Sẽ gỡ nhiều điểm nghẽn
Theo phản ánh của các DN, Nghị định 90 đặt ra các điều kiện khắt khe, khiến họ gặp nhiều khó khăn khi phát hành trái phiếu. Chẳng hạn, điều kiện DN phát hành trái phiếu trong nước phải có kết quả kinh doanh năm liền trước năm phát hành có lãi là không phù hợp đối với các DN mới thành lập và đang phát triển, bởi nhu cầu huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh của các DN này khá lớn. Các DN có nhu cầu huy động vốn để tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng không đáp ứng được điều kiện này, do kết quả kinh doanh của các DN trong quá trình tái cơ cấu thường không có lãi.
Để khắc phục bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định áp dụng riêng đối với các DN mới thành lập (chưa đủ 3 năm hoạt động) và DN trong quá trình tái cơ cấu, không cần đảm bảo điều kiện kết quả kinh doanh năm liền trước năm phát hành có lãi.
Phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế cũng gặp khó khăn do khó đáp ứng quy định, DN phải đảm bảo hệ số tín nhiệm tối thiểu ngang bằng với hệ số tín nhiệm quốc gia. Mặt khác, tại thời điểm nộp hồ sơ, DN thỏa mãn điều kiện này, nhưng đến thời điểm phát hành, DN có thể bị tụt hạng. Hơn nữa, không phải DN nào cũng có xếp hạng tín nhiệm.
Với lý lẽ TPDN là khoản tự vay, tự trả của DN và các NĐT trên thị trường quốc tế tự đánh giá rủi ro của TPDN, Bộ Tài chính cho biết, để khắc phục “điểm nghẽn” trên, Nghị định 90 sửa đổi có thể sẽ bỏ quy định DN phải đảm bảo hệ số tín nhiệm tối thiểu ngang bằng với hệ số tín nhiệm quốc gia.
Về phản ánh của các DN, đối với trường hợp DN phát hành trái phiếu hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, việc sử dụng báo cáo tài chính nào nào (báo cáo công ty mẹ, báo cáo hợp nhất, hay cả 2) trong hồ sơ phát hành hiện chưa quy định rõ, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định: DN phát hành hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con thì phải công bố cho các NĐT cả báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính tài chính hợp nhất.
Mở hướng cho lập Trung tâm thông tin TPDN
Theo quy định tại Nghị định 90 và Thông tư 211/2012/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 90, DN phát hành trái phiếu trong nước có trách nhiệm công bố thông tin: trước khi tổ chức phát hành, DN gửi thông báo kế hoạch phát hành đến Bộ Tài chính (thông tin về DN phát hành, khối lượng phát hành dự kiến, kỳ hạn, lãi suất...).
Sau khi hoàn tất đợt phát hành trái phiếu, DN báo cáo Bộ Tài chính về kết quả phát hành: giá trị phát hành thực tế, kỳ hạn, lãi suất... Định kỳ 6 tháng và 12 tháng, DN báo cáo Bộ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho đến khi trái phiếu đáo hạn.
Thực tế áp dụng các quy định này cho thấy, một số DN chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc thông báo kế hoạch và báo cáo kết quả phát hành đến Bộ Tài chính; sau phát hành, DN chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động và tài chính cho các NĐT mua trái phiếu, khiến NĐT không nắm được tình hình hoạt động của các DN phát hành...
Để khắc phục tình trạng trên, qua đó cải thiện tính minh bạch trên thị trường, các thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính cho phép VBMA đứng ra thành lập Trung tâm thông tin TPDN.
Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ đã đồng ý về chủ trương giao VBMA triển khai thí điểm Trung tâm thông tin TPDN, để tạo thuận lợi cho NĐT tiếp cận thông tin về các đợt phát hành, hỗ trợ phát triển thị trường thứ cấp, qua đó tăng thanh khoản cho TPDN. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 90, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận thông báo kế hoạch phát hành và báo cáo kết quả phát hành trái phiếu của DN, trong khi hiện chưa có cơ sở pháp lý để Bộ chuyển dữ liệu cho VBMA triển khai Trung tâm thông tin TPDN.
Để khắc phục vướng mắc này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về thẩm quyền của Bộ trong Nghị định 90 sửa đổi là Bộ Tài chính có thể ủy quyền cho tổ chức nhận báo cáo của DN phát hành.