hưu trí tự nguyện để thúc đẩy nhu cầu đầu tư dài hạn trên thị trường trái phiếu.

Thứ hai, về các giải pháp thị trường, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ, đảm bảo lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền tệ ổn định, ít biến động lớn. Tập trung phát triển hệ thống nhà đầu tư theo hướng khuyến khích phát triển các nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như: quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm..., qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại.

Tiếp tục xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài với các giải pháp căn bản: ổn định nền kinh tế vĩ mô; xây dựng và phát triển các sản phẩm trái phiếu phái sinh như hợp đồng tương lai, kỳ hạn...; tăng cường tính công khai trên thị trường thông qua xây dựng trang thông tin điện tử chuyên biệt cho thị trường trái phiếu, gồm đầy đủ dữ liệu thông tin về thị trường.

Phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cơ sở hệ thống thành viên đấu thầu TPCP với các giải pháp: ban hành khuôn khổ pháp lý về quyền lợi, nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường theo hướng nâng cao trách nhiệm của các thành viên đấu thầu trên thị trường sơ cấp; thúc đẩy nhanh quá trình đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch, nghiệp vụ repo, cung cấp thông tin giá cả nhằm hỗ trợ sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp; nghiên cứu ban hành chính sách về cơ chế hỗ trợ thanh khoản trên thị trường, để tiến tới quy định thêm nghĩa vụ đối với các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp là chào giá cam kết 2 chiều; tăng cường các cuộc đối thoại định kỳ với thành viên để nắm bắt nhu cầu và vướng mắc trong triển khai hệ thống thành viên đấu thầu.

Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin trên thị trường, để đảm bảo hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu diễn ra thông suốt; rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu, qua đó cải thiện thanh khoản cho thị trường.

Hữu Hòe thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục