Những tín hiệu ấm dần của thị trường trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trái phiếu đang ấm dần. Để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, các nhà đầu tư cũng cần lựa chọn doanh nghiệp uy tín, có phương án phát hành, kinh doanh và trả nợ hiệu quả.
Những tín hiệu ấm dần của thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu đang ấm dần

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng; Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 247.976 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua đạt 258.575 tỷ đồng, chỉ bằng 35% so với năm 2021 (hơn 722.700 tỷ đồng).

Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận sự đóng góp đáng kể của trái phiếu vào sự phát triển kinh tế, như ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký VBMA nhấn mạnh: Thông qua chức năng dẫn vốn, trái phiếu doanh nghiệp giúp cho nền kinh tế được vận hành tối ưu, hiệu quả nhất, tạo đà tăng trưởng và phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vừa đi qua dịch bệnh.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup – một đơn vị xếp hạng tín nhiệm uy tín còn cho rằng, trái phiếu là “cửa sinh” của nhiều doanh nghiệp. “Nếu không có kênh trái phiếu tôi tin rằng một số doanh nghiệp lớn đã sụp đổ rồi, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 làm đứt dòng tiền”, ông Thuân nhìn nhận.

Quả thực, nhìn vào dòng vốn huy động qua thị trường chứng khoán hiện chiếm khoảng 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế thì trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% và cổ phiếu chiếm khoảng 3,5%.

So sánh tương quan với kênh tín dụng ngân hàng, năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ trung, dài hạn chiếm tỷ trọng khoảng 55-56%, tương ứng hơn 650 ngàn tỷ đồng. Như vậy, vốn từ trái phiếu tương ứng gần 40% so với vốn tín dụng trung, dài hạn (năm 2021, huy động vốn qua 2 kênh này tương đương nhau).

Bước sang năm 2023, thị trường trái phiếu đã có những dấu hiệu “ấm dần” khi hàng loạt trái phiếu doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư.

Nếu như trong tháng 1 chỉ duy nhất một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công (110 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất danh nghĩa 10,5%/năm), thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ thì trong tháng 2, đã có 2 đợt phát hành được nhà đầu tư đón nhận. Cụ thể, Công ty cổ phần Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,5%/năm và Công ty cổ phần bất động sản Sơn Kim phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2,5 năm, lãi suất 13,5%/năm.

Mới nhất, ngày 20/3, Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living cũng phát hành thành công 4.800 tỷ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư trong nước. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 9%/năm, kỳ hạn trả lãi 3 tháng, đáo hạn sau 5 năm (13/3/2028); Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas (tên cũ là Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Tân Liên Phát Sài Gòn) cũng công bố phát hành thành công lô trái phiếu có tổng trị giá 2.300 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm…

Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, đây là một chiều hướng “đáng chú ý” và có thể tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã ra đời với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, nhất là trong giai đoạn đáo hạn cao điểm của trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024.

Nhà đầu tư cần “chọn mặt” gửi trái phiếu

Hiện dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, chiến lược tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP. Vậy, chúng ta phải làm gì để đạt được mục tiêu này?

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhìn nhận, với Nghị định 65 (sửa đổi Nghị định 153), hoạt động chào bán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được sửa đổi theo hướng an toàn hơn, chuyên nghiệp hơn và đặc biệt đã giảm tối thiểu trái phiếu riêng lẻ. Điều này phù hợp với xu hướng chung trên thị trường thế giới và chuyên nghiệp hoá thị trường trái phiếu Việt Nam. Vì chỉ có phát hành ra công chúng mới làm được hai việc quan trọng là xếp hạng và giám sát.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng e ngại, thời gian xét duyệt thủ tục phát hành ra công chúng hiện còn quá lâu khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà. “Hồ sơ từ khi trình duyệt đến phát hành chỉ nên 1 tuần, chậm lắm 2 tuần thôi nhưng hiện nay phải mất 6 tháng đến 1 năm mới xong 1 bộ hồ sơ. Khi kiểm tra, còn có thủ tục kiểm tra lại cả bố mẹ ông bà của doanh nghiệp thì quá phức tạp”, ông Nghĩa nói.

Để xử lý vấn đề này, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, cần cải tiến thủ tục xét duyệt hồ sơ và cần liên kết với tổ chức nước ngoài để chuẩn hoá, khách quan và minh bạch quy trình xếp hạng. Hiện nay, Việt Nam mới có 2 công ty xếp hạng, còn thiếu xa so với nhu cầu của thị trường.

“Các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý cần tạo lòng tin vững chắc hơn cho nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xếp hạng và xử lý hồ sơ phát hành, thanh tra giám sát để thị trường ổn định. Khi nhà đầu tư có lòng tin, doanh nghiệp phát hành được kỳ hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm mới là thành công của thị trường trái phiếu. Vì đây là thị trường vốn dài hạn, chủ chốt của doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.

Mặt khác, về phía nhà đầu tư, một nhân viên môi giới mảng trái phiếu của một công ty chứng khoán tên tuổi tại Hà Nội cho biết, thời gian qua đã phải tư vấn, xử lý cho nhiều trái chủ trót mua phải “trái đắng”. Anh này phân tích, một trong những nguyên nhân là do nhà đầu tư ham lãi suất cao, mà không nghiên cứu kỹ doanh nghiệp, nghiên cứu kỹ hợp đồng, thậm chí có người còn không nhớ tên công ty hay mã trái phiếu.

“Tiêu chí hàng đầu là chọn trái phiếu của các doanh nghiệp lớn, uy tín. Cùng đó, là chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, gắn liền với khả năng tạo ra dòng tiền thực sự từ doanh thu, lợi nhuận để có thể trả được gốc, lãi trái phiếu. Những trái phiếu phát hành ra công chúng, phải tuân thủ quy trình công bố thông tin và chấp thuận của cơ quan chức năng cũng là một sự lựa chọn an toàn hơn các trái phiếu phát hành riêng lẻ. Ngay cả với trái phiếu có tài sản đảm bảo, song nếu doanh nghiệp phát hành không có năng lực quản trị, chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản, thị trường đầu ra tốt, thì nhà đầu tư vẫn có thể gặp rủi ro, vì xử lý tài sản đảm bảo chỉ là lựa chọn bắt buộc cuối cùng”, nhân viên công ty chứng khoán này phân tích.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ khi Nghị định 08 của Chính phủ ban hành đến nay, đã có 6 lô trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành với tổng giá trị bằng tiền 11.840 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 08 không chỉ giúp giảm tải áp lực cho doanh nghiệp mà còn có thể bảo vệ nhà đầu tư, thông qua việc cho phép họ quyền chọn lựa đồng ý hoặc không đồng ý gia hạn, hoặc hoán trả bằng tài sản.

Đặng Khôi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục